back to top
32.9 C
Chư Sê
Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, 2024
Home Blog Page 158

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện người buôn chè

Này Tỷ-kheo, ông xuất gia trong Giáo pháp đem lại Ðạo và Quả như vậy, lại từ bỏ tinh tấn, ông sẽ sầu muộn lâu dài, như người lái buôn Seriva đã mất một cái bát bằng vàng trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng. Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn phân tích sự việc này.

Nếu đây ông thối thất…

Thế Tônthuyết pháp thoại này khi ở Xá-vệ, cũng liên hệ đến một Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn. Khi vị ấy được các Tỷ-kheo đưa đến bậc Ðạo Sư, trong trường hợp giống như câu chuyện trước bậc Ðạo Sư nói:

– Này Tỷ-kheo, ông xuất gia trong Giáo pháp đem lại Ðạo và Quả như vậy, lại từ bỏ tinh tấn, ông sẽ sầu muộn lâu dài, như người lái buôn Seriva đã mất một cái bát bằng vàng trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng.

Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn phân tích sự việc này. Thế Tôn làm sáng tỏ ý nghĩa qua câu chuyện quá khứ sau đây:

– Thuở xưa năm kiếp về trước, Bồ-tát ở trong nước Seri, làm nghề đi buôn ghè bát và được gọi là Serivan.

Serivan cùng với một người lái buôn bán ghè bát tham lam khác, vượt qua con sông Talavaha đi vào thành Andhapura, phân chia những con đường trong thành, bán hàng hóa của mình tại con đường đã được phân chia. Còn người kia nhận con đường phần mình.

Trong thành ấy, có một gia đình triệu phú bị sa sút. Tất cả con trai, anh, em và tài sản đều bị mất sạch. Những người sống sót là một người con gái và một bà nội, cả hai bà cháu sống bằng nghề làm thuê cho các người khác. Nhưng trong nhà có một cái bát bằng vàng, xưa kia người đại triệu phú dùng để ăn cơm. Bát ấy lâu ngày bị quăng vào giữa các chén bát khác không được dùng đến và bụi nhớp dính đầy. Họ không biết cái bát ấy bằng vàng. Lúc bấy giờ, người lái buôn tham lam kia, đang vừa đi vừa rao:

– Hãy lấy ghè nước, hãy lấy ghè nước.

Và đến cửa ngôi nhà. Người con gái thấy kẻ ấy liền nói với bà nội:

– Thưa bà, hãy lấy cho con một đồ trang sức.

– Này con thân, chúng ta rất nghèo, đem đổi cái gì để lấy ghè nước?

– Có một cái bát không giúp ích gì cho chúng ta. Hãy đem cái này đổi lấy ghè.

Bà cho gọi người lái buôn, lấy ghế mời ngồi, đưa cái bát cho kẻ ấy và nói:

– Này ông, hãy lấy vật này và đổi cho chị một chút gì.

Tiền thân Đức Phật phụng dưỡng cha mẹ già bị mù

Người lái buôn cầm bát suy nghĩ: “Bát này có thể bằng vàng”, xoay bát trên tay, cạo một đường với một cây kim sau lưng bát, biết được bát bằng vàng, kẻ ấy nghĩ: “Không cần cho những người này một cái gì cả, ta sẽ lấy cái bát”, bèn nói:

– Vật này mà giá bao nhiêu? Giá của nó không đáng nửa đồng xu.

Kẻ ấy quăng bát xuống đất, từ chỗ ngồi đứng dậu rồi bỏ đi. Bấy giờ, giữa hai người lái buôn có sự thỏa thuận rằng khi một người đã vào con đường rồi bỏ đi, người kia có thể vào con đường ấy được. Vì thế Bồ-tát đi vào con đường ấy, rao hàng:

– Ai lấy ghè nước không?

Và đi đến cửa ngôi nhà ấy. Cô con gái nói với bà nội như trước. Bà nội nói với cô:

– Này con thân, người lái buôn đến trước đã quăng bát xuống đất và bỏ đi, nay chúng ta có thể cho cái gì để lấy được?

– Thưa bà, người lái buôn kia ăn nói thô ác. Còn người này có dáng mặt dễ thương, ăn nói dịu dàng. Rất có thể người này nhận lấy.

– Vậy hãy gọi họ lại.

Cô gái gọi người này lại.

Khi vị này vào nhà và ngồi, họ đưa cái bát cho xem. Vị này biết cái bát là bằng vàng liền nói:

– Thưa mẹ, cái bát này đáng giá trăm ngàn đồng tiền vàng. Tôi không có trong tay tôi hàng hóa giá trị bằng cái bát này.

– Này ông, người lái buôn đi đến trước nói rằng cái này không đáng giá nửa đồng xu, đã quăng bát xuống đất bỏ đi. Nay bát này nhờ công đức của ông, trở thành bằng vàng. Vậy chúng tôi cho ông cái bát này. Hãy cho chúng tôi một chút ít thứ gì, lấy bát và ra đi.

Lúc đó Bồ-tát có trong tay tám trăm đồng tiền vàng và hàng háo trị giá năm trăm đồng tiền vàng, liền đem cho tất cả và nói:

– Hãy cho tôi giữ lại cái cân, cái giỏ và tám đồng tiền vàng.

Sau khi xin như vậy rồi, ngài cầm lấy cái bát và ra đi. Ngài đi mau đến bờ sông, cho người chủ thuyền tám đồng tiền và leo lên thuyền. Khi ấy, người lái buôn tham lam trở lại và nói:

– Hãy đem cái bát ra đây, ta sẽ cho các người một ít thứ gì.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện múa ca

Nhưng bà già mắng lại kẻ ấy:

– Chú cho rằng cái bát bằng vàng của chúng ta trị giá một trăm ngàn đồng lại không đáng giá nửa đồng xu! Nhưng một người lái buôn chân chánh, giống như thầy của chú, đã cho chúng ta một ngàn đồng vàng, lấy cái bát và ra đi rồi.

Nghe nói như vậy, kẻ ấy than:

– Ta đã mất đi cái bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng rồi. Nó thật là tên ăn cướp đã hại ta.

Người lái buôn tham lam ấy sanh khởi ưu tư sầu muộn, không thể tập trung tâm trí, trở thành điên loạn, tự tay vung vãi đồng tiền vàng và hàng hóa trước cửa nhà ấy, quăng bỏ áo mặc, áo choàng, và tay cầm cán cân như cái gậy đi theo con đường của Bồ-tát, đến bờ sông. Thấy Bồ-tát đã đi qua sông, kẻ ấy liều kêu:

– Hỡi bạn lái đò, hãy quay lại.

Nhưng Bồ-tát ngăn chận và nói:

– Ðừng quay lại.

Thấy Bồ-tát dần dần đi xa, sầu muộn ưu tư của kẻ ấy khởi lên, quả tim nóng ran, máu nóng trào ra miệng và quả tim ấy bị nứt ra như bùn dưới đáy của một bể nước. Do hận tâm chống Bồ-tát, kẻ ấy mệnh chung ngay tại chỗ. Ðây là lần đầu tiên Ðề-bà-đạt-đa có hận tâm chống Bồ-tát. Còn Bồ-tát, trọn đời làm các công đức như bố thí… rồi đi theo nghiệp của mình.

-Sau khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Chánh Giác đọc bài kệ:

Nếu đây ông thối thất

Không hướng đích diệu pháp,

Ông sẽ khổ lâu dài

Như người buôn Se-ri.

Như vậy, sau khi bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này đưa đến tột đỉnh A-la-hán, Ngài giảng Bốn Sự thật.

Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo từ bỏ tinh tấn chứng quả tối cao A-la-hán.

Sau khi kể hai câu chuyện và kết hợp chúng với nhau, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

– Thời ấy, người lái buôn ngu si là Ðề-bà-đạt-đa, còn người lái buôn hiền trí là Ta vậy.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Đức Phật cắt thịt nuôi cha mẹ

Vua Đức-Phạm và hoàng hậu Diệp-Đầu-Đàn sanh được một thái tử tên là Tu-Xà-Đề, thân hình sáng láng, sắc vàng kim. Thái tử tuổi vừa mười bảy, hiển lộ tướng mạo khôi ngô anh tuấn, tánh tình thuần hậu, tâm lượng từ bi cương trực được vua cha yêu quý, hoàng triều dân chúng ai ai cũng mến mộ đức hạnh của thái tử.

