Lắm lúc tôi nghĩ rằng, tâm hồn của mình tựa như một ngôi nhà. Tôi sống ở đó ngày này qua tháng nọ nhưng chưa từng một lần thực sự làm chủ nó. Mỗi ngày, biết bao kẻ đến quấy phá, quẳng vào đây đủ thứ linh tinh.
Tôi mặc kệ. Đôi khi, chính bản thân tôi còn mời gọi chúng đến khiến nơi trú ngụ của mình càng thêm bừa bộn lẫn rối ren.
Bỗng một ngày nọ, tôi chợt nhận ra, “căn nhà tâm hồn” của mình chẳng khác gì một cái chợ đồ cũ. Bên trong, đủ thứ vui buồn, yêu hận, thương ghét, sầu não nằm ngổn ngang chất đống. Chúng che đi ánh sáng tươi đẹp chiếu qua cửa sổ tâm hồn là đôi mắt này. Chúng chặn đứng những hương thơm ngào ngạt của đức hạnh. Chúng ngăn hết mọi thanh âm tuyệt vời đến với đôi tai. Chúng khiến cho lòng tôi nặng trĩu và không phút giây nào bình yên. Và rồi đôi chân của tôi như đang đeo biết bao gông cùm xiềng xích. Từng bước từng bước càng thêm nặng nề, bước một bước mà lùi đến tận mấy bước.
Dẫu biết rằng phải dọn dẹp khi nhà cửa bề bộn vậy mà bản thân lại chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Những thứ hỗn độn cứ dần đầy lên, che lấp cả lối ra của ngôi nhà tâm hồn trong tôi. Rất nhiều lúc cảm giác buông xuôi trổi lên mạnh mẽ, để mặc mọi chuyện ra sao cũng được. Nhưng buông xuôi được bao lâu chứ? Chỉ tạm thời an nhàn một lúc. Rồi đâu lại vào đó. Chuyện cũ xen chuyện mới vẫn ở yên trong “ngôi nhà” của mình.
Giữa lúc đang hoang mang, ánh sáng màu nhiệm của Phật pháp chiếu qua ô cửa đã đóng bụi từ lâu. Như một phép màu, nó đã dẫn lối tôi bước theo và đến với con đường tu tập chân thật. Hành trình đi đến với Phật pháp cũng là công cuộc dọn dẹp cái ngôi nhà tâm hồn ngổn ngang lâu nay. Từng chút từng chút một.
Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ rằng tu tập theo đạo Phật là điều gì đó rất cao siêu. Ở đó có những người tu hành khổ hạnh, tưởng như đoạn tuyệt với cuộc sống trần gian. Thế nhưng khi bắt đầu đến chùa, tham gia các khóa tu, thực hành tu tập, suy nghĩ của tôi dần đổi khác.
Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa cao siêu của từng câu kinh nhưng tôi dần cảm thấy thân tâm mình trở nên nhẹ nhõm. Mỗi lần đọc kinh là mỗi lần giữ cho thân và khẩu bớt đi những hành động sai lầm cùng lời nói thiếu thiện cảm. Đó cũng là mỗi lần bớt đi chút ít vọng tưởng xa vời cùng bao lo âu về một tương lai còn chưa xảy đến.
Còn thiền định tựa như tấm gương phản chiếu từng ngóc ngách một trong “ngôi nhà nội tâm” của chính mình. Tôi nhìn thấy rõ vô số phiền não, sân hận và tham lam đang vương vãi khắp nơi trong đó. Và khi đủ dũng khí đối diện với nó, tôi có sức mạnh để quẳng đi tất cả chúng mà không vấn vương điều gì. Có bỏ đi rồi, thân tâm mới nhẹ nhàng.
Tôi từng đọc qua ở đâu đó rằng bản tâm này là cội nguồn của đau khổ nhưng cũng là nguồn gốc của hạnh phúc. Khi biết buông điều cần buông, giữ lại điều tốt đẹp, tự nhiên niềm vui sinh sôi nảy nở trong tâm hồn mình. Hoá ra, thế giới Cực Lạc được nhắc đến trong kinh Di Đà không phải một nơi trong trí tưởng tượng. Nó thực sự đang ở ngay đây, khi tôi học được cách rời xa phiền não, chấp nhận mọi điều xảy đến với mình một cách tự nhiên, không sợ hãi, không lo âu.
Nhìn thấy các tạp niệm bám chặt lấy từng góc trong ngôi nhà nội tâm dần được gột rửa, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Ánh sáng của sự giác ngộ chiếu đến. Ở đâu đó trong sâu thẳm nơi này, những bông hoa tươi đẹp đua nhau nở rộ. Đó như một thành quả nho nhỏ trên con đường tu tập của mình.
Paulo Coelho từng viết trong quyển sách nổi tiếng Nhà giả kim: “Khi chúng ta nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, mọi thứ xung quanh chúng ta cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn”. Cũng như vậy, tôi tin rằng khi bản thân một lòng muốn hướng đến những điều tốt đẹp, cuộc sống này cũng sáng sủa và hạnh phúc hơn. Có lẽ rằng con đường phía trước vẫn còn dài. Và ngôi nhà tâm hồn của tôi vẫn cần phải dọn dẹp thêm. Nhưng giờ đây, nơi này đã dần trở nên ngăn nắp và tuyệt nhiên không đón nhận thêm những điều muộn phiền nhờ biết tu hành theo chánh đạo.
Cuộc đời vốn dĩ không ngừng khổ đau. Chỉ cần tôi cảm thấy yên vui, tự nhiên mọi thứ đều trở nên tươi đẹp. Một ngày nào đó, ngôi nhà nội tâm này nhất định sẽ sạch sẽ, không còn chút ngổn ngang nào. Và tôi đây sẽ thực sự sống trong cõi Cực Lạc do chính mình tạo ra.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Lê Quí Nhi; địa chỉ: xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh.