back to top
21.9 C
Chư Sê
Thứ Tư, 8 Tháng Năm, 2024
Home Blog Page 159

Đệ tử Phật nên tập khéo nói

Nói năng và hành xử sao cho vừa ý, đẹp lòng nhau là cả một nghệ thuật sống với nền tảng là sự chân thật, minh triết và từ bi. Đôi khi người ta hay ca ngợi một người nào đó sao khéo ăn nói vì biết cách thuyết phục người để làm lợi cho riêng mình, khiến người khác làm theo chủ ý của mình.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện múa ca

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm.Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích.(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bà la môn, phần Lời nói, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.701).

LỜI BÀN:

Nói năng và hành xử sao cho vừa ý, đẹp lòng nhau là cả một nghệ thuật sống với nền tảng là sự chân thật, minh triết và từ bi. Đôi khi người ta hay ca ngợi một người nào đó sao khéo ăn nói vì biết cách thuyết phục người để làm lợi cho riêng mình, khiến người khác làm theo chủ ý của mình. Thực ra, hành vi và cách nói năng này không phải là thiện thuyết, khéo nói mà là ỷ ngữ, nói lời thêu dệt, phù phiếm, nịnh hót làm mê hoặc người.

Theo tuệ giác Thế Tôn, để trở thành người khéo nói, trước hết phải nói đúng lúc. Xác định đúng thời điểm để mở lời về một vấn đề nào đó rất quan trọng. Nếu cảm thấy chưa đúng thời thì không nên nói vì dù có nói ra cũng không mang đến kết quả.Kế đến, khéo nói chính là nói thật vì không có gì mầu nhiệm, cao siêu hơn nói về sự thật. Đành rằng, không phải nói ra bất cứ sự thật nào cũng có lợi cho mình và người, cho nên phải chờ đúng lúc mới nói. Và một khi đã hợp thời thì quyết không bưng bít hay nói sai sự thật.

Mặt khác, lời nói phải nhẹ nhàng, hòa ái nhằm mang đến sự tin cậy và hòa hợp. Phải trưởng dưỡng nội tâm thanh thản thì mới có thể nói được lời thanh tao, nhẹ nhàng. Lời nói sẽ trở nên hay tuyệt khi mình và người đều được lợi ích. Quan trọng hơn lời nói phát ra vì lòng từ, vì tình thương, luôn mong muốn cho người được an lành, lợi lạc. Cho nên những ai biết “nói như hoa” đúng lúc, đúng với sự thật, nhu hòa, lợi ích và từ ái thì chắc chắn người này gặt hái được nhiều an vui, hạnh phúc.

Không phải không có nguyên nhân khi người xưa nói “tai họa từ miệng mà ra”. Do vậy, tu tập để chuyển hóa những lời nói thô ác trở nên thiện lành nhằm tránh xa những xung đột, bất hòa, khổ não là điều cần thiết trong đời sống hàng ngày của mỗi người con Phật.

Phật dạy cách tìm một người bạn tu tốt

Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Tikandaki, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo không đáng được làm bạn. Thế nào là năm?Bảo làm việc đồng áng; ưa thích kiện tụng; chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo; sống đời sống không có mục đích; không có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.Thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo không đáng được làm bạn.

Này các Tỷ kheo, thành tựu năm pháp này, Tỷ kheo đáng làm một người bạn. Thế nào là năm?Không bảo làm việc đồng áng; không ưa thích kiện tụng; không chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo; không sống đời sống không có mục đích; có khả năng trình bày hoặc khích lệ làm cho hoan hỷ với một bài thuyết pháp.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Tikandaki, phần Người bạn, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.589)

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện người nô lệ Nanda

LỜI BÀN:

Trong đời sống Tăng đoàn, thầy và bạn là những nhân tố cực kỳ quan trọng góp phần tác thành nên phạm hạnh và tuệ giác cho mỗi vị Tỷ kheo. Đặc biệt là những người bạn đồng tu, vì sống chung nên có những ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến nhân cách và phạm hạnh lẫn nhau cũng như về các phương diện khác.