Một hôm, vua Đức-Phạm đang ngủ mơ nghe có tiếng gọi rằng: “Nhà vua phải cấp tốc lánh nạn, có nghịch thần La-Hầu làm loạn, muốn sát hại vua. Vậy phải mau chân thì mới thoát nạn”. Nhà vua giựt mình thức giấc, bán tín bán nghi, trong lúc bàng hoàng trầm ngâm tâm thần bối rối, thì trên hư không lại có tiếng vang vọng thúc dục: “Nhà vua phải gấp rút ẩn thân, bằng chậm trễ sẽ không hoàn tánh mạng!”

Vua Đức-Phạm kinh hãi, toàn thân toát mồ hôi, dựng cả chân lông, tâm trí giao động cực độ, lòng đầy phiền não bối rối, té xỉu xuống đất bất tỉnh, hoàng hậu và thái tử phải đỡ dậy, đắp khăn nước, hồi lâu vua mới tỉnh.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Đức Phật cắt thịt nuôi cha mẹ - Cổng thông tin Phật Giáo Chư Sê

Thế rồi vua, hoàng hậu và thái tử gấp rút âm thầm rời cung thành đi lánh nạn. Trong lúc tâm trí bấn loạn, đi lầm phải con đường dài xa đầy gập ghềnh chông gai, nên đã hơn nửa tháng trời rồi mà chưa đến nước láng giềng. Lương thực đã cạn, cả ba người đều đói lả, cái chết lảng vảng trước mắt. Nhà vua định giết hoàng hậu để nuôi sống mình và thái tử. Thừa lúc hoàng hậu đói khát mệt lả ngã lăn bất tỉnh ngủ mê, vua Đức-Phạm tay run run nhè nhẹ rút gươm định chém hoàng hậu. Tay cầm thanh gươm vừa đưa lên, thì ngay lúc đó, thái tử Tu-Xà-Đề giựt mình thức giấc, mở mắt thấy vua cha run lập cập thất sắc trong thái độ bất bình thường với cử chỉ khác thường, thái tử kinh hãi chụp lấy tay vua quỳ gối thưa:

– Thưa Phụ-vương! Phụ-vương định làm gì mà có cử chỉ kỳ lạ như thế nầy?

– Con ơi! Việc bất đắc dĩ, không dấu gì, ta định hy sinh mẹ con để lấy thịt nuôi sống cha con ta qua cơn hoạn nạn nầy, để đến nước láng giềng chờ ngày phục quốc.

– Thưa Phụ-vương! Con không muốn thấy việc đó xảy ra. Thưa Phụ-vương! Xưa nay chưa có sách thành hiền nào dạy con ăn thịt cha mẹ để sống bao giờ. Thà chết chứ con không thể nào nhìn thấy làm điều bất hiếu bất nhân như vậy.

– Con ơi! Con là con mắt của ta, là máu huyết ta, là nguồn sống của hoàng tộc ta! Xưa nay có ai ăn con mắt của mình, uống máu huyết của mình, và đoạn diệt giống nòi mình bao giờ?

– Thưa Phụ-vương! Con nguyện ngày ngày tự tay cắt thịt của con để dâng Phụ-vương và Mẫu-hậu dùng cho đến khi nào con tắt thở mà thân con còn thịt thì lúc đó xin Phụ-vương và Mẫu-hậu cứ tiếp tục lóc thịt con dùng để sống cho qua cơn ngặt nghèo, hầu mong đến nước láng giềng chờ ngày thực hiện quang phục tổ quốc.

Nói xong, thái tử liền lấy dao cắt thịt dâng cho cha mẹ. Mỗi ngày cắt thịt dâng cha mẹ như thế cho đến một ngày nọ thịt gần hết thái tử kiệt sức, té sấp xuống đất, vua và hoàng hậu đau lòng nhìn con mà kêu than khóc nức nở. Thái tử cố lấy sức trong hơi thở yếu tàn khuyên vua và hoàng hậu nên bình tĩnh tiếp tục cắt thịt mình dùng để tiếp tục cuộc hành trình lánh nạn, chớ nên quá xúc động mà lụy đến sức khỏe, sẽ hỏng đại cuộc.

Trong lúc vua và hoàng hậu còn đang dùng dằng bịn rịn đi không đành, thái tử cố lấy hết sức tàn, khuyên vua cha và hoàng hậu phải nên đi gấp rút, nếu không thì lại thiếu thức ăn cả ba đều đói chết dọc đường, trước khi đến nước láng giềng. Vua và hoàng hậu đau lòng òa khóc, đành đoạn chân thấp chân cao từng bước nặng nề, dắt nhau đi đã xa mà vẫn còn ngoảnh lại nhìn thái tử với cõi lòng đau thắt. Thái tử nhìn theo bóng mờ của cha mẹ trong hơi thở tàn cho đến khi khuất dạng.

Bấy giờ thái tử Tu-Xà-Đề một mình giữa rừng sâu, chỉ còn hơi thở thoi thóp trong bộ xương đầy máu mủ với mùi hôi tanh xông lên, khiến cho các loài ruồi nhặng kiến dòi bu lại rút tỉa cái thân xương trắng máu đào của thái tử. Thái tử cố lấy hết sức tàn phát hùng tâm thệ nguyện: “Nguyện đời trước đời nầy lỡ làm những điều oán ác vay trả thì xin dứt sạch từ nay. Xương thịt thân nầy còn lại xin bố thí cho các loại chúng sanh thọ dụng. Nguyện đem thân nầy cúng dường cha mẹ mong cha mẹ được mười điều hạnh phúc: 1- Khi ngủ cũng như lúc thức, ngày đêm được an vui. 2- Không thấy ác mộng. 3- Chư thiên thường ủng hộ. 4- Mọi người đều ái kính. 5- Không gặp những sự kiện tụng. 6- Không bị trộm cướp. 7- Không bị giặc dã. 8- Không bị mưu hại. 9- Không bị oán cừu thù nghịch tàn hại tiêu diệt. 10- Gặp việc gì cũng đều được thuận lợi tốt lành”.

Khi thái tử Tu-Xà-Đề phát nguyện như thế rồi, trời đất sáu phen rung động, sóng biển nổi dậy, núi Tu-di khuynh đảo, cõi trời Đao-Lợi rung chuyển. Lúc bấy giờ vua trời Đế-Thích thấy điềm lạ, nên dùng thần lực quán sát biết rõ sự việc, liền đem chư Thiên cõi trời Dục-giới xuống thế giới Ta-bà nầy, đến chỗ thái tử Tu-Xà-Đề hóa làm sư-tử hổ lang ra oai hùng hổ muốn nhảy đến vồ bắt ăn tươi nuốt sống, để xem thái tử có khiếp sợ không? Nhưng thái tử Tu-Xà-Đề vẫn thản nhiên hiền hòa bảo các loài sư-tử hổ lang rằng: “Các ngươi muốn ăn thịt ta thì cứ tùy ý, chớ sao lại có thái độ hùng hổ hung tợn như thế làm chi?”

Liền khi đó vua trời Đế-Thích hiện nguyên hình và nói với thái tử rằng: “Ta không phải là loài lang sói sư-tử hổ báo mà là trời Đế-Thích hóa hình đến đây để thử lòng ngươi. Vậy nhà ngươi hy sinh thân mạng để cúng dường cha mẹ, bố thí cho chúng sanh là vì để cầu làm Thiên Ma Vương, Phạm-vương, Thiên-vương, Nhân-vương hay Chuyển-luân Thánh-vương?”

Thái tử Tu-Xà-Đề đáp: “Thưa vua trời Đế-Thích, tôi chỉ có một điều cầu mong duy nhất là đắc đạo quả Vô-thượng Bồ-đề, để độ thoát tất cả chúng sanh”.

Vua trời Đế-Thích lại nói: “Ngươi thật là quá ư ngu dại! Đạo quả Vô-thượng Bồ-đề cần phải nhẫn nhục khổ lắm, lại dụng công tu hành rất lâu mới được, làm sao ngươi có thể đủ sức chịu đựng nổi sự cần khổ đó?”

