Cuộc sống luôn vận hành theo quy luật của thời gian và con người từng ngày phải chạy theo vòng quay thời gian ấy để cuộc sống tốt hơn. Có khi nào ta nhìn lại rằng: Giá trị bản thân ta là gì?
Ta được gì sau những thành công hay sau những thất bại. Hay cái ta nhận lại chỉ là những cung bậc cảm xúc “vui, buồn”. Tôi cũng là một người như thế, tôi thích đắm chìm trong sự thành công, sự vui vẻ và một khi tôi rơi vào trạng thái u buồn thì tôi rất khó để thoát ra. Tôi là một người sống tình cảm và luôn đặt cảm xúc lên trên nên vì thế tình cảm luôn là thứ chi phối bản thân tôi rất nhiều. Để có sự cân bằng cảm xúc ấy thì “Phật pháp” chính là nơi giúp tôi có thể giải tỏa những căn thẳng và dạy cho tôi cách “buông bỏ” những thứ đã qua.
Từ nhỏ tôi cũng chưa biết về phật pháp hay ăn chay là như thế nào. Thế nhưng khi càng lớn thì cơ duyên đến với Phật pháp với tôi càng nhiều và tôi học cách ăn chay, tôi đi chùa nhiều hơn và tôi tin Phật nhiều hơn và tin cuộc đời này có phép màu.
Đó giờ tôi chỉ nghĩ, phép màu là điều không có thật hoặc chỉ có trên phim nhưng khi tôi được tận mắt thấy điều ấy thì tôi đã tin Phật pháp nhiệm màu. Đó là bà ngoại tôi ốm nặng và vượt qua khỏi nhờ Phật và rất nhiều lần bà thoát khỏi cửa tử. Tôi phải bất ngờ khi thấy bà vượt qua cơn bệnh nặng chỉ sau 2-3 ngày và có nhiều điều mà bác sĩ nói với gia đình tôi là “kì tích”. Có thể nói bà ngoại cũng là một cơ duyên cho tôi biết đến Phật pháp nhiều vì những lần bà bệnh, tôi đều đến chùa để cầu an cho bà và dần thành thói quen khiến tôi muốn đến chùa nhiều hơn.
Tôi thấy đạo Phật rất hay khi dạy con người về triết lý nhân sinh muôn đời là quy luật “Nhân – Quả”. Cuộc sống nếu ta gieo nhiều nhân duyên lành thì sẽ gặt hái được những trái ngọt mà ta mong muốn. Tôi tin những phép màu đến từ những nhân duyên trong cuộc sống mà chúng ta tạo nên chứ không phải tự nhiên mà có được. Mỗi việc thiện ta làm hay mỗi bữa ăn chay là chúng ta đang gieo những hạt giống lành cho cuộc sống, ta không làm ai buồn hay đau khổ là ta đã gieo những phước lành. Theo quy luật nhân sinh của cuộc đời thì khi ta gieo hạt, ắt sẽ có ngày nảy mầm, những hạt giống lành ấy như những nhân duyên tốt để dẫn ta đi trên con đường tốt đẹp hơn. Những điều đó là quy luật nhân quả của cuộc sống, ta sẽ phải nhận lại tất cả những gì chúng ta đã gieo mầm trước đó, càng làm tốt nhiều thì trái ngọt gặt hái sẽ được nhiều.
