Điều nghi đầu tiên là khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, đến yết kiến vua Lương Võ Đế, Vua liền hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?
Tổ Đạt-ma bảo:
– Thật không có công đức.
Chính câu nói này khiến nhiều người nghi, không biết tại sao làm những điều đó mà không công đức.
Theo sử ghi: Vua Võ Đế thời đó cất mấy trăm ngôi chùa, độ Tăng tu hành rất đông, thiết trai bố thí và chính nhà Vua giảng được kinh.
Như vậy Võ Đế cho rằng những việc làm ấy là đầy đủ công đức, nhưng không ngờ khi hỏi Tổ, Tổ bảo:
Không công đức.
Đó là tạt một gáo nước lạnh vào mặt Võ Đế, nhà Vua nản quá không thiết nói chuyện nữa.
Cho và nhận đều trong sạch phước đức mới đủ đầy
Vì thế đang đêm Tổ phải lén bỏ đi qua nước Ngụy, đến chùa Thiếu Lâm, ngồi trong động đến chín năm…
Nhắc lại câu Tổ Đạt-ma trả lời vua Lương Võ Đế, người học Phật chúng ta không ai không nghi ngờ, cất chùa, độ chư Tăng tu hành, làm nhiều việc phước mà Tổ bảo không công đức.
Thật là vô lý!
Khi làm các việc như vậy, các chùa thường bảo là công đức vô lượng vô biên, vì sao Tổ Đạt-ma lại nói không công đức?
Trong phần này Lục Tổ giản trạch:
Công đức thuộc về nội tâm, không phải ở bên ngoài.
Công đức là do ngộ đạo đạt được Tự tánh, rồi từ tánh khởi dụng, những dụng ấy gọi là công đức.
Còn phước đức là do việc làm bên ngoài mà được, như cúng dường, bố thí v.v…
Vua Võ Đế lầm nghĩa phước đức và công đức là một nên Tổ nói không công đức.
Tổ lại nói:
Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy Bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức.
Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ phép là đức; Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, Tâm thể lìa niệm là đức; không lìa Tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức.
Nếu tìm công đức Pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức.
Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh.
Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công, Tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả.
Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.
Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi Tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được.
Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau.
Võ Đế không biết chân lý, không phải Tổ sư ta có lỗi.
Thấy tánh tức là đạt được Bản tánh mình là công, hành hạnh bình đẳng là đức.
Trong tâm không ngô ngã rồi hành những hạnh cung kính mọi người đó là công đức v.v….
Như vậy công đức là nhằm thẳng bản tâm mình, ngộ được tự tánh mình rồi từ đó khởi dụng làm những hành động hợp đạo lý, thuyết pháp độ sanh hay tu các công hạnh, đó gọi là công đức.
Chúng ta ngày nay hay lầm lẫn cho rằng cất chùa, giúp chư Tăng, bố thí cúng dường là lập nhiều công đức và tự hào rằng mình làm công đức vô lượng vô biên cần phải được tán thán, không ngờ làm những việc ấy chỉ là tạo phước đức mà thôi.