Tình yêu và lòng từ bi giống như những điểm yếu trong bức tường của bản ngã, nếu chúng ta khởi thiện tâm và trân trọng nó, tâm của ta sẽ dần được mở rộng.
Trong đạo Phật, thuật ngữ “Bồ-đề tâm” có nghĩa là tâm, trí hoàn toàn rộng mở. “Citta” có thể hiểu là tâm hoặc trí; “bodhi” có nghĩa là tỉnh thức. Việc nuôi dưỡng trái tim rộng lượng và Bồ-đề tâm là một hành trình của riêng mỗi người.
Cuộc sống mà chúng ta có là nền tảng của mọi hoạt động; Cuộc sống mà chúng ta có cũng chính là con đường đi đến giác ngộ. Việc học giải thoát không giống với “nấu ăn” – rằng chúng ta sẽ nhận được thành quả sau khi cắm cúi làm theo công thức. Thực tế là khi nói đến việc đánh thức tâm và trí, chúng ta không thể “làm đúng” vì nó vốn dĩ “không có sở đắc”.
Trong hành trình này, chúng ta đang hướng về điều gì đó không chắc chắn, không thể bị ràng buộc, một điều gì đó không theo quán tính hoặc bất di bất dịch. Chúng ta đang tìm tới một cách suy nghĩ và cảm nhận hoàn toàn mới, theo chiều hướng linh hoạt và cởi mở để nhận thức rằng “thực tế không dựa trên sự chắc chắn và an toàn”.
Cách nhận thức này phụ thuộc vào việc kết nối năng lượng sống của ta với mọi thứ xung quanh. Bồ-đề tâm là phương tiện mà chúng ta dùng để khai thông nguồn năng lượng thức tỉnh này và chúng ta có thể bắt đầu bằng cách khơi gợi cảm xúc của mình. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách kết nối trực tiếp với những gì chúng ta đã có.
Bồ-đề tâm phát khởi khi tâm ta thanh tịnh, khi chúng ta cảm nhận được sự biết ơn, trân trọng hay yêu thương dưới mọi hình thức. Trong bất kỳ khoảnh khắc lắng dịu hay hạnh phúc nào, Bồ-đề tâm luôn có mặt. Nếu ta ý thức về sự hiện hữu của những khoảnh khắc này và trân trọng chúng, nếu ta bắt đầu nhận ra rằng chúng đáng quý đến nhường nào, thì dẫu chỉ thoáng qua trong phút chốc hay vừa nhen nhóm, tâm từ cũng sẽ ngày một lớn thêm. Khả tính thương yêu của chúng ta là cái không thể hạn lượng mà nếu được nuôi dưỡng, nó sẽ rộng mở đến khôn cùng.
Bồ-đề tâm cũng có sẵn trong các cung bậc cảm xúc khác – ngay cả những cảm giác khó chịu nhất như giận dữ, ghen tỵ, đố kỵ và oán giận. Ngay cả khi ta đau đớn và tê liệt nhất, Bồ-đề tâm vẫn sẵn có với chúng ta. Chỉ cần chúng ta nhìn nhận chúng với trái tim và tâm hồn rộng mở cũng như cảm nhận chúng được chia sẻ với tất cả chúng ta như thế nào – khi chúng ta nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều đang ở trên cùng một con thuyền và có cùng chung một nỗi đau.
Ở giữa bao khổ đau sâu sắc nhất, chúng ta có thể nghĩ đến những ai cũng đang giống như mình và nguyện ước rằng tất cả chúng ta có thể vượt thoát đau khổ và những gốc rễ của đau khổ. Khi chúng ta điều chỉnh và nhận thức được bất kỳ cảm xúc nào của bản thân, lúc đó chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn và xóa tan những rào cản mà chúng ta đã vạch ra giữa ta và người.
