Nhận thức được lợi ích từ việc ăn chay đối với đời sống cá nhân lẫn môi trường – xã hội, không ít bạn trẻ đã theo đuổi hành trình ăn chay trường từ tuổi mười tám, đôi mươi.
Trước khi nghiêm túc bước vào khuôn khổ ăn uống mới, Phan Trung Kiên (quê Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tích cực tìm xem nhiều sách, tài liệu nghiên cứu, video… liên quan việc dung nạp hoàn toàn thực vật vào cơ thể trong thời gian dài.
Giải pháp cân bằng cuộc sống
Kiên muốn thực hiện việc ăn chay một cách kiên trì chứ không phải chạy theo phong trào nhất thời. Với tâm thế chủ động góp nhặt kiến thức và chuẩn bị chu đáo, anh an tâm rằng chuyện ăn chay trường không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Xác định rõ mục tiêu, cách thức để phù hợp bản thân (cân đối dinh dưỡng, chế biến hợp lý…) nên Kiên tiếp cận chuyện ăn chay một cách tự nhiên, nhanh chóng thành thói quen thường ngày. Bắt đầu ăn chay từ năm 2021, đến nay nhìn lại, Kiên hoàn toàn hài lòng với quyết định ấy. Nhờ biết lắng nghe cơ thể và thấu hiểu nhu cầu của mình, anh cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.
“Trong giai đoạn sức khỏe xuống cấp, tôi tìm đến việc ăn chay như một giải pháp giúp mình vượt qua các vấn đề đáng lo ngại. Qua thời gian, kết hợp giữa ăn uống và rèn luyện thể chất, tôi hết trăn trở về chứng viêm da cơ địa, rối loạn chức năng gan. Giờ đây, sức bền của tôi được nâng cao, sắc mặt tươi tắn” – Kiên cho biết. Anh vừa hoàn thành một giải chạy với cự ly 21 km, chinh phục bộ môn bơi lội với quãng đường 5,5 km.
Với Nguyễn Văn Hào (quê Cần Thơ) thì ấn tượng về chuyện ăn chay đã hình thành từ năm 2015, khi anh theo cha đến một đạo tràng – nơi có hoạt động tu tập, thực hành tôn giáo và giảng dạy Phật pháp. Anh bị thu hút bởi ở đây toàn người ăn chay, ai cũng có phong thái thanh nhã, ăn nói từ tốn. Anh tìm hiểu, xúc động nhận ra bao giá trị thiết thực và chính thức đi theo con đường ăn chay, sống xanh từ năm 2016.
Qua hành trình ăn chay, Hào ngày càng điều hòa tâm tính, làm chủ cảm xúc, điềm tĩnh, thấu đáo. Anh cảm thấy nội tâm và tinh thần càng tinh tế, phong phú càng được nhiều người yêu quý và tin tưởng, thêm thuận lợi trong sự nghiệp.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Thu Quyên cho hay các thành viên gia đình cô đều ăn chay trường. Năm cô lên 8 tuổi, anh trai trình bày ý định với gia đình muốn được ăn chay. Cha Quyên lúc ấy gợi ý với con gái, vì tò mò nên cô cũng tập ăn chay. Cô gái quê Long An này cho biết mỗi ngày cô cắt khẩu phần thịt và ăn nhiều rau. Vì cô cũng thích ăn rau nên mọi thứ thật nhẹ nhàng.
“Thời học nội trú tiểu học, mỗi buổi trưa, tôi được anh trai đem cơm chay đến trường. Lúc ấy, bè bạn và thầy cô khá ngạc nhiên vì ở lứa tuổi đó, hiếm đứa trẻ nào lựa chọn ăn chay. Khi tôi còn ăn mặn, cha lầm tưởng con gái bị suy dinh dưỡng do rất ốm yếu. Khi chuyển sang ăn chay thì cơ thể tôi phát triển tốt, vượt ngoài mong đợi” – Quyên nhớ lại.
Duy trì động lực sống xanh, ăn lành
Gia đình Nguyễn Thị Thu Quyên kinh doanh tiệm cơm chay đã gần 10 năm. Cô đã nghiên cứu kỹ lưỡng để làm sao thật sự cân bằng dinh dưỡng, tránh thừa chất này hoặc thiếu chất kia.
Do dành thời gian ưu tiên cho công việc và học tập, Nguyễn Văn Hào đã trang bị sẵn danh sách các “món tủ” như: salad dầu giấm, salad ngó sen, đậu hũ kho nấm. Anh ưu tiên các loại hạt điều, óc chó…, vừa tiện lợi trong khâu chế biến hằng ngày vừa bảo đảm duy trì đủ chất.
Với Phan Trung Kiên, là người làm việc trong lĩnh vực đào tạo về thể chất, anh thật sự quan tâm đến màu sắc thực phẩm và các nhóm chất khi nạp vào cơ thể. Khoa học đã chứng minh chế độ ăn giàu đạm thực vật rất có lợi cho thể trạng. Các chất như canxi và magie có rất nhiều trong rau xanh; các loại vitamin và khoáng chất rất dồi dào trong trái cây…
Theo Kiên, ăn chay không phải là đáp án chung cho bài toán sức khỏe của mọi người. Điều quan trọng là mỗi cá nhân tự tư duy, trải nghiệm và tìm hiểu để có chế độ ăn uống kết hợp lối sống điều độ. Anh nhìn nhận: “Ăn chay là cách đơn giản nhưng hữu hiệu nhất mà tôi có thể làm để góp phần thể hiện trách nhiệm đối với môi trường và xã hội. Tôi tin là càng nhiều người sống xanh, ăn lành thì càng tạo hiệu ứng tích cực lên ngôi nhà chung – trái đất của chúng ta”.
Nguồn: Báo Người Lao Động