Theo tuệ giác của Thế Tôn, một người bạn đồng tu đúng nghĩa, trước hết phải là người dồn hết thời gian cho tu tập, không xu hướng đến những công việc mưu sinh của thế tục như công việc đồng áng, sản xuất, kinh doanh…

Bởi lẽ ảnh hưởng những tư duy hướng ngoại sẽ làm tán tâm, tăng trưởng tham ái, dục vọng.Tiếp đến, người bạn tốt là người biết nhẫn nhịn, không chấp chặt, luôn hỷ xả. Những vướng mắc phát sinh trong đời sống xuất gia phải được giải quyết trong tinh thần lục hòa. Vận dụng hiểu biết và thương yêu để thiết lập hòa hợp, không tranh chấp, kiện tụng là phẩm chất quý giá của người thiện hữu tri thức.

Điều cần yếu trong tu tập là phải biết kính trên nhường dưới, đặc biệt là phụng mạng đối với các bậc tôn túc. Sự phục tùng, không chống đối các Tỷ kheo lãnh đạo thể hiện sự khiêm cung, cầu tiến. Kính thuận sư trưởng là một phẩm chất cao quý của người học đạo đồng thời là gương sáng cho bằng hữu học tập, noi theo.

Mục đích của người xuất gia là hướng đến giải thoát. Vì thế, nếu không xác định và duy trì được mục đích cao cả ấy trong đời sống xuất gia thì rất nguy hại. Người sống lây lất, qua ngày đoạn tháng, không có mục đích chỉ là gánh nặng và di hoạ cho đại chúng, có thể dẫn đến thối đọa. Do vậy, muốn giữ vững chí nguyện xuất trần cần phải chọn bạn là người luôn hướng về giải thoát.

Sống theo pháp và nỗ lực hoằng truyền chánh pháp là phận sự của Tỷ kheo. Người bạn đồng tu tốt luôn quan tâm đến sự thịnh suy của giáo pháp đồng thời luôn hoan hỷ, tán thán với việc bố thí pháp. Chính công hạnh này sẽ làm động lực trợ duyên cho pháp lữ dấn thân hoằng pháp vì lợi ích quần sanh.

Chọn bạn tu tốt để nương tựa là điều cần yếu trong tu tập. Mặt khác, chính tự thân mỗi vị Tỷ kheo phải nỗ lực hoàn thiện mình để xứng đáng là bậc thiện hữu cho đại chúng nương tựa.

Suy ngẫm về bảy điều thịnh suy mà Đức Phật dạy

Đức Phật đã trả lời như sau:

  1. Khi nào dân Bạt-kỳ thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
  2. Khi nào dân Bạt-kỳ tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết.
  3. Khi nào dân Bạt-kỳ không ban hành những luật lệ không nên ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Bạt-kỳ.
  4. Khi nào dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Bạt-kỳ và nghe theo lời dạy của những vị này.
  5. Khi nào xứ Bạt-kỳ không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Bạt-kỳ phải sống với mình.
  6. Khi nào dân Bạt-kỳ tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Bạt-kỳ ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
  7. Khi nào dân Bạt-kỳ bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Bạt-kỳ, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc.

Khi nào bảy pháp  bất  thối trên còn được duy trì giữa dân Bạt-kỳ, khi nào dân  Bạt-kỳ được giảng dạy bảy pháp bất thối này thì dân Bạt-kỳ được hưng thịnh, hùng cường (không ai có thể xâm phạm).

(Theo bản dịch của HT.Thích Minh Châu)

Suy ngẫm về bảy điều thịnh suy mà Đức Phật dạy

Điều thứ nhất Đức Phật dạy là sự hòa hợp trong dân chúng và trong tổ chức chính trị. Những người có trách nhiệm quản trị đất nước phải thường hội họp để luận đàm về đường lối chính trị và chủ trương, chính sách ích nước, lợi dân. Cùng nhau trao đổi, thảo luận trong tinh thần hòa hợp vì mục tiêu chung; khắc phục, sửa đổi những sai lầm, khiếm khuyết trong chủ trương, chính sách.

Người dân biết quan tâm các vấn đề chính trị, văn hóa,  xã hội, thường  tụ  họp  bàn  luận  và đóng  góp  ý kiến cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản  lý. Người dân thường cùng nhau trao đổi, thảo luận về đời sống, nghề  nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm,  hiểu biết để giúp nhau phát triển, tiến bộ.

