So với các chế độ ăn khác, chế độ ăn chay thuần thực vật có nhiều lợi ích vì chúng chứa ít chất béo, calo và cholesterol, đồng thời có hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cao. Tuy nhiên, nếu ăn chay không đủ dinh dưỡng sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu.
Do đó, người ăn chay cần cẩn thận cân bằng chế độ dinh dưỡng và bổ sung nguồn thực phẩm thay thế phù hợp.
Dưới đây là một vài gợi ý về nguồn thực phẩm có thể giúp người ăn chay ngừa nguy cơ thiếu máu.
Đậu trắng: Đậu trắng là nguồn cung cấp sắt và protein dồi dào. Trong khi protein giúp duy trì sự phát triển cho tế bào thì sắt rất cần cho quá trình tổng hợp huyết sắc tố, giúp vận chuyển ô xy cho các mô và cơ quan trong cơ thể. Do đó, thường xuyên ăn đậu trắng sẽ giúp người ăn chay đẩy lùi nguy cơ thiếu máu. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin C vào bữa ăn có thực phẩm chứa sắt sẽ giúp cơ thể hấp thụ vi chất này tốt hơn.
Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc là bữa ăn nhanh, tiện lợi, không chỉ giúp cơ thể no lâu, mà còn là nguồn cung cấp các vitamin như A, D, B6, B12… và sắt, giúp ngừa nguy cơ thiếu máu. Hiện nay, trên thị trường đã có những loại ngũ cốc tăng cường sắt, có thể cung cấp gần như đầy đủ nhu cầu một người cần trong ngày. Tuy nhiên, một vài loại ngũ cốc bán sẵn có thể chứa nhiều đường, dễ gây béo phì. Do đó, mọi người nên kiểm tra kỹ thành phần dinh dưỡng của sản phẩm trước khi mua.
Cải bó xôi: Cải bó xôi còn có tên gọi khác là rau bina hay rau chân vịt, là nguồn thực phẩm giàu chất sắt. Mọi người có thể ăn cả rau sống (làm salad, xay sinh tố…) hoặc nấu chín. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc ăn rau nấu chín sẽ giúp cơ thể dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng hơn.
Ngoài cải bó xôi, những loại rau có lá màu xanh đậm khác như bông cải xanh, cải Brussels, cải kale (cải xoăn), cải thìa… cũng là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào.
Các loại hạt: Các loại hạt là nguồn thực vật giàu chất sắt cần có trong chế độ ăn uống của người ăn chay. Các loại hạt cũng chứa một lượng lớn protein thực vật, chất xơ, canxi, magie, kẽm, selen, chất chống oxy hóa và là nguồn cung cấp folate dồi dào, có thể cải thiện sự hấp thu sắt.
Trong các loại hạt, hạt dẻ cười là một món ăn nhẹ giàu chất sắt nhưng không chứa nhiều calo như các loại hạt khác. Hạt bí ngô sống rất giàu chất sắt với hơn 2mg sắt trong một chén hạt bí ngô nguyên chất.
Đậu hũ: Đậu hũ được làm từ đậu nành, cũng là loại thực phẩm rất giàu chất sắt. Không giống như thịt, đậu hũ là một nguồn protein ít calo, ít chất béo và phù hợp với người ăn chay. Ngoài ra, đây cũng là loại nguyên liệu linh hoạt, có thể dùng thay cho thịt và chế biến theo nhiều cách khác nhau.