back to top
28.9 C
Chư Sê
Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Hạnh Nguyện Quán Âm

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Với sự hưng thịnh và phát triển của Đại thừa Phật giáo, giáo lý cứu khổ của đức Phật đã được truyền bá một cách rộng rãi và thể nhập vào cuộc đời, cống hiến cho đời những tinh hoa triết lý, những hạnh nguyện cao đẹp, giúp con người thăng hoa trong cuộc sống và từ bỏ những hận thù, khổ đau để tìm về với suối nguồn giải thoát. Tiêu biểu cho những tinh hoa triết lý hay hạnh nguyện cao cả ấy là hạnh nguyện Quán Âm, đấy cũng chính là những hạnh nguyện, những lý tưởng cao đẹp của người con Phật. Từ ngàn xưa, thuở giáo lý Đại thừa bắt đầu hưng thịnh và phát triển, hình ảnh cũng như hạnh nguyện Quán Âm đã tỏa sáng, chinh phục khối óc và con tim của người con Phật khắp mọi nơi dưới vòm trời Á Đông: từ thung lũng Kashmir phồn thịnh, hay những ốc đảo hoang vắng của xứ Ấn trầm hùng cho đến cung điện Potala ngàn năm tuyết phủ của Tây Tạng huyền bí; từ Phổ Đà Sơn vang vọng triều âm của Trung Hoa rộng lớn cho đến hải đảo Fudaraku của xứ Phù Tang rợp bóng Anh Đào. Ngày nay, hình ảnh và hạnh nguyện ấy đã vượt trùng dương, vươn khỏi vòm trời Á Đông để được kính ngưỡng và tôn thờ khắp nơi trên thế giới.

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê

Hạnh nguyện Quán Âm là gì?

Hạnh nguyện Quán Âm, nếu nói đủ là hạnh nguyện của đức Bồ-tát Quán Thế Âm. Danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm là tên gọi của từ Hán Việt, được dịch từ tiếng Phạn là Bodhisattva Avalokiteśvara. Bodhisattva là danh từ kép của hai từ Bodhi và Sattva. Bodhi là Bồ-đề, tức là giác ngộ. Sattva là hữu tình, tức là chúng sanh. Do vậy, Bodhisattva thường được hiểu là một chúng sanh đã giác ngộ, rồi đem sự giác ngộ ấy hướng dẫn những chúng sanh khác để họ được giác ngộ như mình. Avalokiteśvara thường được dịch là: Quán Âm, Quán Thế Âm, Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại, Hiện Âm Thanh, v.v… trong các danh hiệu ấy, danh hiệu Quán Thế Âm được dùng phổ biến nhất.
Như vậy, Quán Thế Âm Bồ-tát là vị Bồ-tát luôn lắng nghe âm thanh của thế gian, lắng nghe tiếng kêu tha thiết từ tâm khảm của chúng sanh đang chịu nhiều khổ đau trong trần thế để hiện thân cứu độ họ thoát khỏi mọi khổ đau.

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê

Trong tất cả các vị Bồ-tát, Bồ-tát Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát rất đặc biệt, bởi Ngài không phải là vị Bồ-tát bình thường, mà Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Trong kinh Bi hoa cũng như kinh Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi đều dạy rằng: Bồ-tát Quán Thế Âm đã thành Phật từ vô lượng kiếp với danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì hạnh nguyện cao cả của lòng đại từ, đại bi mà Ngài đã thị hiện ở địa vị Bồ-tát để cứu khổ chúng sanh.

Hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Âm

Khi học qua cuộc đời và công hạnh của Bồ-tát Quán Âm, chúng ta sẽ hiểu được rằng hạnh nguyện đầu tiên của Ngài là hạnh lắng nghe. Kinh điển Đại thừa có mô tả rất nhiều về danh hiệu và hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Âm, nhưng chỉ có kinh Lăng Nghiêm là mô tả công hạnh tu tập và sự chứng ngộ của Ngài một cách cụ thể nhất. Trong kinh Lăng nghiêm trực chỉ, Bồ-tát Quán Thế Âm đã trình bày sở chứng của mình với đức Phật và các vị Thánh đệ tử như sau: “Tôi nhớ là hà sa số kiếp về trước, có một vị Phật hiệu là Quán Thế Âm; vị Phật đó dạy tôi muốn vào chánh định thì phải theo nghe-nghĩ-tu (văn-tư-tu). Từ trong nghe, khi trở về tự tánh thì sở duyên biến mất và con đường vào trở nên vắng lặng (sở không có, năng không có chỗ duyên, nên năng vẫn không hiện hữu, ở trong tự tánh vắng lặng). Hai tướng động và tịnh không sinh. Từ từ mà tiến lên như vậy, thì nghe và đối tượng bị nghe đều hết. Nghe đã hết không trụ, thì giác và đối tượng của bị giác đều không khi không giác đã tròn đầy, thì không và đối tượng không đều diệt. Khi sinh và diệt đã mất, thời cảnh tịch diệt hiện ra trước mắt.” 
Hạnh lắng nghe thì ai cũng thực tập được, nhưng để đạt được hạnh nguyện như ngài Quán Thế Âm thì chẳng khác nào đóa Đàm hoa muôn vạn năm mới xuất hiện một lần. Tiến trình tu tập của người con Phật luôn bắt đầu bằng hạnh lắng nghe (văn), rồi đến tư duy (tư), sau đó mới hành trì (tu). Ngài Quán Thế Âm cũng tu tập theo tiến trình ấy, nhưng công hạnh tu tập của Ngài thật cao siêu và thâm áo. Công hạnh ấy vượt lên trên cả hàng Thanh văn và Duyên giác, đó là an trú trong tam muội để chuyển dụng khả năng nghe những thinh trần bên ngoài và trở lại lắng nghe bản thể thanh tịnh tâm của chính mình. Với trí tuệ thâm áo đó, Ngài dứt trừ mọi hình tướng năng, sở của các tướng sanh diệt đối đãi, nhị nguyên, người nghe và âm thanh cũng không còn hiện khởi. Chính trong trạng thái nhất như ấy, tâm Ngài trở nên vắng lặng và sáng suốt, trên thì dung thông với oai lực của chư Phật, dưới thì thấu cảm đến tâm niệm khổ đau của chúng sanh, để ứng thân cứu độ.
Trong Tâm kinh Bát-nhã, đức Phật cũng thuyết minh về công hạnh tu tập của đức Bồ-tát này: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”. Qua sự quán chiếu về ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) bằng trí tuệ siêu việt, Ngài đã trực nhận được thực tướng và tánh của vạn pháp đều là không, hay tánh không của vạn pháp. Nhờ sự quán sát ấy, Ngài đã vượt qua mọi sự khổ ách. Với trí tuệ siêu việt, Ngài không còn thấy sự tách biệt giữa mình và chúng sanh, không một pháp nào có thể tồn tại độc lập. Từ đó, Ngài hiểu thấu được những tâm tư và nguyện vọng của chúng sanh và dắt dẫn họ vượt qua những khổ đau tai ách trong cuộc đời. Đây chính là bản tâm tự tại, tâm vô quái ngại của Bồ-tát Quán Âm.

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê

Công hạnh tu tập lắng nghe và quán chiếu của đức Quán Âm đã thành tựu sở chứng mà các kinh điển thường gọi là “Nhĩ căn viên thông”. Với sở chứng ấy, Ngài đã lấy âm thanh làm tiêu đích trong việc cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sanh. Từ đó danh hiệu của Ngài được mọi người xưng tán là: Nam mô Đại từ Đại bi Tầm thinh Cứu khổ Cứu nạn Linh cảm Quán Thế Âm Bồ-tát.
Hạnh lắng nghe là một công hạnh tu tập vi diệu như thế. Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi, chúng ta chỉ cần lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của những người quanh mình thì đã làm vơi đi nỗi khổ trong tâm họ rồi, huống gì công hạnh cao cả của đức Quán Âm. Một trong những vị Thiền sư nổi tiếng nhất hiện nay là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, những bài pháp của ngài đã cảm hóa được hàng triệu người trên thế giới có thể được cô đọng trong hai từ “hiểu và thương”. Ngài thường dạy rằng, chỉ cần giữ tâm chánh niệm và lắng nghe thôi, chúng ta sẽ giúp được nhiều người vơi bớt những nỗi khổ niềm đau đã chất chứa hàng chục năm trong tâm họ.