Ngoài ra, lời dạy này còn có ý nghĩa mọi thành phần xã hội có sự cư xử bình đẳng  với nhau, tôn trọng lẫn nhau, không có sự kỳ thị, phân  biệt giàu nghèo, quý tiện hay thuộc giai cấp, chủng tộc nào. Bởi vì có sự bình đẳng không phân biệt mới có sự tụ họp đông đảo để bàn luận, trao đổi các vấn đề xã hội, quốc gia hay đời sống cá nhân, gia đình.

Điều thứ hai là xây dựng khối đại đoàn kết: Đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý; đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân, trên dưới một lòng vì sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Một quốc gia mà nội bộ không có sự đoàn kết, chia năm xẻ bảy, bè đảng  phe phái kình chống  lẫn nhau, chỉ biết chuyên quyền, tư lợi thì sớm muộn gì cũng xảy ra ngoại xâm, nội loạn. Đây là điều hết sức quan trọng không thể xem thường.

Điều thứ ba là tinh thần thượng tôn pháp luật và giữ gìn truyền thống dân tộc. Không tùy tiện đặt ra những luật lệ mới, không ban hành pháp luật mà không có sự thông qua Quốc hội, Chính phủ, không có sự trưng cầu ý dân, không có sự thống nhất ý kiến giữa các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các cơ quan, ban ngành.

Luật pháp được ban hành phải hướng đến quyền lợi của người dân và lợi ích đất nước. Những điều luật hữu ích phải được giữ gìn, không được tùy tiện sửa đổi hoặc bỏ đi.

Còn vấn đề truyền thống? Truyền thống lâu đời của dân tộc cần phải được giữ gìn nếu đó là những cái hay, cái đẹp, có giá trị. Nếu đánh mất truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc chẳng khác nào đánh mất chính mình, đánh mất sinh mệnh, cái hồn của một quốc gia.

Điều thứ tư là kính trọng các bậc trưởng  thượng, những người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm hiểu biết, thường lắng nghe ý kiến của họ. Cũng như ở Việt Nam ta dưới thời nhà Trần, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã mở Hội nghị Diên Hồng vào tháng Chạp năm Giáp Thân 1284, mời các bô lão họp lại bàn việc nước. Đặc biệt, đối với người già, xã hội phải có chế độ ưu đãi, hỗ trợ.

Điều thứ năm, xã hội có an ninh, trật tự. Không có tệ nạn áp bức, bóc lột; hà hiếp, bắt cóc, cưỡng ép phụ nữ làm tỳ thiếp, làm nô lệ. Không có hiện tượng bất bình đẳng giới, người phụ nữ phải được tôn trọng.

Điều thứ sáu là có văn hóa tín ngưỡng, có đời sống tâm linh; tôn trọng truyền thống. Bất cứ một dân tộc, quốc gia nào cũng có truyền thống văn hóa, tín ngưỡng riêng của mình, bên cạnh đó đời sống tâm linh cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi vì cuộc sống luôn có những nhu cầu ở hai phương diện vật chất và tinh thần. Con người cần có đời sống tinh thần, tâm linh để cân bằng với đời sống vật chất. Đời sống tinh thần, tâm linh cũng giúp cho con người khắc phục những khó khăn, nghèo nàn trong đời sống vật chất, nó làm điểm tựa cho con người đứng vững giữa dòng đời thiên biến.

Suy ngẫm về bảy điều thịnh suy mà Đức Phật dạy

Điều thứ bảy Đức Phật dạy là phải biết kính trọng các bậc thánh nhân, các bậc xuất trần thượng sĩ, các bậc hiền nhân, minh triết có tài năng và đức độ. Bởi những người này là đại diện cho đời sống đạo đức thanh cao, thiện mỹ, luôn là tấm gương cho mọi tầng lớp xã hội noi theo. Xã hội, quốc gia phải bảo hộ họ, trọng dụng tài năng, sự đóng góp, cống hiến của họ.

Một xã hội không quý trọng người hiền tài thì không thể nào phát triển, tiến bộ. Một xã hội không biết kính trọng người hiền đức, không trân quý điều thiện, sống theo điều thiện thì xã hội đó không có nền tảng vững bền, con người không có cuộc sống yên ổn vì mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đất nước Việt Nam ta vào thời đại Lý, Trần đã thực hiện rất tốt những điều này. Các vì vua anh minh luôn làm tấm gương đạo đức cho thần dân trong nước. Các vị xuất gia thường  được mời vào triều để vua cùng quần thần hỏi đạo và bàn chính sự. Đạo đức rất được coi trọng, người dân luôn quan  tâm đời sống đạo đức và văn hóa tinh thần. Mọi thành phần xã hội đều đoàn kết một lòng trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước và chống giặc ngoại xâm. Chính vì thế mà đất nước ta thời bấy giờ hùng cường, nhân dân sống trong thái bình an lạc. Thời Lý đã từng truy đuổi giặc xâm lăng nhà Tống đến tận lãnh thổ Đại Tống, thời Trần đã từng ba lần đánh bại giặc Nguyên- Mông hùng mạnh nhất lúc bấy giờ.

Cho đến ngày nay, những lời dạy của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị. Chính vì người dân xứ Bạt-kỳ thời đó có được Bảy pháp  bất thối này mà nước Ma-kiệt- đà không dám xâm chiếm. Đức Phật cho biết, khi nào người dân xứ Bạt-kỳ còn thực hiện tốt Bảy pháp bất thối đó thì xứ Bạt-kỳ luôn vững mạnh, không chỉ Ma-kiệt-đà mà bất kỳ quốc gia nào cũng không thể xâm phạm. Thiết nghĩ, hôm nay sau hơn hai mươi lăm thế kỷ, nếu xứ sở nào, quốc gia nào biết vận dụng  tốt những  lời dạy đó chắc chắn sẽ thu được nhiều thành tựu tốt đẹp trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Chú thích:

(1) Kinh Đại Bát Niết-bàn (Mahàparinibbàna sutta), kinh số 16 thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), tương đương kinh Du hành, kinh số 2 thuộc  Trường A-hàm. Nội dung  hai bài kinh này cũng tương tự phẩm kinh Vajjì (Bạt-kỳ), chương Bảy pháp của Tăng Chi Bộ Kinh.

Phan Minh Hiền – Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 208

Phật dạy cách trợ duyên cho người hấp hối

Sinh thời phải tu tâm dưỡng tánh, trồng phước tích đức, từ bi hỷ xả thật nhiều thì mới hy vọng có một cái chết bình an.

Phật dạy cách trợ duyên cho người hấp hối

Một thời, Thế Tôn trú ở Bhagga, rừng Bhesakàla, Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, gia chủ, cha của Nakula bị trọng bệnh. Mẹ của Nakula nói với cha của Nakula như sau:

Thưa gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Đau khổ là người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái. Thế Tôn đã quở trách người khi mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái.

Gia chủ có thể suy nghĩ: Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula, sẽ đi đến một gia đình khác; Mẹ của Nakula, sau khi ta mạng chung, sẽ không muốn yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng; Sau khi ta mạng chung, mẹ của Nakula, sẽ không giữ giới một cách đầy đủ…

Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Sau khi gia chủ mạng chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa; Gia chủ cũng đã biết, mười sáu năm nay tôi đã sống với gia chủ và thực hành phạm hạnh thế nào rồi; Sau khi gia chủ mạng chung, tôi sẽ yết kiến Thế Tôn và chúng Tăng nhiều hơn; Cho đến khi nào, các nữ đệ tử áo trắng của Thế Tôn còn giữ giới luật một cách đầy đủ, tôi là một trong những người ấy…

Do vậy, gia chủ, chớ có mạng chung với tâm còn mong cầu luyến ái.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Cha mẹ của Nakula [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.32).

LỜI BÀN:

Con người, đối diện với cái chết, nếu chưa phải là bậc Thánh thì đa phần đều lo âu, hoang mang và sợ hãi. Ngoài việc sợ chết, người lâm trọng bệnh biết mình không qua khỏi còn ân hận với những điều chưa làm được trong đời, tiếc nuối những niềm vui chưa hưởng trọn đồng thời trăn trở và thao thức thật nhiều về vợ con, tài sản, bè bạn… Sau khi ta nhắm mắt họ sẽ làm gì? sống như thế nào? sản nghiệp ta đã dày công tạo dựng sẽ đi về đâu?

Chính những băn khoăn, tiếc nuối và lo sợ ấy là tâm mong cầu luyến ái đã tạo ra cận tử nghiệp tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến xu hướng tái sanh. Do vậy, trợ duyên cho người sắp chết bằng cách trấn an, hứa khả làm tròn bổn phận, sẽ thực hiện các di nguyện của người sắp chết để giúp tâm họ an ổn, thanh thản là điều cần làm.