Thái tử đáp: “Giả sử đặt vòng sắt nung đỏ trên đầu để cầu đạo Vô-thượng Bồ-đề, ta cũng chẳng thối tâm”.

Vua trời Đế-Thích: “Đó chỉ là lời nói suông, lấy gì làm bằng chứng cho tâm chân thành của nhà ngươi?”

Thái tử Tu-Xà-Đề liền lập nguyện: “Nếu tôi dối lòng với Thiên-Đế-Thích thì thân thể tôi sẽ mãi mãi bị chia lìa đau khổ như thế nầy cho đến ngày mục nát thành cát bụi. Ngược lại, nếu tôi thành tâm thật lòng, thì xin cho thân tôi được bình phục tốt đẹp hơn xưa”.

Lời phát nguyện vừa xong, thân thể thái tử Tu-Xà-Đề bình phục như cũ, tướng mạo tốt đẹp hơn trước.

Thấy hiện tượng quá nhiệm mầu như vậy, vua trời Đế-Thích và các thiên thần bay lên hư không đồng cất tiếng ca ngợi:

Cao cả thay! Lòng tinh tiếnTâm dõng mãnh thần tiên kính phụcVô-thượng Bồ-đề chẳng còn mấy lúcXin đoái thương trước độ chúng tôi.Ngài sẽ là Đạo sư ba cõi trời ngườiĐế-thích xin nhờ ngôi Vô-thượng-giác.

Nói về vua Đức-Phạm và hoàng hậu từ ngày đau lòng phải từ biệt thái tử, đã lần lượt đến được nước láng giềng trình bày rõ sự tình, khiến vị Quốc-vương nước nầy vô cùng cảm động lấy lễ quốc khách tiếp đãi vua và hoàng hậu. Quốc-vương vô cùng cảm phục tấm lòng hiều đạo của thái tử Tu-Xà-Đề đã xả thân làm việc khó làm.

Sau nửa tháng nghỉ ngơi dưỡng sức, vị Quốc-vương nước láng giềng giúp bốn đạo binh lính voi ngựa đưa vua Đức-Phạm và hoàng hậu về nước, giết kẻ nghịch thần La-Hầu và khôi phục lại giang sơn tổ quốc.

Cùng đoàn quân trên đường quang phục giang sơn, vua Đức-Phạm và hoàng hậu tìm đến chỗ chia tay và từ biệt thái tử Tu-Xà-Đề để mong tìm gói nắm xương tàn của thái tử đem về đất tổ chôn cất trong hoàng mộ, liệt thờ trong tông miếu. Đến nơi, vua và hoàng hậu vô cùng kinh ngạc trông thấy thái tử mạnh khỏe, thân hình trẻ đẹp khác thường hơn xưa. Vua Đức-Phạm và hoàng hậu vội xuống ngựa ôm chầm lấy thái tử nước mắt chảy ròng ròng mà không nói nên lời.

Nhờ đức hiếu của thái tử Tu-Xà-Đề, nên quang phục đất nước dễ dàng, và ngay sau đó, vua Đức-Phạm lập thái tử lên ngôi Hoàng-đế thay thế cho mình để trị vì thiên hạ.

Nói đến đây, đức Phật nhìn tôn giả A-Nan mà phán rằng: “Nầy A-Nan! Vua Đức-Phạm khi xưa đó chính là tiền thân của vua Tịnh-Phạn phụ vương ta. Hoàng-hậu Duyệt-Đầu-Đàn kiếp xưa đó chính là Ma-Da Phu-nhân mẫu hậu ta ngày nay. Vua trời Đế-Thích lúc đó chính là tiền thân của tôn giả A-Nhã Kiều-Trần-Như ngày nay. Còn thái tử Tu-Xà-Đề chính là tiền thân của Thích-Ca Như-Lai ta đây vậy.

Lược truyện Tiền thân Đức Phật

Hòa thượng Thích Đức Niệm

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Phụng dưỡng cha mẹ già bị mù

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma được hai vị đạo-sĩ mẹ cha đi vào rừng tìm các thứ trái cây đem về nuôi dưỡng Đức-Bồ-tát trưởng thành.

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ vô lượng đến tất cả chúng-sinh. Cho nên, các loài thú dữ trong rừng cảm nhận được tâm-từ của Đức-Bồ-tát, chúng đều trở thành các con thú thuần tính, không còn làm khổ lẫn nhau nữa, các loài thú lớn nhỏ đều đến quanh quẩn, gần gũi, chơi với Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma như những người bạn thân thiết.

Hằng ngày, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma lo giúp đỡ những công việc như quét dọn sạch sẽ xung quanh hai cốc lá của hai vị đạo-sĩ mẹ cha, mang bình bát đi xuống sông Migasammatā lấy nước uống, nước dùng cho hai vị đạo-sĩ mẹ cha.

Các con thú lớn nhỏ từng đàn, từng đàn đi theo sau, Đức-Bồ-tát đặt cái bình nước trên lưng một con thú lớn, lực lưỡng khỏe mạnh đi xuống sông Migasammatā, khi lấy bình nước xong, lại đặt bình nước trên lưng con thú lớn lực lưỡng khoẻ mạnh ấy, mang nước về hai cốc lá của hai vị đạo-sĩ mẹ cha. Cho nên, nước dùng, nước uống lúc nào cũng đầy để cho hai vị đạo-sĩ mẹ cha dùng.

Tiền thân Đức Phật phụng dưỡng cha mẹ già bị mù

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma trưởng thành lên mười sáu tuổi, hằng ngày có khả năng đỡ đần mọi công việc cốc lá cho hai vị đạo-sĩ mẹ cha.

Một hôm, sau khi tìm các thứ trái cây trong rừng núi xong, hai vị đạo-sĩ từ trong rừng trở về gần đến cốc lá chỗ ở của mình, thì trời đổ mưa lớn, hai vị đạo-sĩ đi vào gốc cây lớn để trú mưa. Tại dưới gốc cây lớn ấy, có một con rắn độc nằm trong hang, trận mưa lớn nên nước mưa thấm ướt vào người hai vị đạo-sĩ, nước chảy xuống đất thấm vào trong hang rắn độc, nước mưa có lẫn mồ hôi người của hai vị đạo-sĩ. Ngửi mùi mồ hôi người, con rắn độc nổi giận, bò lên phun hơi nọc độc vào đôi mắt của hai vị đạo-sĩ làm cho đôi mắt của hai vị đạo-sĩ đều bị mù, không còn thấy đường về cốc lá của mình.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Dukūla nói với nữ đạo-sĩ Pārikā biết rằng:

– Này nữ đạo-sĩ Pārikā! Đôi mắt của bần-đạo đều bị mù không nhìn thấy nữa.

Vị nữ đạo-sĩ Pārikā cũng thưa với vị đạo-sĩ Dukūla rằng:

– Kính thưa Ngài Đạo-sĩ Dukūla, đôi mắt của  bần-đạo cũng bị mù không còn thấy nữa.

Nữ đạo-sĩ Pārikā khóc than rằng:

– Sinh-mạng của chúng ta sẽ bị chết tại nơi đây, mà Suvaṇṇasāma, người con yêu quý không hay biết.

Tại cốc lá, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma nghĩ rằng: “Mỗi ngày, mẹ cha của ta, giờ này đã trở về cốc rồi. Hôm nay, một trận mưa lớn vừa qua cũng đã tạnh từ lâu, vì sao  mẹ cha của ta chưa thấy trở về, chắc chắn có điều tai nạn gì đã xảy đến với mẹ cha của ta.”

Nghĩ xong, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma đi theo con đường mòn mà hai vị đạo-sĩ mẹ cha thường đi hằng ngày, vừa đi vừa gọi mẹ cha rằng:

– Mẹ cha ở đâu? Xin lên tiếng cho con biết!

Nghe tiếng gọi của đứa con yêu quý, hai đạo-sĩ lên tiếng dạy bảo rằng:

– Này con yêu quý! Đôi mắt của mẹ cha bị mù cả rồi. Ở đây có rắn độc nguy hiểm, con chớ nên đến gần mẹ cha con nhé!

Đức-Bồ-tát thưa rằng:

– Kính thưa mẹ cha, nếu vậy, thì xin mẹ cha cầm lấy đầu cây này.

Đức-Bồ-tát đưa đầu cây dài đến tận tay của mẹ cha, rồi mẹ cha của Đức-Bồ-tát lần theo cây đến Đức-Bồ-tát.

Đức-Bồ-tát thưa rằng:

– Kính thưa mẹ cha, do nguyên nhân nào mà làm cho đôi mắt của mẹ cha bị mù như thế này?

Hai vị đạo-sĩ mẹ cha bảo cho Đức-Bồ-tát biết rằng:

– Này con yêu quý! Trên đường về đến chỗ này, một trận mưa lớn vừa qua, mẹ cha vào trú mưa dưới cội cây này, không biết dưới cội cây  có hang rắn độc, nước mưa thấm ướt toàn thân chảy xuống miệng hang, ngửi mùi mồ hôi người, con rắn độc nổi giận bò lên phun nọc độc vào  đôi mắt của mẹ cha. Đó là nguyên nhân làm cho đôi mắt của mẹ cha bị mù không còn nhìn thấy gì nữa.

Lắng nghe mẹ cha thuật lại sự việc xảy ra như vậy, nhìn thấy mẹ cha bị mù đôi mắt nên vô cùng xúc động, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma khóc vì thương yêu mẹ cha, rồi nghĩ lại về bổn phận của mình, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cười vì hoan hỷ có được cơ hội tốt chăm lo, săn sóc phụng dưỡng mẹ cha mù đôi mắt.

Mẹ cha của Đức-Bồ-tát hỏi rằng:

– Này Suvaṇṇasāma con yêu quý! Tại sao con khóc, rồi con lại cười như vậy ?

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma thưa rằng:

– Kính thưa mẹ cha, sở dĩ con khóc là vì con không nén được nỗi xúc động nhìn thấy mẹ cha bị mù đôi mắt không nhìn thấy gì nữa. Và sở dĩ con cười là vì con cảm thấy vui mừng là từ ngay bây giờ về sau, con có cơ hội tốt chăm lo, săn sóc, phụng dưỡng mẹ cha được an-lạc.

– Kính xin mẹ cha an tâm, con cố gắng hết sức mình để làm tròn bổn phận người con, trả ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

Đức-Bồ-tát thưa lời an ủi mẹ cha xong, cầm tay dẫn mẹ cha trở về lại cốc lá.

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma cột dây từ mỗi cốc lá của mẹ và của cha dẫn đến chỗ ngồi ăn, chỗ rửa mặt, chỗ tắm rửa, chỗ đi tiểu tiện, đại tiện, chỗ đường đi kinh hành, chỗ ngồi nghỉ mát…

Kể từ hôm ấy, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma làm tròn bổn phận người con biết chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha một cách chu đáo. Đức-Bồ-tát thức dậy sớm thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-từ vô-lượng đến tất cả chúng-sinh.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện hiền giả cái cuốc

Mỗi buổi sáng, Đức-Bồ-tát quét dọn sạch sẽ chỗ ở, giặt các bộ y phục của mẹ cha xong, vào đảnh lễ mẹ cha, rồi đem bình nước cùng đàn thú đi xuống sông Migasammatā lấy nước dùng, nước uống đem về, sắp đặt các loại trái cây ngon lành để mẹ cha dùng bữa sáng.

Sau khi mẹ cha dùng xong, Đức-Bồ-tát dùng phần trái cây còn lại, làm xong mọi công việc, Đức-Bồ-tát vào đảnh lễ mẹ cha, xin phép đi vào rừng núi, mang giỏ đi cùng với các đàn thú vào rừng núi, để tìm các loại trái cây lớn nhỏ các loại củ, các thứ rễ cây.

Đức-Bồ-tát hái trái cây ở chỗ thấp, còn các trái cây chín ở trên cao, thì có các chú khỉ leo lên hái đem xuống, mỗi đàn thú đi theo giúp đỡ Đức-Bồ-tát tìm hái trái cây lớn nhỏ, các loại củ, các loại rễ cây, tuỳ theo khả năng của mỗi loài thú. Khi đầy đủ các thứ, các con thú lực lưỡng khoẻ mạnh có phận sự đem về cốc lá.

Về đến cốc lá vào buổi chiều, Đức-Bồ-tát vào đảnh lễ mẹ cha, dắt dẫn mẹ cha đi tắm sạch sẽ, đem bộ y phục sạch đến mẹ cha thay bộ y phục cũ, sắp đặt các thứ trái cây, kính dâng mẹ cha dùng buổi chiều, và sắp đặt các trái cây còn lại dành để dùng buổi sáng ngày hôm sau.

Đức-Bồ-tát mang bình nước cùng với các đàn thú đi đến sông Migasammatā để lấy nước dùng, nước uống đem về.

Vào mùa lạnh, Đức-Bồ-tát nấu nước ấm để cho mẹ cha tắm, và làm tròn bổn phận phục vụ mẹ cha một cách chu đáo như mỗi ngày.

Buổi tối, Đức-Bồ-tát đến mỗi cốc lá xoa bóp chân tay, thân mình của mẹ cha. Khi trời trở lạnh, Đức-Bồ-tát đốt lò sưởi ấm đặt trong mỗi cốc lá của mẹ cha.

Hằng ngày, Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma vô cùng hoan hỷ làm tròn mọi phận sự chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha chu đáo một cách cung kính với đại-thiện-tâm hoan hỷ, không bao giờ phàn nàn một điều gì cả.

Đức-Bồ-tát Suvaṇṇasāma coi trọng việc chăm lo săn sóc phụng dưỡng mẹ cha già, đó là bổn phận thiêng liêng của người con biết ơn mẹ cha và biết trả công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha đã cho người con vay từ khi đầu thai 10 tháng, khi sinh ra đời, rồi dưỡng dục cho đến lúc trưởng thành. Cho nên, công ơn của mẹ cha thật là công ơn trời biển, vô lượng đối với người con không có gì trong đời có thể sánh được.

(Trích từ “Người biết ơn và biết đền ơn” – HT. Hộ Pháp)

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện đồ ăn cúng người chết

Nếu chúng sanh biết được…,

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về đồ ăn cúng người chết. Trong thời ấy, nhiều người giết hại nhiều dê cừu… để cúng đồ ăn cho người thân đã mệnh chung. Các Tỷ-kheo thấy họ làm như vậy, hỏi bậc Ðạo Sư:

– Bạch Thế Tôn, nay nhiều người giết hại sinh mạng nhiều loài hữu tình để cúng đồ ăn cho người chết, Bạch Thế Tôn, ở đây có hạnh phúc, lợi ích nào không? Thế Tôn nói:

– Cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được?

Thuở xưa, các bậc Hiền trí ngồi giữa hư không thuyết pháp, nói rõ nguy hại của tập tục này, khiến toàn thể dân chúng ở cõi Diên-phù-đề bỏ hành động ấy. Nhưng nay, bị sanh hữu tích lũy, nên hành động ấy lại khởi lên.

Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ.

– Thuở xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, một Bà-la-môn thông hiểu ba tập Vệ-đà, một danh sư nổi tiếng bốn phương, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, cho bắt một con dê và bảo các đệ tử:

– Này các con thân, hãy dẫn con dê này đến sông, tắm cho nó, đeo vòng hoa ở cổ nó, cho nó ăn lúa độ nửa đấu, chải chuốt cho nó rồi đem nó lại đây.

Các đệ tử vâng lời, dắt dê đến sông, tắm cho nó, chải chuốt cho nó, rồi để nó đứng trên bờ sông. Con dê ấy thấy được việc của mình đã làm từ đời trước, suy nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ được thoát đau khổ”, vì vậy nó cảm thấy sung sướng, cười lớn tiếng như đập bể cái ghè, lại nghĩ: “Bà-la-môn này, khi giết ta, sẽ chịu nỗi đau khổ của ta thuở trước”, nó khởi lòng thương hại người Ba-la-môn và khóc lớn tiếng. Các thanh niên ấy hỏi nó:

– Này bạn, bạn cười lớn tiếng rồi khóc lớn tiếng. Vì nhân gì bạn cười, vì nhân gì bạn khóc?

– Hãy hỏi câu hỏi này trước mặt thầy các ông!

Họ đem con dê ấy đi, và báo cáo cho thầy biết. Vị thầy nghe câu chuyện, hỏi con dê:

– Này dê, sao ngươi lại cười và sao ngươi lại khóc?

Con dê nhờ trí biết được đời trước, nhớ đến việc đã làm của mình, và nói với Bà-la-môn:

– Này Bà-la-môn, thuở trước, giống như ông, ta là một Bà-la-môn học giỏi các chú thuật, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, đã giết một con dê để cúng dường. Vì giết chỉ một con dê, ta bị chém đầu trong bốn trăm chín mươi chín lần sống chết. Nay là lần thứ năm trăm sống chết cuối cùng của ta. Hôm nay, ta sẽ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Nghĩ vậy, ta cảm thấy sung sướng, do nhân duyên này ta cười. Còn ta khóc, vì ta nghĩ rằng chỉ vì giết moät con dê, ta phải chịu khổ hình chặt đầu đến năm trăm lần. Hôm nay ta sẽ thoát cái khổ ấy. Nhưng Bà-la-môn này, vì giết ta, sẽ như ta chịu khổ hình chặt đầu trải năm trăm đời sống. Vì thương xót ông, nên ta khóc.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện đồ ăn cúng người chết

– Này dê, chớ sợ, ta sẽ không giết ngươi!

– Này Bà-la-môn, ông nói gì thế? Dầu ông có giết ta hay không, hôm nay ta cũng không thể thoát chết!

– Này dê, chớ sợ, ta sẽ bảo vệ ngươi, sẽ cùng đi với ngươi!

– Này Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông và mạnh bạo thay là nghiệp ác ta làm!

Vị Bà-la-môn thả con dê ra, nói với các đệ tử: Và cùng với các đệ tử, vị Bà-la-môn đi theo con vật. Con dê vừa được thả, vươn cổ lên, đến bụi cỏ mọc sau lưng tảng đá ấy, và bắt đầu ăn lá cỏ.

Liền khi ấy, sét đánh trên lưng tảng đá ấy, một mảng đá bị đánh vỡ, rơi trên cổ con dê đang vươn ra và chặt đứt đầu. Nhiều người qui tụ lại xem.

Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm vị thần cây tại chỗ ấy. Với uy lực của vị thần, Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không, trên đại chúng đang đứng nhìn, và suy nghĩ: “Những chúng sanh này, nếu biết được kết quả của việc ác như vậy, sẽ không làm ác nữa!” Rồi với âm thanh dịu ngọt, Ngài thuyết pháp qua bài kệ:

Nếu chúng sanh biết được

Sự này sanh đau khổ,

Hữu tình sẽ không còn

Giết hại hữu tình nữa,

Vì ai giết hũu tình,

Sẽ phải sầu, phải khổ.

Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp khiến cho mọi người sợ hãi địa ngục. Và nhiều người nghe bài thuyết pháp ấy, biết sợ hãi điạ ngục, nên từ bỏ sát sanh. Bồ-tát thuyết pháp xong, an trú quần chúng vào Ngũ giới, rồi về sau đi theo nghiệp của mình. Còn quần chúng, an trú trong lời khuyên của Bồ-tát, sau khi làm các phước đức như bố thí v.v… được sanh lên thiên giới, làm tràn đầy thành phố chư Thiên.

– Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau:

– Thời ấy, Ta là vị thần cây.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con bò đại hỷ

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về những lời nhiếc mắng của nhóm Sáu Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhóm Tỷ-kheo, khi cãi nhau với các hiền thiện Tỷ-kheo, thường khiêu khích, mắng nhiếc, châm biếm và nhục mạ họ. Các Tỷ-kheo báo lên Thế Tôn. Ngài cho gọi nhóm Saú Tỷ-kheo, hỏi có phải thật như vậy không, và khi được trả lời là thật vậy, Ngài chê trách họ:

– Này các Tỷ-kheo, lời nói ác độc làm cho ngay cả loài thú vật cũng hiềm hận. Thuở trước, một thú vật đã làm cho một người nói lời ác phải mất một ngàn đồng tiền vàng. Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

– Trong thời quá khứ, tại nước Gandhara, có vị vua trị vì ở Takkasila, và Bồ-tát sanh ra làm con bò được đặt tên là Nandivisàla (Ðại Hỷ). Một Bà-la-môn đi đến những người thường hau cúng dường bò, xin được con Nandivisala khi còn là con nghé.

Người Bà-la-môn đối xử với nó như con ruột, thương mến cho nó ăn ròng cơm cháo và nuôi dưỡng nó rất chu đáo. Khi lớn lên, Bồ-tát suy nghĩ: “Ta được người Bà-la-môn này nuôi dưỡng một cách khó nhọc. Trong toàn cõi Diêm-phủ-đề (Ấn Ðộ), không có một con bò nào khác có thể mang nặng như ta. Vậy ta hãy biểu lộ sức mạnh của ta và cho người Bà-la-môn tiền nuôi dưỡng”.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con bò đại hỷ

Một hôm, Bồ-tát nói với vị Bà-la-môn:

– Này Bà-la-môn, hãy đi đến một triệu phú giàu về đàn bò và nói: Con bò của tôi, nếu được cột chặt vào một trăm cỗ xe, cũng có thể kéo đi! Và đánh cá với người ấy một ngàn đồng tiền vàng Vị Bà-la-môn đi đến một triệu phú và gợi chuyện:

– Trong thành này, con bò của ai có được sức mạnh?

Người triệu phú trả lời:

– Chính nhà này, nhà của ta!

Và ông còn nói tiếp:

– Trong toàn thành này, không một ai có con bò giống như con bò của chúng tôi.

Người Bà-la-môn nói:

– Một con bò của tôi có thể kéo được một trăm cỗ xe cột chắt lại!

Người gia triệu phú hỏi:

– Con bò như vậy ở đâu?

Vị Bà-la-môn nói:

– Ở nhà tôi.

– Vậy chúng ta hãy đánh cá đi.

– Tốt lắm, tôi bằng lòng.

Và vị Bà-la-môn đánh cá một ngàn đồng tiền vàng. Rồi vị Bà-la-môn chất đầy một trăm cỗ xe với cát, sạn và đá, đặt chúng nối tiếp nhau, cột tất cả làm một, cáng xe với trục xe, cho tắm Nandivisala, cho nó ăn một đấu gạo thơm, trang sức vòng hoa vào cỗ xe đầu. Người Bà-la-môn, tự mình ngồi trên cán xe, đưa cao gậy thúc bò và nói:

– Hi, hi, hi đi, đồ ranh con! Hãy kéo, đồ ranh con!

Bồ-tát nghĩ: “Ta không phải ranh con, nhưng người này gọi ta với danh từ ranh con”! và Bồ-tát đứng thẳng chân như những cột trụ, không hề di động.

Ngay lúc ấy, người triệu phú bắt người Bà-la-môn đem lại một ngàn đồng. Vị Bà-la-môn thua một ngàn đồng, mở con bò ra, rồi về nhà nằm dài, với tâm tư sầu muộn.

Nandivisala vào nhà, thấy vị Bà-la-môn sầu muộn, liền hỏi:

– Này Bà-la-môn, có phải ông nằm ngủ?

– Làm sao ta có thể ngủ được khi ta thua mất một ngàn đồng!

– Này Bà-la-môn, trong suốt thời gian ta sống ở nhà ông, có bao giờ ta làm bể chén bát gì, hay chà đạp một ai, hay đi đại tiểu tiện không phải chỗ?

– Này con thân, không bao giờ có.

Vậy sao ông gọi ta là đồ ranh con? Ðây là lỗi của ông, không phải lỗi của ta. Hãy đi và cá với người kia hai ngàn đồng tiền vàng. Nhưng ta không phải ranh con, không được gọi là đồ ranh con!

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện múa ca

Vị Bà-la-môn nghe Bồ-tát nói, liền đi đến nhà triệu phú và cá hai ngàn đồng. Vị ấy buộc một trăm cỗ xe như cách trước làm, cho Nandivisala trang điểm, và buộc nó vào cái cáng gỗ xe thứ nhất. Ông buộc như thế nào? Buộc chặt cái ách vào cáng xe, rồi thắng con bò Nandivisala vào một phía ách, và buộc chặt phía bên kia bằng một miếng gỗ trơn từ ách vào trục xe, như vậy, ách được cứng thẳng, không nghiêng một bên. Như vậy, chỉ một con bò có thể kéo một cỗ xe được làm cho cả hai con kéo. Rồi người Bà-la-môn ngồi trên cáng xe, vừa xoa lưng Nandivisal vừa nói:

– Hi, hi, chú bạn hiền thiện! Hãy kéo, chú bạn hiền thiện!

Bồ-tát được buộc chặt vào một trăm cỗ xe, với một cái kéo mạnh cả một trăm cỗ xe, khiến cỗ xe cuối đứng vào chỗ mà cỗ xe đầu đã di động. Người triệu phú giàu đàn bò thua cuộc, phải trả hai ngàn đồng.

Những người khác cũng cho Bồ-tát nhiều tiền. Tất cả đều thuộc về vị Bà-la-môn. Như vậy, nhờ Bồ-tát, người Bà-la-môn được nhiều tiền của.

Bậc đạo sư nói, sau khi khiển trách Sáu Tỷ-kheo ấy.

– Này các Tỷ-Kheo, lời nói độc ác không làm ai vừa ý.

Và ngài chế thành học pháp. Rồi bậc Chánh Ðẳng Giác liền nói kệ:

Chỉ nói lời từ hòa,

Không từ hòa, không nói.

Ai nói lời từ hòa,

Kéo đi được gánh nặng,

Khiến nó được tài sản.

Do vậy, nó ưa thích

– Sau khi bậc Ðạo sư kể pháp thoại này, Ngài nhận diện Tiền thân như sau:

– Lúc ấy Bà-la-môn là Ànanda, còn Nandivisala là Ta vậy!

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con bò đen

Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư đã kể về thần thông song hành. Câu chuyện này và câu chuyên từ thiên giới xuống sẽ được trình bày trong Chương mười ba, Tiền thân Sarabhamiga (số 483)

Sau khi thị hiện thần thông song hành, từ thiện giới, bậc Chánh Ðẳng Giác đi xuống thành Sankassa.

Trong ngày đại lễ Tự tứ, với một đoàn tùy tùng đông đảo, Ngài đi vào Kỳ viên. Các Tỷ-kheo đang ngồi họp ở Pháp đường, tán thán đức hạnh bậc Ðạo Sư, nói:

– Này các Hiền giả, Như Lai không có ai sánh bằng. Không một ai khác có thể mang được gánh nặng như đức Như Lai. Sáu ngoại đạo sư nói: Chúng ta sẽ thị hiện thần thông, chúng ta sẽ thi thố thần thông!

Tuy nói vậy, họ không thị hiện được thần thông nào. Ôi, bậc Ðạo Sư thật không ai sánh bằng!

Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp ở đây bàn chuyện gì?

– Bạch Thế Tôn, không có gì khác ngoài chuyện tán thán đức hạnh Thế Tôn.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con chim cút

Bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, nay ai sẽ mang gánh nặng do Ta mang? Trong thời quá khứ, khi Ta sanh làm thú vật, cũng không một ai so sánh với ta được.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

– Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Bà-la-nại, Bồ-tát sanh làm một con bò. Khi bò còn là nghé, những người chủ sống trong nhà một bà già, đem Bồ-tát cho bà để giải quyết tiền ở trọ. Bà nuôi dưỡng Bồ-tát như con ruột, cho Bồ-tát ăn cháo và cơm. Bồ-tát được gọi là Con bò đen của bà già. Lớn lên, Bồ-tát có sắc lông đen láng, thường đi với các con bò hiền thiện trong làng. Trẻ con ở làng thường nắm sừng, nắm tai, đeo cổ, nắm đuôi bò chơi đùa và ngồi trên lưng bò.

Một hôm, Bồ-tát nghĩ: “Mẹ ta sống khổ cực, xem ta như con đẻ, nuôi dưỡng ta rất khó khăn. Vậy ta hãy làm ra tiền để giải thoát bà cụ khỏi đời khổ cực này”.

Từ đó trở đi, Bồ-tát cố gắng tìm cho ra tiền.

Một hôm người chủ trẻ của một đoàn lữ hành với năm trăm cỗ xe đi đến một khúc sông cạn rất gồ ghề. Các con bò của người ấy không thể kéo các cỗ xe qua được.

Những con bò của năm trăm cỗ xe được cột vào cáng xe liên tục với nhau cũng không thể kéo một cỗ xe qua được.

Lúc ấy Bồ-tát đang đi với các con bò làng, đến gần khúc sông cạn. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành biết đáng giá loài bò, đang tìm trong những con bò này xem con nào giống tốt có thể kéo những cỗ xe của mình qua được. Thấy Bồ-tát, biết con bò giống tốt này sẽ có thể kéo được những cỗ xe, người ấy liền hỏi những người chăn bò:

– Này bạn, ai à chủ con bò này? Nếu tôi cột nó vào những cỗ xe và nó kéo qua được, tôi sẽ trả tiền thuê!

Các người chăn bò ấy nói:

– Hãy bắt và cột nó vào! Tại chỗ này, không có ai là chủ con vật!

Người chủ trẻ cột dây vào mũi bò kéo đi, nhưng con bò không di động. Theo truyền thuyết, Bồ-tát không đi khi chưa được trả giá. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành, biết được ý định của con bò và nói:

– Này chủ đàn, ta sẽ trả cho ông một ngàn đồng, tiền thuê kéo năm trăm cỗ xe, mỗi cỗ xe kéo qua được trả hai đồng!

Lúc ấy, Bồ-tát mới chịu đi. Người ta cột bò vào những cỗ xe. Với một cái kéo mạnh, bò đã kéo bổng chiếc xe đầu tiên và đặt lên bờ kia. với phương cách như vậy, bò kéo tất cả cỗ xe qua. Người chủ trẻ của đoàn lữ hành chỉ trả một đồng cho mỗi chiếc xe, và cột một gói năm trăm đồng treo ở cổ Bồ-tát. Bồ-tát suy nghĩ: “Người này không trả cho ta tiền thuê như đã quyết định. Nay ta không cho nó đi!”. Rồi Bồ-tát đứng chặn đường trước cỗ xe, và dầu đoàn lữ hành cố gắng dắt xe đi, cũng không thể dắt được.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện người nô lệ Nanda

Người chủ trẻ của đoàn lữ hành suy nghĩ: “Hình như nó biết ta trả thiếu tiền thuê!”. Bèn gói một ngàn đồng trong bọc, cột ở cổ Bồ-tát và nói:

– Ðây là tiền thuê của người đã kéo qua.

Bồ-tát mang gói tiền liền đi đến bà mẹ. Trẻ con trong làng thấy một vật gì đeo ở cổ bò đem của bà cụ, bèn chạy đến gần Bồ-tát. Nhưng Bồ-tát đuổi chúng chạy xa, rồi đến gần bà mẹ. Vì đã kéo qua năm trăm cỗ xe, Bồ-tát hết sức mệt mỏi với đôi mắt đỏ kè. Bà cụ thấy gói một ngàn đồng ở cổ Bồ-tát, liền kêu lớn:

– Này con thân, tiền này con lấy được ở đâu?

Rồi hỏi những đứa trẻ chăn bò, và biết được câu chuyện, bà nói to:

– Này con thân, ta đâu có muốn sống nhờ tiền công con làm được. Sao con lại chịu khổ nhọc như vậy?

Nói xong, bà lấy nước nóng tắm cho con vật, thoa dầu toàn thân, cho uống nước và cho bò ăn đủ loại đồ ăn thích hợp. Bà sống với Bồ-tát cho đến khi mạng chung rồi đi theo nghiệp của mình.

– Bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai không có ai sánh bằng. Trong thời quá khứ, cũng không có ai sánh bằng.

Sau khi thuyết pháp thoại này xong, bậc Chánh Ðẳng Giác đọc bài kệ:

Với gánh nặng phải mang,

Với khúc sông phải qua,

Chúng cột con bò đen,

Bò đi kéo gánh nặng!