Công hạnh tu tập của các vị Bồ-tát cũng xuất phát từ trong vô lượng kiếp, sau khi thành tựu, các Ngài mới ứng thân để cứu khổ độ sanh. Tinh thần siêu việt của Đại thừa phải bắt nguồn từ sự tu tập vững chãi như thế. Trong trào lưu của cuộc sống hiện nay, rất nhiều vị xuất gia chưa có năng lực tu tập vững chãi, lại dấn thân vào đời gọi là cứu độ chúng sanh, nhưng vô tình bị chúng sanh ‘độ’ lại. Tinh thần siêu việt của Đại thừa vô tu, vô chứng, vô sở chấp, vô sở cầu… đã bị những người có tâm giải đãi, trong tâm còn nhiều phiền não, xan tham… nhưng không chịu chọn cho mình một đường hướng tu tập vững chãi, lại mượn tâm niệm ‘độ sanh’, ‘độ tử’ rồi cứ dấn thân vào đời, từ đó làm cho hình ảnh của lý tưởng Đại thừa bị lu mờ, nếu không nói là mai một. Trong kinh Hoa nghiêm, đức Phật cũng dạy rằng: “Quên mất tâm Bồ-đề mà làm các việc thiện, đó là việc làm của ma vương”. Học theo hạnh nguyện Quán Âm, chúng ta phải lắng nghe tự tánh chơn tâm của chính mình. Tiến trình ấy phải bắt đầu bằng sự lắng nghe, rồi tư duy, sau đó dụng công tu tập. Hàng phàm phu như chúng ta chưa thể nào khởi sự tu tập bằng cách lắng nghe tự tánh thanh tịnh tâm được, mà phải lắng nghe và suy tư về những giáo pháp căn bản trong kinh, luật, luận; sau đó mới dần tiến lên lắng nghe những giáo pháp cao siêu để tư duy và hành trì. Có như thế chúng ta mới dần dần tiếp cận được hạnh nguyện lắng nghe bản thể tự tánh, Như lai tạng tâm của chính mình.

Với tấm lòng đại từ đại bi, Bồ Tát Quán Âm hiện ra các ứng hóa thân để cứu độ chúng sanh

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê

Nếu kinh Lăng nghiêm thuyết minh về tiến trình tu tập của Bồ-tát Quán Âm, đấy là nhân hạnh tu tập chính bản tâm của mình, thì kinh Pháp Hoa thuyết minh về quả đức của Bồ-tát Quán Âm. Tức là, sau khi tu tập thành tựu viên mãn, chứng đắc “nhĩ căn viên thông”, với lòng bi ngưỡng, hạnh nguyện cứu đời, Ngài đã thị hiện ra các ứng thân để tùy duyên cứu độ. Theo kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, đức Quán Âm đã thị hiện ra 31 ứng hóa thân là: “1. Thân Phật; 2. Thân Duyên Giác;3. Thân Thanh Văn; 4. Thân Phạm Vương; 5. Thân Đế-Thích; 6. Thân Tự Tại Thiên; 7. Thân Đại Tự Tại Thiên; 8. Thân Thiên Đại Tướng quân; 9. Thân Tỳ-sa-môn; 10. Thân Tiểu vương; 11. Thân Trưởng giả; 12. Thân Cư sĩ; 13. Thân Tể quan; 14. Thân Bà-la-môn; 15. Thân Tỷ-kheo; 16. Thân Tỷ-kheo-ni; 17. Thân Ưu-bà-tắc; 18. Thân Ưu-bà-di; 19. Thân phụ nữ của trưởng giả; 20. Thân Đồng nam; 21. Thân Đồng nữ; 22. Thân trời; 23. Thân Rồng; 24. Thân Dược-xoa; 25. Thân Càn-thát-bà; 26. Thân A-tu-la; 27. Thân Khẩn-na-la; 28. Thân Ma-hầu-la-già; 29. Thân Người; 30. Thân Phi nhân; 31. Thân Thần Cầm Kim Cương.”
Với hạnh nguyện đại từ bi, Quán Âm Bồ-tát đã quán sát tiếng kêu thống khổ của chúng sanh trong đời Ngũ trược, tuỳ căn cơ của chúng sanh mà Ngài ứng thân thích hợp để cứu độ. Có khi hạnh nguyện ấy thị hiện như những nhân vật huyền thoại, nhân vật lịch sử ngay trong cuộc sống đời thường. Chính vì thế mà văn học, sử truyện đã kể lại cho chúng ta những hoá thân từ Quán Âm Bồ-tát như: Quán Âm Diệu Thiện, Quán Âm Thị Kính, Quán Âm Linh Ứng, v.v…
Hạnh nguyện đại từ, đại bi của Ngài cũng được mô tả trong kinh Vô lượng thọ như là một nguồn năng lượng chói sáng, xóa tan bóng tối của vòng đối đãi, nhị nguyên, để lắng nghe những tiếng kêu thống thiết của chúng sanh giữa dòng đời oan nghiệt và ứng thân cứu độ họ thoát khỏi mọi ách nạn. Tuy cảnh giới cứu độ của Ngài là cõi Ta-bà, nhưng tùy theo tâm nguyện chí thành của chúng sanh mà Ngài có thể tiếp dẫn họ về cõi Tây phương Cực lạc thanh nhàn.

Hạnh nguyện Vô úy

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê

Bên cạnh các hạnh nguyện cao quí trên, đức Quán Âm Bồ-tát còn có hạnh nguyện Vô úy. Hạnh vô uý là hạnh không sợ hãi bất kì hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm nào, đó còn gọi là tâm Vô quái ngại hay là hạnh Tự tại của Ngài. Bởi vậy mà ngài Huyền Trang khi dịch các kinh điển thường dịch tên Ngài là Quán Tự Tại, mở đầu Tâm kinh Bát-nhã, ngài Huyền Trang dịch: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát-nhã ba-la- mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…” Bằng trí tuệ Bát nhã siêu việt, đức Quán Âm đã quán chiếu vạn pháp giai không (śunyata). Với sự thể nhập tánh không của vạn pháp, cùng với nguyện lực đại từ bi, công hạnh vô úy, Ngài đã ứng thân dẫn dắt chúng sanh vượt qua mọi tai ương khổ ách trong cuộc đời, đấy chính là năng lực tự tại, là tâm vô quái ngại của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Hạnh nguyện vô úy của đức Quán Âm là một công hạnh cao quí, chúng sanh trong cõi Ta-bà nhờ hạnh nguyện này của Ngài mà được cứu thoát khỏi những hiểm nạn nguy khốn nhất. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Phổ môn, đức Phật nói với Bồ-tát Vô Tận Ý: “Quán Thế Âm Bồ-tát đó ở trong chỗ nạn gấp sợ sệt hay ban cho sự vô uý, cho nên cõi Ta-bà này đều gọi Ngài là vị Thí Vô Uý.”
Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, cũng như kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ đều mô tả 14 năng lực Vô úy của Bồ-tát Quán Âm: 1. Chúng sinh khổ não trong 10 phương thành kính niệm danh hiệu Ngài, liền được giải thoát; 2. Chúng sinh gặp lửa dữ…, lửa không thể thiêu đốt; 3. Chúng sinh bị nước cuốn trôi…, nước không thể nhận chìm; 4. Chúng sinh vào xứ ác quỉ…, ác quỉ không thể làm hại; 5. Chúng sinh gặp đao trượng…, đao trượng liền gãy; 6. Chúng sinh gặp ác quỉ, ác thần…, thì chúng không trông thấy; 7. Chúng sinh bị gông cùm, xiềng xích…, thì xiềng xích được tháo ra; 8. Chúng sinh khi vào đường nguy hiểm…, giặc cướp không thể cướp đoạt; 9. Chúng sinh tham dục…, liền dứt khỏi tham dục; 10. Chúng sinh nóng giận…, liền dứt hết nóng giận; 11. Chúng sinh mê ám…, liền dứt hết mê ám; 12. Chúng sinh muốn cầu con trai…, liền được con trai; 13. Chúng sinh muốn cầu con gái…, liền được con gái; 14. Chúng sinh niệm danh hiệu Quan Âm thì được lợi ích bằng niệm tất cả các danh hiệu khác.

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê
Long Đầu Quán Âm, hóa thân Bồ Tát thực hành hạnh gieo rắc tình thương, ban sự vô úy cho chúng sanh

Quán Âm, Đức Bồ Tát biểu trưng cho tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật

Hạnh Nguyện Quán Âm - Phật Giáo Chư Sê

Quán Âm Bồ-tát có rất nhiều hạnh nguyện cao cả, những hạnh nguyện ấy đã được chính đức Phật và chư Thánh đệ tử ngợi khen trong hầu hết các kinh điển Đại thừa. Những hạnh nguyện ấy luôn là những hạnh nguyện cao đẹp mà người con Phật hướng về. Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, mà hình ảnh cứu khổ tiêu biểu và tuyệt vời nhất có lẽ là hình ảnh của đức Bồ-tát Quán Âm. Với tâm đại từ bi, hạnh nguyện vô uý, cùng với hạnh lắng nghe tầm thinh cứu khổ nạn cho chúng sanh khổ đau giữa cuộc đời oan nghiệt, Quán Âm Bồ-tát đã trở thành biểu tượng bất diệt trong tâm khảm của mọi chúng sanh. Qua tâm niệm độ sanh cứu khổ, qua những hạnh nguyện cao cả tuyệt vời đã cho chúng ta hiểu được vì sao hình tượng của Quán Âm Bồ-tát được mọi người con Phật kính ngưỡng phụng thờ khắp mọi nơi trên thế giới.

Delhi, Ấn Độ 2007
TK. Thích Quảng Phước

5/5 - (2 bình chọn)
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo