Hiện nay có nhiều cư sĩ Phật tử đi chùa tu tập, niệm Phật ngồi thiền nghe pháp, cảm thấy vơi bớt khổ não, tâm được an lạc thì muốn vào chùa tu luôn, không muốn về nhà, bỏ bê công việc, lơ là trách nhiệm với gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái…tạo ra dư luận không đẹp cho Phật giáo.
Phật dạy người cư sĩ Phật tử có gia đình vợ chồng con cái cha mẹ, trước tiên phải làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình với gia đình, nghĩa vụ với xã hội, đất nước, trách nhiệm với công việc….Tu tập hoàn thiện mình ngay trong khi làm tròn các trách nhiệm bổn phận đó. Vì dụ vừa nấu ăn vừa niệm Phật; vừa làm việc nhà vừa trì chú Đại Bi…
Nếu mình chỉ lo đi chùa tham gia các hoạt động ở chùa mà lơ là trách nhiệm với gia đình là trái lời Phật dạy.
Trong kinh Bốn ơn lớn, đức Phật dạy ta làm người phải luôn ghi nhớ bốn ân lớn: Ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước, ơn chúng sinh đồng bào.
Ngoài những bổn phận trách nhiệm nghĩa vụ đã nói người Phật tử sắp xếp thời gian tu tâm dưỡng tính, hộ trì Tam Bảo, học hỏi Phật pháp, làm phước bố thí, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, sám hối. Nhằm tăng trưởng trí tuệ phúc đức, định lực tiêu trừ nghiệp chướng, sửa đổi lỗi lầm, nâng cao phẩm chất đạo đức giá trị làm người.
Tu trong đời sống hằng ngày
Cụ thể người Phật tử mỗi ngày tùy theo điều kiện bản thân hãy thực hành các điều sau:
– Làm một việc thiện, việc tốt, giúp người, để tăng trưởng phúc đức, quảng kết duyên lành với mọi người. Lượm một cục gạch giữa đường kẻo người ta bị vấp té cũng là thiện/ nói một lời an ủi lúc người ta đau khổ là thiện.
– Lạy Phật 3 lạy/ 18 lạy để sám hối nghiệp chướng (hoặc 36 lạy / 54 lạy/ 108 lạy, như là một cách rèn luyện sức khỏe, khiêm tốn).
– Tụng một bài kinh, ngắn dài tùy theo thời gian điều kiện công việc như kinh Bát đại nhân giác, kinh Bốn ân lớn, kinh Vô ngã tướng, kinh Phước đức, kinh Từ Bi, kinh Thiện sanh. Hoặc chọn chuyên tụng một quyển kinh như kinh Vô lượng thọ, kinh Địa Tạng, kinh Dược sư, kinh Pháp Hoa, kinh Kim cang. Nếu đã cố gắng mà không đến chùa được vẫn có thể tụng đọc ở nhà.
– Một gia đình Phật tử mỗi buổi tối sau khi ăn uống dọn dẹp xong, cùng nhau lên bàn thờ Phật tụng một thời kinh ngắn/ hoặc tụng chú Đại Bi hoặc ngồi cùng niệm Phật khoảng vài chục phút, chắc chắn gia đình sẽ hòa hợp, con cái ngoan hiền, an vui hạnh phúc hơn nhiều.
– Tọa thiền đếm hơi thở, hoặc niệm Phật khoảng 20 phút để tập trung tâm, tăng ý chí sức mạnh tinh thần. Thiền hành, đi nhẹ nhàng trong sự chú tâm tỉnh giác buông thư.
– Mỗi tháng ít nhất về chùa 2 lần sám hối nghe pháp, hỏi quý thầy, quý cô những thắc mắc trong khi học Phật, thực hành.
– Mỗi ngày buông xả bớt những ý niệm cố chấp, ganh tị, ghét bỏ, hận thù để tâm được an ổn.
– Nên gần gủi thân cân một vị tăng ni có đạo hạnh trí tuệ hướng dẫn chúng ta đi đúng đường.
Cuối mỗi ngày, trước khi ngủ nên xem lại một ngày qua mình đã làm được gì, buông xả những thứ nặng nề, niệm Phật hoặc ngồi thiền tỉnh tâm 10 phút rồi ngủ an lành.
– Có thời gian nên tham gia các khóa tu ngắn hạn để trải nghiệm chân thật lợi ích tu tập.
Nên sắp xếp thời gian cho phù hợp hài hòa giữa cuộc sống công việc và tu tập không để nhập nhằng ảnh hưởng, việc đời, việc đạo chẳng đâu vào đâu.
Quan trọng là không nhầm lẫn giữa cách tu cách sống của người xuất gia tu hành và Phật tử tại gia. Điều này không ít người vướng phải.
Người cư sĩ Phật tử tu tập đúng chánh pháp thì bản thân, gia đình ngày tốt đẹp hơn lên.
Nếu tu tập mà gia đình không êm ấm hoà thuận, đời sống không tốt hơn lên là tu chưa đúng đường, cần điều chỉnh gấp.
Tóm lại, học tu theo đức Phật là cách chọn lựa trí tuệ, giúp ta có hướng đi đẹp trong cuộc đời, tốt cho cả đời sống vật chất và tinh thần; cả trong hiện tại và tương lai:
Mỗi ngày tu
Làm phước thiện
Nghe pháp, tọa thiền
Niệm Phật, lễ sám
Tốt hơn lên.