back to top
24.5 C
Chư Sê
Thứ Bảy, 18 Tháng Năm, 2024
Home Blog Page 159

Đại học đầu tiên ở Anh chuyển sang ăn chay

Một nửa thực đơn tại 3 quán cà phê của công đoàn tại trường Đại học Stirling sẽ là thuần chay vào đầu năm học 2023-24.

Kế hoạch táo bạo trên được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng và được xem là một nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Phong trào này được đưa ra bởi chiến dịch “Plant Based Universities” – một phong trào sinh viên được nhóm hoạt động tập thể Animal Rebellion hỗ trợ.

Chiến dịch trên đưa ra cảnh báo, “những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu đã xuất hiện trên toàn cầu, các ngành công nghiệp như thịt, đánh bắt cá và sữa chắc chắn góp phần vào điều đó”. Các trường đại học là nơi đưa ra nhiều thông tin về khí hậu nên họ cần có biện pháp đối với vấn đề này.

Đa số thành viên tại cuộc họp của hội sinh viên Đại học Sterling đã bỏ phiếu ủng hộ việc loại bỏ thịt và sữa khỏi thực đơn.

Nhà vận động môi trường, nhà báo và nhà văn George Monbiot đã ca ngợi hội sinh viên Đại học Stirling. Ông nói rằng thật tuyệt vời khi thấy thế hệ tiếp theo nắm quyền kiểm soát tương lai của họ và đặt con người, động vật và hành tinh lên hàng đầu. Theo ông, các nhà vận động tại trường đại học này đang dẫn đầu trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu và tạo ra một hệ thống thực phẩm bền vững.

Nông nghiệp chăn nuôi là một nguồn phát thải carbon lớn. Sản xuất lương thực đóng góp khoảng 37% lượng khí thải nhà kính của thế giới, đặc biệt là thịt gây ra lượng khí thải gấp đôi so với các loại thực phẩm khác.

Phát thải từ chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính do con người tạo ra. Thịt công nghiệp là nguyên nhân lớn nhất gây ra nạn phá rừng, những khu rừng rộng lớn bị đốn hạ để lấy đất chăn thả gia súc.

Nếu thế giới chuyển sang thuần chay, lượng khí thải từ thực phẩm sẽ giảm khoảng 70%, nghiên cứu từ Đại học Minnesota của Mỹ cho thấy.

Khổ qua không trở nên ngọt được!

Ở ngôi chùa nọ, có một lần chúng đệ tử cùng nhau xuống núi hành hương. Lúc này, sư phụ mang đến một trái khổ qua và nói:

– “Mang trái khổ qua này theo bên mình, nhớ là ngâm nó vào mỗi con sông thánh mà các con đi qua. Hơn nữa, nhớ mang chúng vào Chánh điện nơi các con thờ phụng, đặt lên bàn cúng bái, thờ cúng nó, lúc quay về, thì đem theo cùng về”.

Chúng đệ tử đi viếng qua rất nhiều sông thiêng và đền chùa, cũng luôn theo lời sư phụ dặn dò mà làm. Sau khi quay về, họ đem trái khổ qua đưa lại cho sư phụ. Và rồi, sư phụ lại bảo họ đem khổ qua nấu chín, lúc ăn tối sẽ dùng. Đến bữa cơm tối, sư phụ cắn một miếng khổ qua, sau đó nhẹ nhàng nói:

“Kì lạ thật! Ngâm qua nhiều sông thánh như thế, tiến vào nhiều đền chùa như thế, trái khổ qua vậy mà vẫn không trở nên ngọt.”

Chúng đệ tử nghe xong, lập tức đều tỉnh ngộ.

Suy nghiệm: 

Đắng là bản chất của khổ qua, nó sẽ không vì ngâm nước thánh hay để vào các đền chùa mà thay đổi. Cuộc sống của con người cũng giống như vậy, sẽ không vì bạn đạt được địa vị gì, giành được học vị gì hay là lạy lục cúc bái một vị thần linh nào đó mà thay đổi.

Con người sống ở đời, không nên trông mong cuộc sống sẽ không có “bi ai thống khổ”, việc nên trông mong là tự thân ta có dược bản lãnh chịu đựng được cái khổ để từ đó mà trưởng thành, mà thấu hiểu nhân sinh…

Khổ do hoàn cảnh là một chuyện, nhưng tâm hồn ta có vì hoàn cảnh mà khổ theo, đó là một chuyện khác.

Dù người muốn giết mình cũng không nên có tâm sân hận

Quý vị nên biết rằng Sư Phụ nầy của quý vị rất nghiêm khắc, chứ không ngọt ngào gì đâu. Có lúc tôi nghiêm khắc đến nỗi đệ tử tôi phải chảy cả nước mắt, nước mũi nữa đó. Nay tôi xin kể cho quý vị biết là tôi làm sao mà học được cái tánh như thế.

Khi mười sáu tuổi, tôi đã bắt đầu giảng kinh Kim Cang. Trong kinh có nói về một vị tiên nhẫn nhục, vị nầy dù bị vua Ca Lợi chặt đứt cả tứ chi mà vẫn không hề sanh tâm sân hận. Sau khi đọc câu chuyện đó, tôi bèn phát nguyện học theo và một lòng nhất tâm tu pháp môn nhẫn nhục.

Tôi biết tánh mình bẩm sinh là nóng nảy và cang cường bướng bỉnh. Cho nên tôi phải tu pháp môn nhẫn nhục là thích hợp nhất. Nhưng một khi tôi hạ quyết tâm, thì bao nhiêu khảo nghiệm thử thách từ bốn phương tám hướng ào ào kéo tới. Có người xưa nay chưa từng mắng tôi, giờ nầy cũng mắng tôi; người vốn chưa hề đánh tôi, giờ đây cũng đánh tôi. Bạn bè trước đây vốn đối xử với tôi rất tốt, kết quả lại chuyên môn công kích tôi. Thế nên tôi tự xét rằng: “Mình giảng kinh Kim Cang cho người ta, trong kinh có nói về ông tiên nhẫn nhục bị cắt đứt cả tay chân mà không sanh lòng sân hận. Hiện nay những người nầy chỉ chửi mắng mình, công kích mình, chớ họ chưa đến đổi chặt đứt tay chân của mình, nếu mình không thể nhẫn nhục thì làm sao mình còn giảng được kinh Kim Cang nữa đây?”

Vì thế tôi bèn hạ quyết tâm là phải nhẫn nhục. Bất luận những ai đối với tôi không tốt, thậm chí là họ muốn hại tôi, tôi cũng đều nhịn nhục hết. Kết quả là tôi không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động. Kỳ thật những người nầy không phải muốn đến hại tôi, mà trái lại họ giáo hóa tôi, xem tôi có chịu nổi mấy thứ khảo nghiệm đó không. Ai mắng tôi thì tôi hướng về người đó khấu đầu đảnh lễ. Có ai đánh tôi thì tôi ngủ ngay một giấc cho họ xem. Lúc còn ở nhà, tôi vẫn thường thường bị mấy thứ như thế đả kích. Nhưng sau khi xuất gia, các bậc thiện tri thức cũng lại tới lui không dứt. Ôi thôi những vị xuất gia trước sau, tả hữu bao quanh bên tôi, chẳng một ai xem tôi ra gì. Họ đều coi tôi như cái gai trước mắt, đều muốn ức hiếp tôi. Có ông thầy khi thấy tôi thắp hương bèn mắng lớn: “Chú mà xuất gia cái gì? Thắp một cây nhang cũng không biết. Thật là đần độn! Còn dám nói tới xuất gia nữa sao!”

Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng: “A! Khảo nghiệm lại đến nữa rồi. Tiên nhân nhẫn nhục bị vua Ca Lợi chặt đứt tay chân mà không sân hận. Còn hiện nay mình chưa bị như thế mà. Được rồi! Thì cứ khấu đầu đảnh lễ ông ta!” Thế là tôi đến trước mặt thầy đó khấu đầu cúi lạy để cám ơn ông ta đã giúp đỡ tôi. Lúc bấy giờ, bất luận là những bậc “thiện tri thức” xuất gia hay tại gia, họ đã không ngừng đến giúp đỡ tôi như thế, nhưng lòng tôi đối với họ vẫn không một mảy may sân hận. Mỗi lần như vậy, tôi đều hồi quang phản chiếu: “Nhất định là lúc xa xưa mình đã không hề giúp họ, trái lại hôm nay họ lại giúp mình, vậy mình phải cảm tạ họ mới phải chớ!”