Như vậy, Ngài nêu rõ:

– Này các Tỷ-kheo, khi ấy, chỉ có con bò đen kéo được gánh nặng.

Thế Tôn kết hợp hai câu chuyện với nhau và nhận diện Tiền thân như sau:

– Lúc ấy, bà cụ là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), còn con bò đen của bà là Ta vậy

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con heo Munika

Câu chuyện này, khi trú ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể về sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ. Câu chuyện này sẽ được trình bày ở Chương mười ba, trong Tiền thân Cullanarada-Kassapa (số 477). Bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy.

– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông đang bị tham dục chi phối? – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Vì nhân duyên gì?

– Bạch Thế Tôn, vì sự cám dỗ của một phụ nữ béo phệ!

Bậc Ðạo Sư nói:

– Này Tỷ-kheo, thiếu nữ này tạo bất hạnh cho ông. Thời quá khứ, trong ngày đám cưới của nàng, ông đã bị mạng chung và trở thành món ăn ngon cho số đông người! Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Bà-la-môn, tại một làng nọ, Bồ-tát sanh làm con bò tên Mahàlohita trong nhà một người có gia sản. Bồ-tát có một em trai tên là Cullalohita. Trong gia đình, hai con bò này làm tất cả công việc chuyên chở.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con heo Munika

Gia đình đó có một cô con gái. Cô ta đã đính hôn với người con trai cùng làng. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự đám cưới của con gái mình, cha mẹ cô gái nuôi một con heo tên là Munika, và cho nó ăn toàn cháo cơm. Thấy vậy, Lohita em nói với con bò anh:

– Trong gia đình này, đồ nặng do hai anh em mình chở hết, nhưng họ chỉ cho chúng ta ăn cỏ, lá v.v… còn họ nuôi con heo với cháo và cơm. Vì lý do gì nó lại được như vậy?

Bồ-tát nói:

– Này Lohita em thân, chớ có ham đồ ăn ấy! Con heo này ăn đồ ăn ngon để chờ chết. Với mục đích dọn món ngon đãi khách đến dự ngày đám cưới của cô gái, nên họ mới nuôi con heo này. Vài ngày nữa, những người ấy sẽ đến, họ cột chân con heo, kéo nó ra khỏi chuồng, chấm dứt mạng sống của nó và sẽ làm thành món ăn cà-ri đãi khách!

Nói xong, Bồ-tát đọc kệ này:

Chớ ham Mu-ni-ka, Nó ăn để chờ chết, Ít dục, hãy ăn rơm, Do vậy thọ mạng dài.

Rồi không bao lâu, những người ấy đến. Họ giết Munika và nấu nó thành nhiều món ăn. Bồ-tát nói với em Lohita em:

– Này em thân, hãy xem Munika!

– Thưa anh, em đã thấy kết quả món ăn của Munika. Trăm lần ngàn lần tốt hơn món rơm của chúng ta, món ăn tối thượng, không có tai hại, là tướng của mạng sống lâu dài.

Bậc Ðạo Sư nói:

– Này Tỷ-kheo, như vậy, trong thời quá khứ, vì thiếu nữ này, ông đã mạng chung và làm thành món ăn cho nhiều người!

Sau khi nói lên pháp thọai này, bậc Ðạo Sư giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị tham dục chi phối chứng quả Dự lưu. Bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân:

– Khi ấy, con heo Munika là Tỷ-kheo bị tham dục chi phối, người thiếu nữ trong hai mẫu chuyện là một. Lohita em là Ànanda, Lohita anh là Ta vậy.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện múa ca

Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo có nhiều đồ vật. Giống như câu chuyện đã được nói đến trong Tiền thân Devadhamma (số 6), bậc Ðạo Sư hỏi:

– Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông có nhiều đồ vật? – Thưa phải, bạch Thế Tôn.

– Vì sao ông có nhiều đồ vật?

Nghe đến đây, Tỷ-kheo ấy phẫn nộ,quăng bỏ y trong, y choàng, đứng trần truồng trước mặt bậc Ðạo Sư và nói:

– Nay tôi sẽ thoát y như thế này!

Mọi người đều nói:

– Ôi, xấu hổ thay!

Tỷ-kheo ấy bỏ chạy rồi hoàn tục. Các Tỷ-kheo ngồi tại Pháp đường, nói về thái độ bất nhã của Tỷ-kheo ấy đã làm trước mặt bậc Ðạo Sư. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:

– Này các Tỷ-kheo, nay các ông ngồi họp tại đây bàn câu chuyện gì?

– Bạch Thế Tôn, chúng con đang nói về thái độ bất nhã của Tỷ-kheo ấy, trước mặt Thế Tôn và giữa bốn chúng, từ bỏ tàm quý đã đứng trần truồng như một đứa trẻ ở làng, bị quần chúng ghét bỏ, vị ấy đã hoàn tục, từ bỏ Giáo pháp!

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện múa ca

Bậc Ðại Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải nay Tỷ-kheo ấy mới không có tàm quý, từ bỏ Pháp bảo. Trong đời quá khứ, kẻ ấy đã từ bỏ vợ báu của mình.

Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện sau đây.

Thuở xưa, trong kiếp thứ nhất, các loài thú bốn chân tôn Sư Tử làm vua, các loài cá tôn cá thần Ànanda, và các loài chim tôn ngỗng trời Suvanna (Kim nga). Con gái vua ngỗng trời Suvanna, một ngỗng trời con rất đẹp, được vua ban cho một ước nguyện. Nàng ước nguyện được một tấm chồng theo sở thích của mình. Vua ngỗng trời làm theo ước nguyện của con, cho tập hợp tất cả loài chim tại núi Tuyết. Từng đàn chim đủ loại như ngỗng trời, chim công, v.v… lũ lượt bay tới tấp, tập hợp trên một cao nguyên bằng đá lớn. Vua ngỗng trời cho gọi con gái đến và nói:

– Con hãy lựa chọn chim chồng mà theo con thích ý!

Nàng nhìn đàn chim, thấy con chim công có cổ đẹp với màu sắc châu báu, có lông đuôi nhiều màu, liền chọn con chim ấy và nói:

– Con chim này sẽ là chồng con!

Ðàn chim vậy quanh chim công nói:

– Này bạn chim công, công chúa này, giữa những đàn chim, đã chọn bạn làm chồng. Hãy vui sướng lên bạn!

Con chim công quá sung sướng nói lớn:

– Cho đến hôm nay, các ngươi chưa thấy sức mạnh của ta!

Rồi giữa các đàn chim, bỏ mất tàm quý, chim công xòe cánh ra, bắt đầu múa và khi múa nó không che thân. Vua ngỗng trời Suvanna xấu hổ nói:

– Con chim này không có tàm khởi lên từ nội tâm, không có lòng quý khởi lên từ bên ngoài, ta sẽ không gả con gái ta cho kẻ đã phá hoại tàm quý!

Rồi vua ngỗng trời nói lên bài kệ giữa đàn chim:

Âm thanh ngươi êm dịu, Lưng người thật đẹp đẽ, Cổ ngươi về màu sắc Chẳng khác ngọc lưu ly, Lông đuôi người xòe rộng, Dài rộng đến một tầm, Nhưng vì ngươi nhảy múa, Ta không cho con gái.

Trước mặt đàn chim ấy, vua ngỗng trởi gả công chúa cho ngỗng trời con. Còn con chim công mất công chúa ngỗng trời, xấu hổ, bay cao, và trốn mất. Vua ngỗng trời cũng đi về chỗ ở của mình.

Bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo không phải nay Tỷ-kheo ấy mới bỏ mất tàm quý, từ bỏ Pháp bảo. Trong thời quá khứ, kẻ ấy đã làm mất vợ báu của mình.

Khi Ngài kể xong pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện, và nhân diện Tiền thân như sau:

– Lúc ấy con chim công là người có nhiều đồ vật. Còn vua ngỗng trời là Ta vậy

Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con chim cút

Câu chuyện này, khi đang du hành ở xứ Ma-kiệt-đà, bậc Ðạo Sư đã kể về lửa rừng bị dập tắt.. Một thời Thế Tôn đang du hành trong xứ Ma-kiệt-đà. Khi đang đi khất thực trong một làng nhỏ ở Ma-kiệt-đà, sau bữa ăn, trên đường trở về với chúng Tỷ-kheo, Thế Tôn thấy một đám lửa lớn bùng lên. Phía trước và phía sau ngài có nhiều Tỷ-kheo. Ngọn lửa tràn đến, lan rộng, tạo thành một màn khói và một màn lửa.

Một số Tỷ-kheo còn là phàm phu, vì sợ chết, liền nói:

– Chúng ta hãy tạo nên một đám lửa đối nghịch tại chỗ ngọn lửa đang cháy, ngọn lửa kia sẽ không cháy lan rộng.

Rồi với ý định này, họ lấy que làm lửa và đốm lửa được nhen lên. Một số Tỷ-kheo khác nói:

– Này Hiền giả, làm gì vậy? Các Hiền giả như những người không thấy mặt trăng đứng giữa hư không, hay vòng tròn mặt trời với ngàn tia sáng mọc lên từ thế giới phương Ðông, hoặc đại dương mà chúng ta đang đứng trên bờ. hoặc các Hiền giả không thấy núi Tu-di khi các Hiền Giả cùng đi với bậc Thượng nhân ở đời này và trên thiên giới. Các Hiền giả không nhìn đến bậc Chánh Ðẳng Giác mà chỉ la: Chúng ta hãy tạo nên một ngọn lửa đối nghịch! Các Hiền giả không biết Phật lực. Chúng ta hãy đi lại gần bậc Ðạo Sư.

Tất cả Tỷ-kheo từ phía trước phía sau đều đi đến gần bậc Ðạo Sư đứng thành một nhóm. Bậc Ðạo Sư cùng với chúng Tỷ-kheo đứng trên một khoảng đất. Các ngọn lửa rừng ầm ầm lan đến như muốn nuốt sống tất cả, nhưng khi lan đến chỗ Như Lai đứng, chúng lan xung quanh, không đến gần hơn mười sáu tầm. Nó không có sức mạnh lan rộng một vùng rộng ba mươi hai tầm (1 tầm = 1,8 m).
Câu chuyện tiền thân Đức Phật: Chuyện con chim cút

Các Tỷ-kheo nói lên lời tán thán đức hạnh bậc Ðạo Sư:

– Ôi đức hạnh của chư Phật! Ngọn lửa vô tri này không có thể cháy lan đến chỗ chư Phật đứng, mà bị dập tắt như bó đuốc cỏ trong nước. Ôi, uy lực của chư Phật thật là kỳ diệu! Bậc Ðạo Sư, nghe câu chuyện của họ, liền nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta có sức mạnh khiến ngọn lửa tắt đi, khi cháy đến chỗ đất này.

Ðây chính là sức mạnh của hạnh chân thật xưa kia Ta đã làm. Chính tại chỗ này, hoàn toàn trong suốt một kiếp, lửa sẽ không đốt cháy. Thần thông này tồn tại suốt một kiếp.

Rồi Tôn giả Ànanda xếp chiếc áo Tăng-già-lê làm bốn thành tấm nệm cho bậc Ðạo Sư ngồi. Bậc Ðạo Sư ngồi kiết già. Chúng Tỷ-kheo đảnh lễ Như Lai, bao vây xung quanh Ngài và ngồi xuống. Các Tỷ-kheo yêu cầu:

– Bạch Thế Tôn, chúng con chỉ biết hiện tại, còn quá khứ bị che kín. Mong Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề cho chúng con.

Theo lời yêu cầu của họ, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

– Thuở xưa, ở nước Ma-kiệt-đà, tại chỗ này, Bồ-tát được tái sanh làm con chim cun cút. Từ cái trứng, con chim con tự mình mổ vỏ và thoát ra, thân hình to bằng trái banh. Cha mẹ đặt nó nằm trong tổ chim, chim mẹ tha đồ ăn về nuôi nó. Tự nó không có sức mạnh để xòe cánh bay giữa hư không, cũng không có sức mạnh giơ chân lên để đi trên đất liền.

Tại chỗ ấy, năm này qua năm khác, lửa rừng thường phát cháy. Trong thời gian này, lửa rừng đang đốt cháy với tiếng gầm thét to lớn. Các đàn chim từ trong tổ bay ra, sợ chết, kêu la, và bay trốn. Cha mẹ Bồ-tát sợ chết, bay trốn bỏ lại Bồ-tát. Bồ-tát nằm trong tổ, ngóc cổ vươn ra, thấy lửa đang cháy lan tới, liền suy nghĩ: “Nếu ta có sức mạnh xòe cánh bay lên hư không, và ta có thể đi đến một chỗ khác; hay nếu ta có sức mạnh giơ chân lên, ta có thể đi bằng chân đến một chỗ khác. Cha mẹ ta, vì sợ chết, đã bỏ ta một mình, đã bỏ chạy để cứu mình. Nay ta không có chỗ nương tựa nào khác. Tự mình không nơi nương tựa, ta phải làm gì đây!”.

Câu chuyện tiền thân Đức Phật

Ngài lại suy nghĩ: “Trong thế giới này, có công đức, thật sự có công đức. Có những vị trong quá khứ viên mãn thành tựu các hạnh Ba-la-mật, ngồi dưới gốc Bồ-đề, chứng Chánh Ðẳng Giác, đầy đủ giới định tuệ, giải thoát, giải thóat tri kiến, thành tựu chân lý, lân mẫn từ bi, nhẫn nhục tụ tập lòng thân ái, bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, những vị Phật Nhất thiết trí. Có những công đức Pháp mà các vị ấy đã chứng đắc. Và ta có được một sự thật: Một tự tánh pháp hiện hữu. Do vậy, ta cần phải niệm các công đức đã được các Ðức Phật quá khứ chứng đắc, nắm giữ tự tánh pháp về sự thật hiện có nơi ta, làm một hạnh chân đẩy lui ngọn lửa, đem lại an toàn cho ta và cho các con chim còn lại”. Do vậy, bài kệ này được nói lên:

Ở đời có giới đức,

Chân thật, tịnh, từ bi,

Chính với chân thật ấy

Ta sẽ làm một hạnh,

Hạnh chân thật vô thượng.

Hạy hướng niệm Pháp lực,

Niệm chư Phật quá khứ,

Dựa sức mạnh chân thật,

Ta làm hạnh chân thật.

Rồi Bồ-tát niệm công đức chư Phật đã nhập Niết-bàn trong quá khứ, nhân danh tánh chân thật hiện có trên tự thân, làm một hạnh chân thật, và đọc bài kệ:

Có cánh không bay được,

Có chân không thể đi,

Cha mẹ đã bỏ ta,

Hỡi lửa, hãy đi lui!

Khi Bồ-tát nói sự thật ấy, ngọn lửa đi trở lui khoảng mười sáu tầm (1 tầm = 1,8 m). Khi trở lui như vậy, lửa không đất cháy khu rừng nó đi ngang qua và được dập tắt tại chỗ ấy, như bó đuốc nhúng vào nước.

Do vậy, bài kệ được nói như sau:

Ta làm hạnh chân thật,

Màn lửa lớn lửa ngọn.

Ði lui mười sáu tầm

Như ngọn đuốc gặp nước.

Trong suốt kiếp này, chỗ ấy không bị lửa đốt chạy, được gọi là thần thông tại trong một kiếp. Như vậy, Bồ-tát đã làm hạnh chân thật, và khi mạng chung, ngài đi theo nghiệp của mình

Bậc Ðạo Sư nói:

– Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta có sức mạnh không cho ngọn lửa cháy đến khu rừng này, mà thời xưa, khi làm chim cun cút con, Ta đã có sức mạnh của một hạnh chân thật.

– Sau khi kể pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, một số người chứng quả Dự lư, một số người chứng quả Bất Lai, một số người chứng quả A-la-hán. BẬc Ðạo Sư, kết hợp hai mẩu chuyện, và nhận diện Tiền thân như sau:

– Thời ấy, cha mẹ của ta hiện tại là cha mẹ ta trong quá khứ, còn vua loài cun cút là Ta vậy.