Sinh thuận tử an là một phước báo lớn. Để có được một một sự ra đi nhẹ nhàng và bình an, chìm vào “giấc ngủ ngàn thu” một cách lặng lẽ không đau đớn, vật vả, quằn quại và hốt hoảng là điều không phải ai cũng có được. Sinh thời phải tu tâm dưỡng tánh, trồng phước tích đức, từ bi hỷ xả thật nhiều thì mới hy vọng có một cái chết bình an.

Đặc biệt là sự trợ duyên của người thân như nói pháp cho người hấp hối để họ nhận thức về lẽ vô thường, sanh tử; tụng kinh, niệm Phật để tâm họ an tịnh; nhắc lại những điều tốt mà họ đã làm trong đời; biểu hiện sự chu toàn trách nhiệm với gia đình khi họ vĩnh viễn đi xa… sẽ làm cho người hấp hối được thỏa nguyện và ra đi thanh thản. Chính những điều này đã góp phần xả ly luyến ái để trợ duyên cho người chết sanh về cảnh giới an lành.

Dư dả dễ sinh tật

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến, bạch Thế Tôn:

Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Ít thay là những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể không bị lôi cuốn, không bị chìm đắm, không bị say mê trong các dục và không có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác. Trái lại, thật là nhiều thay, những người trong đời này, sau khi được tài sản phong phú, dồi dào lại có thể bị lôi cuốn, bị chìm đắm, bị say mê trong các dục và có những hành vi không tốt đẹp đối với các người khác”.

Thật sự là như vậy, thật sự là như vậy, thưa Đại vương:

“Loài người bị đắm say

Trong tài sản, trong dục

Họ tham lam, điên dại

Trong các dục ở đời

Không ý thức rõ ràng

Đã quá độ mê say

Chẳng khác gì con nai

Không thấy đặt bẫy sập

Về sau họ khổ đau

Chịu quả báo ác nghiệp”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 1, phần Thiểu số [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.170)

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện nỗi bất mãn

Lời bàn: 

Thường thì chúng ta hay quy kết cho đói nghèo là nguyên nhân chủ yếu của các tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi con người và xã hội giàu có lên cũng không hẳn là giảm bớt đi những tệ nạn ấy, đôi khi lại còn trầm trọng hơn.

Giàu lên bằng sự làm ăn chân chính là điều ai cũng mong muốn. Khi chia tay với cái đói nghèo, sánh vai cùng khấm khá, giàu sang nhưng chớ ảo tưởng rằng ta đã thành công, đang neo thuyền đời nơi bến bờ hạnh phúc. Thực tế cho thấy không phải hễ “có tiền thì mua tiên cũng được”. Sự đổi đời, giàu lên nhanh chóng dễ dàng tạo ra chênh vênh, lúng túng thậm chí lệch lạc trong nhận thức cũng như hành động và đem đến không ít bất hạnh trong đời.

Khi trong tay có tiền, nếu không biết làm chủ bản thân, tư tưởng hưởng thụ bất chính bắt đầu trỗi dậy. Không ít các trò đua đòi chưng diện xa hoa, ăn chơi trác táng và tệ hại hơn là quan niệm sống hưởng thụ, trụy lạc, sa đọa bắt đầu từ đây. Bằng chứng là những con nghiện, các “anh hùng xa lộ”, những dân chơi “lắc” thâu đêm suốt sáng ở vũ trường v.v… hiện nay phần lớn đều là người giàu hoặc con cái nhà giàu.

Đó là chưa kể đã giàu lại mong muốn giàu thêm. Có tiền sanh ra đủ tật: ăn nhậu, bài bạc, chơi bời, chim chuột… và để bù cho những khoản chi vì các tật xấu ấy nên mới có tham quan, hối lộ, bòn rút của công hoặc không có chức quyền thì trộm cướp, buôn lậu, lừa đảo. Và hậu quả là không ít gia đình tan vỡ hạnh phúc vì cái giàu, tù tội và hối hận vì sự ham giàu, mất niềm tin với cuộc sống dù cho giàu có, dư dật.

Như vậy, giàu có về vật chất là điều cần đạt được nhưng phải song hành với sung mãn về đạo đức, tinh thần. Mất cân đối giữa giàu sang về vật chất và tinh thần là hiểm họa. Do vậy, cùng làm giàu vật chất và thăng hoa tinh thần là mục tiêu của tất cả những người con Phật.

Phật quở trách sự xung đột giữa người theo pháp học và pháp hành

Này các hiền giả, này chư hiền, một số Tỷ kheo chuyên tâm về Pháp không ưa thích các Tỷ kheo tu Thiền, nói như sau: “Những người này thiền cái gì? Thiền có lợi ích gì? Thiền như thế nào?”. Các Tỷ kheo chuyên tâm về Pháp không hoan hỷ và các Tỷ kheo tu Thiền cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người.

Ở đây, này các chư hiền, một số Tỷ kheo tu Thiền không ưa thích các Tỷ kheo chuyên về tâm Pháp, nói như sau: “Họ tháo động, thất niệm, lắm lời…

Những người này chuyên tâm về cái gì? Pháp có lợi ích gì? Chuyên tâm về Pháp như thế nào?”. Các Tỷ kheo tu Thiền không hoan hỷ và các Tỷ kheo chuyên tâm về Pháp cũng không hoan hỷ; hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc và an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người.

(ĐTKVN, Tăng chi Bộ III, phẩm Dhamika, phần Mahàcunda [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.124).’

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con chim cút

LỜI BÀN:

Trong vô lượng pháp môn tu mà Thế Tôn đã tuyên thuyết, tuy phong phú và đa dạng nhưng đều có một điểm chung, thuần nhất, đó chính là an lạc và giải thoát. Phương tiện thì tuỳ theo căn cơ có vô vàn sai biệt nhưng cứu cánh Niết bàn chỉ có một, duy nhất.Tu Thiền hay chuyên tâm về Pháp, Tông môn hoặc Giáo môn thảy đều là phương tiện và dĩ nhiên mỗi phương tiện đều có một đặc trưng riêng. Vì lẽ các pháp môn tu đều lưu xuất từ tuệ giác của Thế Tôn cho nên chắc chắn sẽ đưa hành giả đến giải thoát Niết bàn, như trăm sông đều xuôi về biển cả.

Tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, nhân duyên… mà mỗi người con Phật tự chọn cho mình một pháp môn tu thích hợp. Tuy các pháp môn phương tiện có nhanh chậm, khó dễ khác nhau nhưng pháp môn nào cũng thù thắng, đều đưa đến giải thoát và an lạc. Do đó, người tu ngoài việc nắm vững pháp môn của mình cần tìm hiểu để biết thêm về các pháp môn khác nhằm trợ duyên hay ít ra cũng tránh được việc chỉ trích, phê phán đồng đạo, những pháp lữ có nhân duyên với những pháp môn tu tập khác nhau.

Vì vậy, không thể quy kết, tự cho pháp môn của mình là tối thắng. Sự tối thắng, theo quan điểm của Thế Tôn, chính là sự thực hành trọn vẹn theo pháp môn đã chọn. Ngày nay, thảng hoặc vẫn còn sự “xung đột” về quan điểm tu tập giữa các tông phái (có thể vô tình hay cố ý nhằm xiển dương tông phái của mình) là điều không nên có. Vì như lời Tôn giả Mahàcunda đã học được từ Thế Tôn: “Hành động như vậy không đưa đến hạnh phúc, an lạc cho nhiều người; không đưa đến lợi ích, an lạc cho chư Thiên và loài người”.

Nương tựa pháp nương tựa chính mình

Trong lễ bố-tát trước khi Thế Tôn vào Niết-bàn, khi mà Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đều viên tịch, không khí buồn thương man mác bao trùm nên Ngài đã an ủi đại chúng ‘chớ sinh sầu ưu khổ não’. Ngay cả khi Phật nhập Niết-bàn thì hãy ‘nương tưa pháp, nương tựa chính mình’.

“Một thời, Đức Phật ở trong rừng Am-la râm mát, cạnh bờ sông Bạt-đà-la, nước Ma-thâu-la. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vào Niết-bàn chưa bao lâu. Hôm ấy là ngày mười lăm bố-tát, Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, nhìn khắp chúng hội rồi nói:

Ta nhìn đại chúng, thấy đã trống không, vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã vào Niết-bàn. Trong chúng Thanh văn của Ta, chỉ có hai người này khéo thuyết pháp, giáo giới, dạy dỗ, biện thuyết đầy đủ. Có hai thứ tài sản: tiền tài và pháp tài. Tiền tài thì tìm cầu từ người thế gian. Pháp tài thì tìm cầu từ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Như Lai đã lìa tiền tài và pháp tài. Các ông chớ vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền liên đã Niết-bàn mà sầu ưu khổ não.

Nương tựa pháp nương tựa chính mình

Ví như cây lớn, rễ, cành, nhánh, lá, hoa trái, sum sê tươi tốt, thì nhánh lớn sẽ gãy trước. Cũng như núi báu lớn, sườn lớn sụp đổ trước. Cũng vậy, trong đại chúng của Như Lai, hai vị Đại Thanh văn Xá-lợi-phất và Mục-kiền- liên vào Niết-bàn trước. Cho nên các Tỳ-kheo, các ông chớ sinh ưu sầu khổ não. Vì có pháp sinh, pháp khởi, pháp tạo tác, pháp hữu vi, pháp bại hoại nào mà không tiêu mất. Nếu muốn khiến cho chúng không hoại, thì điều này không thể có được. Từ trước Ta đã nói:

‘Tất cả mọi vật đáng yêu thích đều đi đến ly tán’. Chẳng bao lâu nữa Ta cũng sẽ ra đi. Vì thế cho nên các ông hãy tự làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình; hãy lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa; không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác. Nghĩa là sống an trú chánh niệm quán thân trên thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; cũng vậy, an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân; thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng nói như vậy. Đó gọi là tự mình làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình; tự lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa; không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh 639)

Nương tựa pháp nương tựa chính mình

Đức Phật đã dạy thật rõ ràng ‘Các ông hãy tự làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình; hãy lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa; không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác’. Ngài cũng chỉ thẳng pháp ở đây là Tứ niệm xứ, sống an trú chánh niệm quán Thân, Thọ, Tâm và Pháp để điều phục tham ưu ở đời.

Vì vậy, thiền quán Tứ niệm xứ là pháp tu căn bản của giáo pháp. Dù cho Phật pháp có vô lượng pháp môn phù hợp cho nhiều đối tượng căn cơ nhưng cốt tủy vẫn là Tứ niệm xứ. Nên tu tập thiền quán Tứ niệm xứ để sửa mình và tiến tu nhằm thành tựu giải thoát, an lạc là một trong những di huấn quan trọng của Thế Tôn mà người học Phật hậu thế cần hiểu rõ và tuân theo.

Tu hành tiến bộ nhờ kiên trì, bền bỉ và tinh tấn

Một thời Thế Tôn ở tại Vesali, rừng Đại lâm, tại Trùng Các giảng đường. Rồi Aggivessana đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi chào hỏi, chúc tụng và ngồi xuống một bên. Thế Tôn giảng cho ông về cách cọ cây lấy lửa.

– Này Aggivessana, ví như có một khúc cây ướt đẫm, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra. Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây ướt đẫm, đầy nhựa sống và đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

– Thưa không, Tôn giả Gotama.

– Cũng vậy này Aggivessana, những Sa môn hay Bà la môn sống không xả ly các dục về thân như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục nhiệt não và nội tâm chưa được khéo đoạn trừ thì các vị ấy không thể chứng được Vô thượng Chánh giác.

– Này Aggivessana, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra. Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

– Thưa được, Tôn giả Gotama.

– Cũng vậy này Aggivessana, những Sa môn hay Bà la môn sống xả ly các dục về thân như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục nhiệt não và nội tâm được khéo đoạn trừ thì các vị ấy có thể chứng được Vô thượng Chánh giác.

(ĐTKVN, Trung Bộ I, Đại kinh Saccaka [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.528)

Tu hành tiến bộ nhờ kiên trì, bền bỉ và tinh tấn

Lời bàn: 

Tu tập là một lộ trình dài, muốn thành tựu giác ngộ phải từng bước dọn dẹp thân tâm, đoạn trừ phiền não. Nếu không nỗ lực làm đoạn giảm tham ái thì quả vị giải thoát vẫn còn xa vời như sự vô vọng của người cọ cây lấy lửa với một khúc cây ướt đẫm, tràn đầy nhựa sống.