Bây giờ các vị đã hiểu rõ chưa? Sư Phụ của quý vị là ông thầy như thế đó. Là ông thầy chuyên môn tu hạnh nhẫn nhục, chuyên môn bị người ta ức hiếp. Tôi chuyên môn nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn, nhường những cái người ta không thể nhường. Con người như vậy thì có lợi lộc gì? Nhưng quý vị đã quá bất hạnh, vì gặp phải một người chẳng có ích lợi. Vậy sao quý vị vẫn còn muốn học tập theo cái ông Sư Phụ ngu si nầy? Nhưng khi quý vị đã theo tôi rồi, tôi cũng không thể không kể lại chuyện quá khứ từng trải của tôi, là tôi đã đến từ con đường tu hạnh nhẫn nhục đó.

Quý vị học Phật, không nên nghe cho nhiều Phật Pháp rồi lại không chịu thực hành, mà hãy nên cung hành một cách thực tiễn. Quý vị nên tự bản thân y chiếu và cố gắng áp dụng theo những điều răn dạy của đức Phật.

Chúa Giê-Su đề xướng chủ thuyết “Ái địch” là yêu thương kẻ thù địch. Đối với người không tốt với ta, thì ta lại càng phải yêu thương người đó.

Còn Phật giáo chủ trương “Oán thân bình đẳng,” là dù thân hay thù, mình cũng đều xem như nhau. Lòng nhân từ của chúng ta đối với ai cũng nên bình đẳng, không phân biệt thân sơ, khinh trọng. Nếu người học Phật không thể thực sự hành theo, thế thì học đến bao giờ cũng chỉ là học cạn cợt bên ngoài, chứ không thể nào đạt được sự lợi ích chân thật!

Hãy nhớ kỹ! Nhớ kỹ! Bước đầu học Phật nhất định là phải tu nhẫn nhục! Cứ kể như là có người muốn giết mình, mình cũng không nên có tâm sân hận. Thậm chí là nếu so với chỗ tu hành của ông tiên nhẫn nhục, chúng ta lại càng phải tiến hơn một bước. Nhưng đó cũng không phải có ý nói: “Ông tiên tu nhẫn nhục bị chặt đứt tay chân mà không khởi tâm sân hận, vậy bây giờ anh có thể chặt thân thể của tôi đi, tôi cũng không sân hận đâu!” Đó là bắt chước người ta, chứ không phải là từ ý của mình, như vậy là bị hạng nhì rồi. Không những tay chân mình dù có bị chặt, mình chẳng giận hờn, thậm chí nếu thân bị bằm tan xương thịt nát, mình cũng không nên sân hận! Bởi vậy khi có người phỉ báng tôi, hoặc giả đối xử không tốt với tôi, tôi cũng chẳng giận hờn.

Trích Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị quyển 6

Xoay chuyển lẽ đời

Người sống ở đời, không thể làm hài lòng hết thiên hạ. Mọi lời góp ý đều nên tiếp thu, còn những bình phẩm sau lưng có nghe cũng chỉ “cho biết”, rồi để gió cuốn đi. Vì thông thường, chỉ những kẻ vô công rỗi nghề mới thị phi chuyện người khác.

Nếu được người khen ngợi, nên lịch sự cảm ơn, đừng tùy tiện tin là thật. Miệng tự nhiên ngọt, nếu không có chuyện nhờ vả, thì cũng vì lợi ích cá nhân. Phía sau nụ cười giả tạo, nếu không để lấy lòng, thì cũng đang ấp ủ kế sách nào đó. Những phường a dua nịnh hót, đừng đặt để niềm tin; lời ngọt ngào có mục đích, cẩn thận kẻo mắc lừa.

Lỡ bị người xem thường, cũng đừng nên nhụt chí. Nếu chịu khó nỗ lực, rồi có ngày cũng thành tựu nghiệp lớn. Chỉ cần kiên trì không bỏ cuộc, thì kỳ tích nhất định sẽ xuất hiện. Khi bạn thành công, người xem thường bạn cũng phải ngước nhìn; kẻ coi không ra gì, sẽ tự thay đổi thái độ. Điều quan trọng nhất, là bạn xây dựng được sự tôn nghiêm cho mình, để bản thân không thẹn với lòng.

Làm người phải có lương tâm, làm việc cần giữ chút tình nghĩa. Những ân nhân từng giúp, phải luôn luôn ghi nhớ; người cần là có mặt, đừng bao giờ lãng quên. Dùng lòng chân thành đổi lấy thật ý; trao gửi ân tình để nhận lại ân nghĩa.

Người đã muốn rời xa bạn, đừng níu kéo uổng công. Bạn lẻ loi cô độc, không liên quan ai cả. Có nhớ thương mong chờ, cũng là việc của cá nhân mình. Kẻ cho bạn niềm an ủi, làm chổ dựa tin cậy, cần biết cách giữ gìn; người khiến bạn ấm áp, nở nụ cười vui vẻ, phải trân trọng đồng hành.