Mùa đông trên đảo Cape Breton, nơi tôi sống ở Nova Scotia, mặt hồ đông cứng lại đến nỗi mọi người có thể lái xe tải và ô-tô trên đó. Alexander Graham Bell từng điều khiển một trong những chiếc máy bay đầu tiên trên những lớp băng như thế và sự chắc chắn của nó là điều không thể phủ nhận. Những thói quen và khuôn mẫu của chúng ta cũng như những lớp băng đó vậy. Nhưng khi mùa xuân đến, băng trên hồ tan chảy. Bản chất thực của nước chưa bao giờ biến mất, thậm chí vào những ngày băng giá nhất của mùa đông, nó chỉ thay đổi hình thức. Khi băng tan, nước vẫn lại là nước.
Bản chất của thiện tâm và Bồ-đề tâm cũng tương tự. Nó vẫn là nó, kể cả khi nó trở nên cứng chắc đến mức chúng ta có thể “đáp máy bay” trên đó. Vào những lúc tôi đang ở giữa đêm đông lạnh giá và không gì có thể làm tan chảy trái tim và tâm trí đã đóng băng của tôi. Tôi nhớ lại rằng dù băng có cứng đến đâu thì Bồ-đề tâm với bản thể như nước vẫn không bao giờ biến đi đâu cả. Nó luôn ở ngay đây. Vào những khoảnh khắc như vậy, tôi đang trải nghiệm Bồ-đề tâm ở trạng thái vững chắc, bất động nhất của nó.
Tại thời điểm đó, tôi thường nhận ra rằng tôi thích sự uyển chuyển vốn có trong mọi trạng huống hơn là sự cứng nhắc mà tôi thường áp đặt cho chúng. Vì vậy tôi bắt đầu tạo ra nhiều nhiệt lượng hơn bằng trái tim cởi mở hơn để làm tan chảy sự cứng nhắc đó. Trong đó có một cách để bất kỳ ai trong chúng ta cũng làm được điều này là nghĩ về một người mà chúng ta cảm thấy trân trọng, yêu thương hoặc biết ơn.
Nói cách khác, chúng ta kết nối với những gì ấm áp mà chúng ta đã có. Nếu chúng ta không thể nghĩ về một người nào đó, chúng ta có thể nghĩ về một thú cưng, hoặc thậm chí là một cái cây. Để làm được việc đó, đôi khi chúng ta phải dụng công một chút. Nhưng như Trungpa Rinpoche thường nói, “Mọi người đều yêu thích điều gì đó. Ngay cả khi đó chỉ là những cái bánh ngô”. Vấn đề là phải nhận ra Bồ-đề tâm của chính mình và nuôi dưỡng nó.
Đôi khi, chúng ta phải tìm một tình huống hoặc một người nào đó để khiến cho lòng từ bi tự biểu lộ. Lòng từ bi là cách ta quan tâm đến người khác và chia sẻ nỗi đau của họ. Nó không xuất phát từ sự thương hại hay sự thông cảm hời hợt, mà dựa trên việc thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có chung những nỗi đau. Lòng từ bi là mối quan hệ bình đẳng. Vì vậy trong bất kỳ thời điểm khó khăn nào, chúng ta đều có thể phát khởi lòng từ bi của mỗi chúng ta đối với tất cả mọi người và mọi loài, nó sẽ giúp chúng ta vượt qua những biên kiến của bản thân.
Tình yêu thương và lòng từ bi là điểm yếu giúp tạo lỗ hổng nhằm phá vỡ bức tường bản ngã. Khởi phát lòng từ bi trong từng khoảnh khắc sẽ giúp chúng ta cởi mở với nhiều thứ hơn. Tập điều chỉnh ngay trong những cảm xúc nhỏ nhặt nhất và trân trọng lòng biết ơn cũng khiến chúng ta nhẹ nhàng hơn. Nó cho phép chúng ta chạm vào cốt lõi thâm sâu nhất của Bồ-đề tâm ở ngay chốn này.