Một trong những nguyên lý cơ bản của Niết bàn là xa lìa và đoạn tận tham dục, luyến ái. Như nước với lửa không thể cùng song song tồn tại, cũng vậy Niết bàn và ái dục không thể dung hợp lẫn nhau. Vì thế mà Niết bàn có một nghĩa là ái diệt.

Chuẩn bị cho quả vị Vô thượng Chánh giác, làm bừng sáng trí tuệ Bát nhã thì tự thân tâm của mỗi hành giả phải xả ly tham ái. Ngọn lửa trí tuệ sẽ bùng cháy khi thân tâm thực sự khô kiệt phiền não. Như cọ xát cành cây khô với dụng cụ làm lửa mới hy vọng có hơi nóng bốc lên và phát hỏa.

Để tạo ra lửa không những cần phải có cành cây khô và dụng cụ làm lửa mà đòi hỏi phải có một sự kiên trì, bền bỉ và liên tục. Lửa không thể phát sinh nếu quá trình cọ cây bị gián đoạn, nếu dừng lại thì cành cây sẽ nguội đi và để có lửa ắt phải cọ xát lại từ đầu. Cũng vậy, trong quá trình đoạn tận tham ái, tinh tấn là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Lửa vốn sẵn trong cây, chỉ cần làm cho cây khô và kiên trì cọ xát với dụng cụ làm lửa, chắc chắn sẽ có lửa. Giác ngộ vốn ẩn tàng trong chúng sinh dẫu đầy dẫy tham dục. Vì thế tinh tấn và ly tham là điều tối cần cho những người con Phật hướng đến Vô thượng Chánh giác.

Khổ đau đến từ đâu?

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an?Thưa đại vương, có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an.

Thế nào là ba? Thưa đại vương, tham là pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an. Sân là pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an. Si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an.

Thưa đại vương, ba pháp này ở đời, khi khởi lên đưa đến bất lợi, đau khổ và bất an. Tham sân si ba pháp/Là ác tâm cho người/Chúng di hại tự ngã/Chúng tác thành tự ngã/Như vỏ và lõi cây/Tự tác thành trái cây.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 3, phẩm 3, phần Thế gian, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.218).

Khổ đau đến từ đâu?

LỜI BÀN:

Khổ đau trong đời sống con người vốn dĩ vô tận và nguyên nhân của nó cũng vô cùng nhưng tựu trung không ngoài ba phiền não căn bản là tham, sân, si. Thường thì khi đối mặt với khổ đau, người ta chỉ thấy những nguyên nhân gần, trực tiếp mà không nhận thức được nguyên nhân sâu xa, cội nguồn của đau khổ xuất phát từ bản thân mình.

Tham dục luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, không ai sống trên đời mà chẳng tham, chỉ khác nhau là mức độ tham dục nặng hay nhẹ, thô hay tế mà thôi. Tùy theo cấp độ tham dục nơi mỗi người mà khổ đau phát khởi nhiều hay ít. Do vậy quá trình diệt khổ chính là hành trình ly tham nơi tự thân mỗi cá nhân.

Tham muốn nhiều mà không thực hiện được ắt sanh tức giận, bực bội. Sân hận là phản ứng tâm lý thường gặp khi lòng tham không được thỏa mãn. Sự giận dữ tiềm ẩn trong tâm chúng ta như những ngọn núi lửa ngủ yên, chúng sẵn sàng thức dậy bất cứ lúc nào và tàn phá tất cả.

Khi tham dục và sân hận xuất hiện thì tâm ta bị mê hoặc, cuốn hút theo, mất hết khả năng sáng suốt và tự chủ. Chính si mê ám chướng này đã che lấp hết những nhân cách tốt đẹp mà ta đã dày công gầy dựng, vun đắp từ trước đến nay, nguồn gốc của muôn ngàn khổ đau trong cuộc đời.

Vì thế, người con Phật luôn nhận thức khổ đau do chính chúng ta tự gây ra, cội rễ của nó là tham sân si. Khổ đau không đến từ bên ngoài, những tác động khách quan chỉ là thứ yếu, quyết định vẫn tại tâm mình. Do vậy, luôn tỉnh thức để nhận diện và chuyển hóa tham sân si nơi tự tâm của mỗi người.