Trong cuộc đời mỗi người, có nhiều mối quan hệ lúc bắt đầu chỉ tiếc sao gặp nhau quá muộn, qua lại một thời gian thì đường ai nấy đi; có nhiều đoạn tình cảm lúc gần gũi thì thương nhớ luyến lưu, đến cuối cùng lại không dám làm phiền. Người đi thì trà lạnh, rất nhiều đáp án không cần hỏi tại sao; tiệc tan thì người về, có rất nhiều thắc mắc, không thể giải thích rõ ràng.

Trải qua vài việc sẽ nhìn rõ vài người. Nhìn rõ vài người lại hiểu thấu vài chuyện. Trời có lúc nắng lúc mưa, lòng người cũng nhiều khi thay đổi. Kết giao bạn hữu đừng phân biệt cao thấp giàu nghèo, mà quan trọng chân thành trong đối đãi. Luận về tình cảm, không phụ thuộc thời gian ngắn dài, chủ yếu có hết lòng khi qua lại.

Người nhiệt tình tử tế, nên bầu bạn suốt đời; kẻ ham danh giả nghĩa, chỉ giao lưu vừa phải. Cuộc đời mưa nắng vốn tự nhiên; lòng người đổi thay là chuyện thường. Chỉ cần bản thân luôn cố gắng vươn lên, chân thành với mỗi người và việc, thì mọi luân chuyển đều sẽ đi theo hướng tốt đẹp.

Hạnh phúc hay khổ đau đều là tương đối

Sống trong đời này, hễ được cái này thì sẽ mất một cái khác, và hễ mất một cái này sẽ được một cái khác. Mỗi cái lợi luôn đi kèm với một cái hại tương ứng và ngược lại mỗi cái hại luôn luôn đi kèm với một cái lợi tương ứng. Đó là luật bù trừ hay là luật đánh đổi.

Bớt đau khổ so với ngày hôm qua là hạnh phúc.

Kém hạnh phúc so với ngày hôm qua là đau khổ.

Hạnh phúc và đau khổ chỉ là những khái niệm mang ý nghĩa tương đối.

Trong phúc đã chứa sẵn mầm họa. Trong họa luôn chứa sẵn mầm phúc. Phúc càng lớn, họa càng lớn và ngược lại họa càng lớn, phúc càng lớn. Trong cái được có cái mất. Trong cái mất có cái được. Đó là tính hai mặt của phúc họa, được mất.

Hạnh phúc ở trong tâm ta. Nghĩ là hạnh phúc thì sẽ cảm thấy hạnh phúc, nghĩ là đau khổ thì sẽ cảm thấy đau khổ. Hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng với những gì mình có. Hay nói đúng hơn hạnh phúc là biết mình thực sự cần cái gì và có được cái mình cần.

Nên biết rằng trong cuộc sống, khi cánh cửa này khép lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Chúng ta thường phàn nàn về những khó khăn mình đang vướng phải. Trong tâm bởi thế luôn phiền não, bất an. Nhưng đời người là một chặng đường dài, không chỉ có niềm vui, hạnh phúc mà xen lẫn vào luôn là những trắc trở, ưu phiền.

Khổ đau và hạnh phúc

Hội ngộ và chia xa

Giữa thăng trầm, vinh nhục

Cứ yên lòng, sẽ qua…!!!

Bố thí với tâm thanh tịnh

Một thời, Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bấy giờ có nhiều cư sĩ ở Campà cùng Tôn giả Sàriputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.

Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn? 

Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với ý nghĩ “tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực được đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này.

Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”. Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui lại trạng thái này.

Bố thí đúng lúc được phước nhiều hơn

Bố thí, cúng dường là một trong những hạnh tu căn bản và phổ biến của hàng Phật tử. Tuy nhiên, để công đức bố thí cúng dường được trọn vẹn và đủ đầy thì người thực hành hạnh thí xả cần phát huy tuệ giác, bố thí đúng thời. Dâng, cho, trao tặng những thứ mà người nhận thật sự cần, ngay thời điểm ấy.

Ông cha ta cũng đã đúc kết kinh nghiệm bố thí đúng thời bằng câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dĩ nhiên đã bố thí thì có phước nhưng nếu biết bố thí đúng lúc, đúng thời thì sẽ giá trị hơn, phước báo nhiều hơn.

Theo Thế Tôn, bố thí đúng thời có năm việc, thể hiện có sự cân nhắc và chọn lọc trong quyết định bố thí. Ngoài tấm lòng thí xả, người thí cần có tuệ giác, sự tôn kính và nhất là tâm nguyện thí xả không thối chuyển, ngay cả trong những lúc nghèo thiếu.“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:- Bố thí đúng thời có năm việc: Bố thí cho người từ xa lại; bố thí cho người đi xa; bố thí cho người bệnh; lúc thiếu mà bố thí; nếu lúc được cây trái mới, hoặc ngũ cốc mới thì trước đem cho người trì giới tinh tấn, sau đó mình mới ăn. Ðó là, này Tỳ-kheo! Bố thí đúng thời có năm việc này.

Thế Tôn liền nói kệ:

Người trí ứng thời thí

Lòng tin không đoạn dứt

Ở đây chóng hưởng vui

Sanh trời, các đức đủ.

Tùy thời, nhớ bố thí

Thọ phước như vang ứng

Trọn đã không nghèo thiếu

Nơi sanh thường phú quý.

Thí là đủ mọi hạnh

Ðược đến vị vô thượng

Nhớ thí không khởi tưởng

Hoan hỷ bèn tăng thêm.

Trong tâm sanh niệm này

Ý loạn trọn không còn

Biết rằng thân an lạc

Tâm liền được giải thoát.

Thế nên người có trí

Chẳng kể nam hay nữ

Nên hành năm thí này

Không mất phương tiện đúng.

Thế nên, các Tỳ-kheo! Nếu có thiện nam, tín nữ, muốn hành năm việc này thì hãy nhớ tùy thời thí. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.246)

Thường thì người mới đến họ rất cần các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống, người đi xa thì cần chuẩn bị đầy đủ hành trang để lên đường. Nhất là đối với đời sống du hành của các vị xuất gia thì đây là thời điểm chư vị rất cần sự ngoại hộ của hàng cư sĩ.

Với người bệnh thì sự giúp đỡ càng cần thiết hơn. Họ rất cần thuốc men, ăn uống, săn sóc, và nhất là sự động viên chia sẻ về tinh thần. Khi khỏe mạnh, dù khó khăn hay trở ngại đến mấy cũng có thể kham nhẫn được. Nhưng khi bệnh tật thì thân đau tâm khổ, nếu khó khăn chật vật không có phương tiện chữa trị lại càng khổ hơn. Nên mọi sự giúp đỡ của chúng ta, từ vật chất cho đến tinh thần, đều có ý nghĩa rất lớn đối với người bệnh.

Khi mới thu hoạch mùa màng, đem những nông sản đầu mùa tinh khôi nhất dâng cúng lên chư Tăng để tỏ lòng tôn kính hoặc mang biếu mời bà con làng xóm dùng lấy thảo trước, sau đó mới thọ dụng nhằm thể hiện sự tri ân. Đây cũng là một nét văn hóa thảo thơm lâu đời trong các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Cái ân tình thơm thảo qua lại này đã gắn kết tình làng nghĩa xóm và cộng đồng an hòa, bền vững.

Đặc biệt gặp lúc khó khăn như dịch bệnh hiện nay nhưng nếu thấy cần thiết thì vẫn phát tâm bố thí, sẻ chia trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Điều này vốn không dễ làm nhưng vẫn có người làm được. Bố thí trong thời điểm khó khăn thể hiện tâm nguyện người thí mạnh mẽ, trí tuệ người thí đã thông tỏ lẽ thịnh suy, tạm bợ của con người và cuộc đời nên được phước vô lượng.

Như thế nào là bố thí của người trí?

Ai cũng có thể bố thí- cho đi, nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa hành động đó với chính mình. Coi cho đi như một hành động để giúp người khác, chỉ là góc nhìn chưa đầy đủ, đằng sau sự cho đi nên là sự từ bỏ dính mắc của chính mình.

Hành động bố thí (cho đi) tuy giống nhau nhưng người có trí tuệ bố thí đem lại an vui cho mình, cho người, bố thí khi tâm đã giảm tham mà hướng về sự xả ly. 

Với một mức độ tâm vô cùng mạnh mẽ vì có sự hiểu biết, có sự quyết tâm và sự suy xét chân chính nên hành động mạnh mẽ và hướng đến những mục đích cao cả.

Cho đi như thế thì cho đi càng nhiều mình càng xả bỏ, thảnh thơi và phát triển tâm ly tha, từ bi…vv còn cho đi để mong cầu đền đáp, cầu phước, hay để được đánh giá cao.

Cũng có người cho đi khi tiện dịp, khi dễ dàng, khi muốn có thêm danh tiếng tốt về mình thì sự Cho đi ấy đôi khi làm càng nhiều càng phát triển tâm tham, càng dính mắc nên càng đau khổ.

Bố thí hợp lí:

– Hoan hỷ trước, trong, sau khi bố thí

– Bố thí với ước nguyện xả ly hoàn toàn (chứng ngộ Niết Bàn- vô sở hữu)

Trước:

Có lòng tin vào nghiệp thiện mình làm sẽ ra quả thiện

Có tâm tế độ (tâm muốn giúp đỡ người khác, nhất là bố thí để giúp họ biết tự họ thực hành điều thiện, vậy là tự họ biết gieo nhân thiện thì chắc chắn họ sẽ gặt quả thiện)

Bố thí trong sự :

-Tôn trọng

-Tự tay làm

-Vật thí trong sạch (không do làm ác mà có)

-Đúng thời điểm phù hợp

-Không làm khổ mình khổ người

Sau khi:

Có sự suy xét chân chính rằng: Vật bố thí vô thường, Người bố thí và người nhận thí đều Vô Ngã, Vô thường để xả bỏ tâm dính mắc.

Nguyện cho tôi và quý vị đều nhận thấy giá trị của bố thí có trí, để cùng nhau cố gắng phát triển tâm ly tham mà thực hành bố thí với trí tuệ.

Bố thí ra sao để có được quả phước an lạc thật sự?

Bố thí có phiền não hay không còn tùy theo tác ý của người bố thí. Sự bố thí có hai tác ý khác nhau:

1. Người bố thí mà tâm còn mong được giàu sang, được sanh vào cõi Nhân, Thiên để hưởng quả, hoặc tác ý mong người được thọ thí trả ơn, người có tác ý như thế tất nhiên phải luân hồi tái sinh lại để hưởng quả. Ðức Thế Tôn gọi sự bố thí ấy là Vattagàminikusala có nghĩa là Phước hữu lậu, có ý nói phước ấy còn đem con người luân hồi. Chẳng những là bố thí, nếu Trì giới hay Tham thiền mà tác ý còn muốn gặt hái quả lành thì không bao giờ diệt được phiền não vượt qua khỏi luân hồi.

2. Người làm bất cứ phước gì mà tác ý mong cầu giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, và phát nguyện cho mau khỏi được biển Trầm luân. Phước báu ấy Ðức Thế Tôn gọi là Vivattagàmini-kusala nghĩa Phước vô lậu, ý nói phước này không còn dư sót phiền não nên không còn luân hồi nữa.

Người Phật tử nên gieo phước lành theo thể thức thứ nhì, và nên tìm tòi học hỏi cho thông hiểu các loại phiền não, hầu gìn giữ tâm khỏi bị cảnh trần chi phối. Khi tâm không còn bị phiền não nhiễu nhương thì trí tuệ phát sanh thấy rõ: Luân hồi là nơi đáng kinh sợ nhất, cũng như người kinh sợ hầm chứa đầy rắn độc, thì không bao giờ dám mê luyến và trái lại càng cố gắng chạy cho xa mau ra khỏi nơi đầy sự kinh khủng ấy.

Khi đã biết chán chê, ghê sợ phiền não và luân hồi thì con người sẽ thản nhiên trước sự vật được hay mất, vui hay buồn. Khi đã nhận được lý vô thường, khổ não và vô ngã thì cũng đã hiểu rõ thân này là của mượn thì hà tất phải mến tiếc sự vật ngoài thân ta. Ðây là lý thuyết tuyệt đối của Phật giáo.

Nếu muốn đạt được chân lý ấy, người Phật tử chân chính nên thực hành theo ba điều:

1. Nên cố xa lánh tất cả những tội ác (tức là Trì giới).

2. Nên làm cho mình trở nên người toàn thiện toàn mỹ, ý nói là phải làm tất cả các việc lành như bố thí, tham thiền, nhẫn nại, từ bi v. v…

3. Nếu cố gắng dập tắt tất cả phiền não, nghĩa là phải dùng trí tuệ quan sát cho thấy rõ là thân này thật không bền vững, hằng đem đau khổ đến cho ta, và vật nào không thường hằng đem khổ đến, nó không phải là của ta, là vô ngã.