Người biết tu hành là sửa đổi thói quen xấu một cách triệt để, đưa chúng ta trở thành người có lí tưởng, có trí tuệ khi đối diện với hoàn cảnh bên ngoài.
Thế nào là tu hành?
Hầu hết người học Phật đều cho rằng, tu hành là ăn chay, niệm Phật, lạy Phật sám hối, thậm chí tu luyện năng lực thần thông, trở thành người biết trước mọi chuyện, hoặc đả thông kinh mạch khí huyết trong người. Kì thực, nói một cách đơn giản, tu hành là sửa đổi những việc làm, lời nói, ý nghĩ không tốt, dùng bất kì phương pháp nào cũng được, miễn đạt thành mục đích này. Cho nên, các việc tụng kinh bái sám, ăn chay, niệm Phật nói ở trên, đích thực có khả năng giúp thân tâm chúng ta thanh tịnh, an ổn; do đó, đó là phương pháp tu hành, nhưng không phải là mục đích tu hành. Còn như việc tu luyện thần thông, Phật giáo chủ trương nhân duyên quả báo, hết thảy đều duyên nơi sự dẫn dắt của nghiệp lực đã gây tạo trong quá khứ, hiện tại phải chịu lấy quả báo đó; con đường tương lai, cũng phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân mà dần chuyển biến, nếu dựa hoàn toàn vào thần thông là sai lầm rất lớn.
Kinh điển dạy chúng ta phương pháp tu hành, biết phương pháp, hiểu phương pháp, tiến đến một bước nữa là chân thật thực hành phương pháp đó, như vậy mới đạt được lợi ích của việc tu hành. Nếu trong cuộc sống, công việc mà vẫn như trước kia, hở một tí là oán trời trách người, tức giận bực bội, cho dù có ăn chay, niệm Phật, tọa thiền, sám hối cũng chỉ là công phu biểu hiện bên ngoài, chẳng có chút ích lợi gì đối với việc sửa đổi thói quen xấu, hành vi không đúng và ý nghĩ sai lệch của mình.
Chúng ta phải chuyển biến hành vi và ý nghĩ, trị lành các chứng bệnh tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ… đối với người khác nên có tâm từ bi, bao dung, tha thứ những lỗi lầm của họ; đồng thời, phát huy thông minh tài trí của mình, phụng hiến thành quả có được cho xã hội, nơi nào lúc nào cũng vận dụng lí tính và trí tuệ, giải quyết mọi phiền não phát sinh. Cho nên, một người có năng lượng tu hành sâu dày, không chỉ có lợi ích cho bản thân, mà hành vi cử chỉ của người ấy cũng có lợi cho người khác.
Cách người tu hành cảm hóa người thân
Trước kia có người vợ đến cầu cứu tôi, nói chồng của cô rượu chè, cờ bạc… Mỗi lần thấy cha trở về nhà là mấy đứa con rất sợ hãi. Tôi hỏi cô có muốn li hôn không? Cô nói vẫn mong muốn giữ được hạnh phúc vợ chồng và gia đình. Tôi khuyên cô nên chí tâm thành khẩn trì niệm 200.000 biến chú Đại bi, may ra có cơ hội tốt. Kết quả là chồng của cô vẫn nhậu nhẹt, cờ bạc như xưa, không thay đổi chút nào, ngược lại chính cô là người thay đổi. Sau khi chí tâm trì tụng 200.000 biến chú Đại bi, tâm an định lạ thường, tâm từ bi và trí tuệ tuôn chảy như dòng suối lớn. Cô không còn suốt ngày oán trách chồng, cũng không than vãn nghiệp duyên của mình không tốt gặp phải người chồng chẳng ra gì. Cô dành hết thời gian và tâm trí thương yêu vào việc nuôi dạy ba người con, dạy chúng phải thông cảm và thương yêu cha, bởi ông không biết làm cách mạng cuộc đời, đắm chìm trụy lạc trong bùn nhơ của trần thế.
Từ đó, mỗi lần người chồng say xỉn trở về, cô và các con không chạy trốn như trước, cũng không càu nhàu, cau có. Tâm cô bình lặng và vẫn quan tâm chăm sóc chồng. Lúc đầu người chồng còn thấy khó chịu khi mọi người không sợ mình, dần dà nhận ra mình thật không đúng với vợ con, ông quyết tâm cải đổi, không khí gia đình tự nhiên được ấm áp, luồng gió hạnh phúc thổi mát cả nhà.
Cho nên, tu hành là làm mới thói quen xấu một cách triệt để, đưa chúng ta trở thành người có lí tưởng, có trí tuệ, cách tân tâm thái của mình khi đối diện với hoàn cảnh bên ngoài. Như thế, dù đối diện với hoàn cảnh cùng cực, chúng ta cũng xử sự một cách bình thản. Như vậy tu hành có thể làm cho thân tâm mình an vui nhẹ nhàng, cũng có thể giúp người khác khai phát trí tuệ của họ, thân tâm cũng được an vui nhẹ nhàng.
(Nguồn: “Nhận diện khổ đau”
Tác giả: Pháp sư Thánh Nghiêm
Nhà xuất bản Tôn giáo, 2017)