Đạo Phật là cái nôi để nuôi dưỡng những tâm hồn từ bi, bác ái. Đạo phật dạy con người cách đối nhân xử thế và hiểu biết thêm về giá trị của cuộc sống. Từ khi biết đến Phật, bản thân tôi đã thay đổi đi rất nhiều,…Tôi học được những giá trị sống tích cực và tôi tin mọi thứ là do “duyên”. Có người nói với tôi rằng: “Đạo Phật khiến mọi người bị động hơn vì họ tin con người đã có cái số ấn định nên sẽ không cố gắng” Thế nhưng, tôi lại nghĩ khác vì con người đúng là đã bị ấn định bởi cái “số” bản thân sẵn nhưng ta lại có “Đức năng thắng số”, ta không thể di dời cái số của bản thân nhưng ta có thể thay đổi nó bằng việc làm những việc tốt lành để những nhân duyên tốt luôn đến với ta. Điều tôi học được từ Phật giáo mà tôi thấy ý nghĩa nhất là sự biết chấp nhận và buông bỏ. Chúng ta cứ sống trong một môi trường hoàn hảo quá thì khi gặp một chút trắc trở sẽ làm bản thân yếu kém đi, chúng ta không chấp nhận sự thật và cứ ôm những nỗi buồn ấy trong lòng để khiến bản thân phải chịu những tổn thương. Nhờ vào Phật mà tôi mới hiểu ra được là đôi khi ta nên buông bỏ những thứ ta không có được cũng như là buông bỏ đi những nỗi buồn. Tôi biết cảm xúc buồn rất tốt cho bản thân, nó cũng là một gia vị của cuộc sống, thế nhưng, buồn như thế nào mới là tốt? Đâu phải ta cứ ôm những nỗi buồn ấy hoài, vì thời gian là vô hạn nhưng cuộc sống bản thân ta là hữu hạn, thay vì cứ ôm lấy nỗi buồn thì sao ta không buông bỏ đi để cho nhẹ lòng hơn, để tâm ta bình an hơn. Trong cuốn “Không sinh, không diệt, đừng sợ hãi” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cũng có dạy mọi thứ trên đời này đều “Không sinh-Không diệt, Không đến-Không đi, Không giống-Không khác, Không có cũng không không”. Mọi thứ trên cuộc đời này đều thay đổi theo thời gian, một giây trôi qua là mọi thứ không còn mang bản sắc cũ mà nó đã đổi mới, vì thế mà con người phải biết buông bỏ đi những thứ đã qua và học cách chấp nhận để đón nhận những điều mới đến.
Tôi thấy rất vui vì ngày nay giới trẻ có sự tiếp thu Phật pháp nhiều hơn, họ thích đến chùa để công quả hay dự khóa tu nhiều hơn. Có rất nhiều những vị sư thuyết pháp nổi tiếng đi vào lòng của các bạn trẻ, điều đó cho thấy Phật giáo đang có sự lan tỏa mạnh mẽ. Thế nhưng, tôi cũng có chút buồn khi thấy xã hội phát triển quá nhanh khiến cho đồng tiền lại có sự ảnh hưởng đến lương tâm của một ít vị sư. Tôi đã chứng kiến qua điều đó và tôi rất buồn khi thấy những vị sư ấy vì tiền mà làm những điều không hay. Họ như “những con sâu làm rầu nồi canh”, họ đã khiến cho giá trị Phật pháp sẽ cũng có chút ít sự không thiện cảm với một số người. Thế nhưng, bản thân tôi cũng từng gặp các sư cô có tấm lòng cao cả và tôi rất biết ơn cô, tôi không nhớ rõ tên, hai cô ở tại chùa Bạch Liên 2-phường 11-TP Cao Lãnh-Đồng Tháp, có thể nói hai cô là người đã ngày đêm cầu an cho bà ngoại tôi suốt hơn hai năm cho tới khi bà qua đời. Điều làm cho tôi luôn quý mến và biết ơn cô là cô cầu an cho bà ngoại tôi vì cái tâm yêu thương tôi và bà ngoại chứ không phải vì vật chất. Và cũng còn rất nhiều sư cô cũng động viên tinh thần tôi và giúp bà ngoại những lúc bạo bệnh, tôi rất biết ơn về điều đó.
Có thể nói đạo Phật ngày nay đang có tầm ảnh hưởng lớn đến rất nhiều người, giúp con người biết thấu hiểu và yêu thương nhau, cũng như giúp họ nhận ra giá trị bản thân nhiều hơn. Đạo Phật đến với tôi như một nhân duyên và đã thay đổi bản thân tôi đi rất là nhiều. Đạo Phật đã dạy tôi biết mở lòng mình, yêu thương mọi người và hành thiện nhiều hơn. Cho tôi biết được những giá trị cuộc sống tốt lành và dạy tôi cách buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Đối với tôi, từ khi biết Phật, bản thân tôi như được chữa lành về tinh thần và Phật pháp như chỗ dựa tinh thần cho tôi những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Tôi mong rằng đạo Phật sẽ mãi phát triển và lan rộng tầm ảnh hưởng đến các bạn trẻ nhiều hơn để các bạn phát triển tốt hơn.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Lê Huỳnh Bắc; địa chỉ: Phường 2, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp.