back to top
13.7 C
Chư Sê
Chủ Nhật, 5 Tháng Một, 2025

Ý nghĩa tụng kinh Dược Sư và niệm Phật Dược Sư (1)

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Trí tuệ con người phải kèm theo lòng từ bi mới có thể phục vụ lợi ích cho nhân loại. Xây dựng thế giới Tịnh Lưu Ly, Đức Phật Dược Sư phát nguyện phát huy hiểu biết cao nhất để phục vụ cho người dân ở đó được hưởng cuộc sống sung sướng nhất.

Đức Phật Thích Ca cho biết trong thế giới mười phương đều có vô số các Đức Phật. Và Ngài giới thiệu cho chúng ta hai vị Phật đặc biệt có duyên với chúng sinh ở Ta bà. Đó là Đức Phật Di Đà ở thế giới phương Tây và Đức Phật Dược Sư ở thế giới phương Đông.

Hai vị Phật Di Đà và Dược Sư cũng phát xuất từ con người như chúng ta, cũng bị vô minh ngăn che, phiền não quấy rầy. Nhưng các Ngài khác chúng ta ở điểm đã chuyển hóa những hiểu biết sai lầm của con người thành hiểu biết đúng đắn hoàn toàn và chuyển đổi những việc làm xấu trở thành công đức, cũng như đã phát huy được ba nghiệp thân khẩu ý đến mức thanh tịnh hoàn toàn, sáng suốt trọn vẹn và thành tựu nhiều việc làm lợi ích cho cuộc đời. Những thành quả tuyệt vời như thế trên bước đường hành Bồ tát đạo mới tạo thành quả vị Phật của Đức Di Đà và Đức Dược Sư.

Phật Thích Ca đến thành Quảng Nghiêm, nói kinh Dược Sư dưới cây Tiếng Nhạc là cây Thông. Phật thuyết pháp trong rừng thông, gió lay động làm tiếng thông reo, người có tâm thanh tịnh cảm nhận như là tiếng nhạc Trời.

Kinh Dược Sư (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

02

Thành Quảng Nghiêm là tên khác của thành Tỳ Da Ly, nơi Phật đã thuyết kinh Duy Ma. Đây là thành phố tương đối văn minh, sạch đẹp, con người và thiên nhiên sống hài hòa với nhau. Đức Phật đưa đại chúng đến thành phố an vui, để nói việc vui; Phật thuyết pháp tùy duyên là như thế.

Đến thành Quảng Nghiêm, một cảnh vui tươi, an lạc, khác với cảnh chết người của thành Vương Xá, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hỏi Phật về Tịnh độ của các Đức Phật; nói cách khác, ngoài thành này còn có thành nào tốt đẹp hơn nữa hay không.

Đức Phật trả lời rằng từ đây hướng đến phương Đông cách mười muôn ức cõi nước chư Phật, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly. Giáo chủ cõi này là Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai. Khi còn tu hạnh Bồ tát, Ngài có mười hai lời nguyện, để cứu giúp mọi người có được cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp nhất.

Đức Phật đã giới thiệu thế giới Tịnh Lưu Ly cách chúng ta rất xa, xa đến mười muôn ức thế giới và cũng đẹp như thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà. Tuy nhiên, hai thế giới này có hai mô hình khác nhau, có cách trang nghiêm khác nhau; vì môi vị Phật có tâm nguyện, hạnh nguyện khác nhau, tức nhân địa tu hành Bồ tát đạo của hai vị này khác nhau. Tuy nhiên, dù khác thế nào chăng nữa, thế giới của các Đức Phật cũng đều hoàn toàn tốt đẹp.

Đức Phật Dược Sư xây dựng thế giới Tịnh Lưu Ly trên căn bản của 12 lời nguyện, trong đó cũng có những nguyện giống với 48 nguyện của Đức Phật Di Đà.12 lời nguyện này để ứng vào hoàn cảnh xã hội và yêu cầu của mọi người ở Ta bà. Chúng ta còn nhớ Đức Phật Thích Ca xưa kia phát Bồ đề tâm hành Bồ tát đạo, tình thương của Bồ tát rất lớn và đối tượng của tình thương đó là chúng sinh đau khổ vô cùng. Thấy chúng sinh khổ thì thương, nhưng khả năng còn giới hạn, làm sao cứu được. Đức Phật Thích Ca cũng nguyện thành Vô thượng Đẳng giác, nghĩa là có đầy đủ khả năng cứu giúp, mới trở lại độ chúng sinh. Phật Dược Sư cũng phát nguyện như vậy và 12 lời nguyện của Ngài rất thực trong cuộc sống.

Nguyện thứ nhất, Đức Dược Sư phát nguyện chứng được Vô thượng Bồ đề là đạt được trí tuệ tột đỉnh để giúp cho mọi người hết khổ, được an vui và họ biết phục vụ lại người khác. Vì Ngài biết rõ tất cả chúng ta đều có khả năng mang an vui, hạnh phúc cho mình, cho người; nhưng vì thiếu trí tuệ, bị vô minh ngăn che, nên không thể giải thoát, không làm được việc lợi ích cho đời.

Thời Phật Dược Sư xa xưa vậy mà Ngài đã biết được lợi ích vô cùng của trí tuệ. Ngày nay chúng ta dễ dàng nhận thấy sức mạnh của con người không bằng con hổ, con voi, nhưng khống chế được chúng nhờ trí tuệ.

Và thời hiện đại là thời văn minh khoa học, cũng do trí tuệ loài người được phát huy cao, nên tạo ra được những tiện nghi tốt đẹp cho cuộc sống của con người. Nhưng loài người phát huy trí tuệ mà không có tình thương chỉ đạo, không hướng đến việc phục vụ con người một cách tốt đẹp, mà lại gây ra đau khổ rất nhiều cho chính con người và cho muôn loài. Thí dụ con người tìm ra nguyên tử năng là sức mạnh lớn nhất, nhưng không sử dụng để phục vụ hoàn toàn cho con người; trái lại, dùng nó để giết người. Điển hình là hàng triệu người chết vì bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật Bản. Hoặc trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ cũng sử dụng vũ khí hiện đại là chất độc da cam, khiến cho chiến tranh chấm dứt đã qua nhiều năm mà vẫn còn để lại hậu quả thật là thảm khốc cho nhiều người.

Trí tuệ con người phải kèm theo lòng từ bi mới có thể phục vụ lợi ích cho nhân loại. Xây dựng thế giới Tịnh Lưu Ly, Đức Phật Dược Sư phát nguyện phát huy hiểu biết cao nhất để phục vụ cho người dân ở đó được hưởng cuộc sống sung sướng nhất. Thế giới Cực Lạc của Đức Phật Di Đà cũng vậy. Đó là hai mô hình thế giới văn minh của Phật chỉ có tình thương và xây dựng hạnh phúc tối đa cho người dân; ở Tịnh độ đó không có ác độc, nguy hiểm, giết người, đói khát, bệnh tật, đau khổ, v.v… như thế giới văn minh của loài người ngày nay thường hủy diệt mạng sống của con người và các loài hữu tình khác, cũng như gây ra vô số bệnh tật quái ác, tạo ra những rủi ro vô cùng, hiểm nguy vô tận.

Ý nghĩa danh hiệu Đức Phật Dược Sư và 12 đại nguyện

Còn tiếp. 

5/5 - (1 bình chọn)
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo