19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Người Thầy vĩ đại

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Kính gửi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Người Thầy vĩ đại! Kính thưa Thầy, mặc dù con không có nhân duyên được thọ giảng trực tiếp giáo pháp của Người. Nhưng may mắn cho con trong kiếp hiện tại là có nhân duyên được học tập, tìm hiểu, nghiên cứu tư tưởng, đạo pháp của Người qua hệ thống Kinh, Luật, Luận.

Audio

Do vậy, con xin nguyện được làm một học trò nhỏ của Người, dù con chưa phải là Phật tử, chưa tham gia vào Tăng đoàn hay Tổ chức giáo hội. 

Thưa Thầy, hiện tại con là một Thầy giáo, giảng dạy tại một trường đại học thuộc khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam. Đó là Trường Đại học Tây Bắc, nơi có đến trên 80% là sinh viên dân tộc thiểu số. Đây cũng là nơi học tập, nghiên cứu của các em sinh viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Do đó, trong các lớp học của con có các bạn sinh viên Việt Nam, sinh viên Lào, sinh viên là người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trong quá trình công tác, giảng dậy tại trường; thông quá các môn học, bài học, tiết dậy, hoạt động ngoại khóa; đặc biệt là các môn học về triết học, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đạo đức con thường xuyên lồng ghép, giới thiệu tới các em tư tưởng, triết lý và giáo pháp của Người. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Kính thưa Thầy, giáo pháp của Thầy đã khai mở cho chúng con thế giới quan khoa học và nhân sinh quan khoa học Phật giáo. Trước đây, khi chưa đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, thời còn thơ ấu con thường tin rằng thế giới này được tạo ra bởi thần linh, thượng đế, và mọi sự sống trên trái đất này được quyết định bởi các thế lực siêu nhiên. Đến khi trưởng thành, có lúc con lại tin theo học thuyết vô thần, đôi khi có phần cực đoan; rằng trên thế giới này không có thượng đế, thần linh; không có linh hồn, chết có nghĩa là hết; không có luân hồi, sinh tử; không có nhân quả; và rằng con người là sinh vật duy nhất, thông minh nhất trên địa cầu và trong vũ trụ này…

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu giáo pháp vi diệu của Người; thế giới quan hạn hẹp của con đã được khai mở. Người từng thuyết: “Trên vũ trụ này còn vô số những thế giới khác, trong một ly nước cũng có vô số những con trùng trong đó”, những con trùng trong nước mà Người nói đến chính là vi khuẩn mà con người ngày nay phát hiện ra qua lăng kính hiển vi. Đồng thời, trái đất không phải là hành tinh duy nhất tồn tại sự sống; con người cũng không phải là sinh vật duy nhất trong vũ trụ bao la, rộng lớn này. Cùng với đó, Người đưa ra thuyết “Vô thường” và luật nhân quả. Theo đó, trong thế giới này không có gì là thường hằng, bất biến, có sinh ắt có tử, có thịnh ắt có suy; thành, trụ, hoại, diệt là lẽ thường hằng; tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều tuân theo quy luật nhân quả, luân hồi, nghiệp báo. Những gì mà Người nói cách đây hàng ngàn năm đã được khoa học hiện đại ngày nay chứng minh là hoàn toàn có căn cứ. Nhận định về điều này, nhà bác học Albert Einstein viết: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vươt lên Thượng đế của cá nhân, tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật”. 

Thưa Thầy, giáo pháp của Thầy giúp cho chúng con tạo dựng niềm tin chánh niệm trong cuộc sống. Con nhớ, trong Kinh Kalama sutta, Người dậy rằng hãy chớ vội tin vào bất cứ điều gì khi mà chúng ta chưa tìm hiểu thấu đáo, triệt để, cho dù đó là lời của chính Người mà hãy luôn quán sát, suy tư và thể nghiệm trong chánh niệm trong đạo hạnh, an lành và tốt đẹp ngay trong hiện tại. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, thuộc Trường Bộ Kinh Người dạy chúng con rằng “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác”. Người luôn đặt niềm tin vào sức mạnh nơi chúng sinh, Người nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Lời dạy của Người khơi dậy cho chúng con niềm tin, ý chí và sức mạnh nơi chính bản thân mình; đồng thời phải không ngừng nỗ lực cố gắng học tập, tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện sống một cuộc sống có đạo đức, có chánh niệm, có lý tưởng; phát huy tinh thần tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên trong cuộc sống. 

Thưa Thầy, giáo pháp của Thầy mở ra cho chúng con con đường giải thoát khỏi vô minh, trầm luân, sinh tử. Đó chính là con đường Trung đạo, là  Tứ diệu đế – bốn chân lý kỳ diệu, vi diệu, và tối thượng. Nó bao gồm: Khổ đế (con người và vạn vật sinh ra trong vũ trụ này là khổ); Tập đế (chỉ ra nguyên nhân của Khổ là do vô minh và ái dục); Diệt đế (khẳng định con người và chúng sinh có thể diệt Khổ thông qua con đường đạo đức, trí tuệ, diệt trừ vô minh và ái dục); Đạo đế (là con đường, phương pháp để diệt Khổ đạt đến sự giải thoát, giác ngộ, viên mãn, an lạc và thanh tịnh). Thực hành con đường Trung đạo không gì khác là thực hành Bát chánh đạo – Tám con đường tu dưỡng, rèn luyện trí tuệ, đạo đức thân tâm giúp chúng sinh thoát khỏi trầm luân đau khổ. 

Thưa Thầy, giáo pháp của Thầy giúp cho chúng con hiểu biết về tình yêu thương, sự công bằng, hòa bình và an lạc; tinh thần từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha. “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ như nhau, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn”. Con thường giảng giải cho học trò của con hiểu về “Ngũ giới”, “Thập thiện” và “Tứ ân”. Ngũ giới là năm điều cấm kỵ gồm: Không sát sinh; không nói sai sự thật; không tà dâm; không trộm cắp; không uống rượu. Thập thiện là mười việc thiện nên làm là: Ba điều thiện về thân tức hành động gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Bốn điều thiện về khẩu tức lời nói gồm: không nói dối, không nói hai chiều, không nói điều ác, không nói thêu dệt. Ba điều thiện về ý tức suy nghĩ gồm: không tham lam, không giận dữ, không tà kiến. Tứ ân là hiếu nghĩa, nhớ ơn và đền đáp công ơn của cha mẹ, chúng sanh, quốc gia, dân tộc, đất nước và Tam bảo (tức Phật, Pháp, Tăng). Trên cơ sở đó, con thường xuyên động viên, khuyến khích các em áp dụng và thực hành vào trong cuộc sống. Những lời dậy của Người giúp cho chúng con hình thành nhân cách đạo đức, lý tưởng sống tốt đẹp, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc, đất nước và nhân loại.

Kính thưa Thầy, những tư tưởng, triết lý trong giáo pháp của Người như những giọt nước cam lộ tưới mát tâm hồn chúng con. Chúng con mong muốn lan tỏa được ánh sáng đuốc tuệ, từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha, tình yêu thương, yêu hòa bình của Người đến với các thế hệ học trò và nhân dân các dân tộc tại khu vực Tây Bắc – vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc như một sự tri ân của chúng con đối với Người!

*Bài viết được gửi từ tác giả: Th.S. Đào Văn Trưởng – Trường Đại học Tây Bắc.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo