Bình an do mình tạo ra thì sẽ có điều kiện để nó tồn tại, nên đó vẫn chỉ là bình an giả tạm, chưa phải là bình an thật sự.
Bình an tự nhiên sẵn có là thật, còn khởi tâm muốn bình an thì cái gọi là “bình an” mà mình đang hướng tới chỉ là một khái niệm, quan niệm, một lý tưởng. Nó đã trở thành một pháp hữu vi, chế định chứ không phải pháp thực tánh.
Mặt khác, cái gọi là “bình an” ấy còn tùy vào cách hiểu của mỗi người.
Nếu một người bị quấy rầy thì liền tránh đi để được an, thì đó chỉ là bình an tạm thời.
Hoặc khi gặp đau khổ, người theo Đạo Thiên Chúa cho đó là ý của Thượng Đế, người Phật tử thì nghĩ đó là do Nghiệp, phía Đạo giáo lại cho đó là do Mệnh, để rồi không suy nghĩ nữa cho lòng được yên. Đó cũng chỉ là sự yên tâm tạm thời do mình tạo ra.
Khi đối diện với khổ đau, mỗi người đều tìm ra một cách giải thích mang tính an ủi, để tạo ra sự “an tâm ảo” chứ không phải an tâm thật sự…
Bản chất các pháp vốn là “tịch tịnh” tuyệt đối. Khi muốn bình an, tức là chưa thấy được sự bình an tuyệt đối ấy đang có ở khắp mọi nơi, trong tất cả các pháp, và cả trong tâm mình ngay lúc đó.
Khi không thấy bình an thì chính là đang “vô minh”, muốn bỏ đi sự bình an sẵn có để đi tìm sự bình an trong tưởng tượng của mình gọi là “ái dục”…