Bậc thiện không làm hại…,
Câu chuyện này, tại một làng nhỏ ở Kosala, bậc Ðạo Sư đã kể về người làm hại vườn. Theo truyền thuyết, bậc Ðạo Sư đang bộ hành giữ dân chúng nước Kosala, đến một ngôi làng nhỏ. Tại đây, một người điền chủ thỉnh đức Như Lai, vào ngồi trong vườn của mình, cúng dường chúng Tăng với Ðức Phật là vị dẫn đầu, và thưa:
– Bạch Thế Tôn, chư vị có thể đi kinh hành ở trong vườn này tùy theo sở thích.
Các Tỷ-kheo đứng dậy, cùng với người giữ vườn đi dạo trong vườn, thấy một khoảng đất trống, liền hỏi người giữ vườn:
– Này nam cư sĩ, trong vườn này, các chỗ khác có cây cối rậm rạp, nhưng tại chỗ này không có cây, cũng không có bụi cây. Vì lý do gì vậy?
– Thưa các Tôn giả, khi vườn này được trồng cây, một đứa trẻ ở làng tưới cây tại chỗ này, nhổ rễ các cây non lên, rồi tùy theo lượng rễ cây mà tưới nước nhiều hay ít. Các cây non ấy bị héo và chết. Vì lý do ấy, chỗ này thành trống không.
Các Tỷ-kheo đi đến bậc Ðạo Sư, báo cáo câu chuyện. Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đưùa trẻ ở làng không phải chỉ nay mới là kẻ làm hư vườn. Thuở trước, nó cũng là kẻ làm hư vườn.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
Thuở trước, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, một ngày hội lễ được tổ chức ở Ba-la-nại. Bắt đầu từ khi nghe tiếng trống lễ hội, toàn thể dân chúng trong thành ào ra tham dự. Lúc bấy giờ, trong vườn nhà vua có nuôi rất nhiều khỉ. Người giữ vườn suy nghĩ: “Thành phố vui chơi lễ hội, ta sẽ bảo những con khỉ này tưới nước, còn ta sẽ đi chơi lễ hội”. Anh ta đến con khỉ đầu đàn và hỏi:
– Này bạn khỉ chúa, vườn này đã giúp đỡ các bạn nhiều. Các bạn ở đây ăn hoa, trái và đọt non. Thành phố hôm nay đang vui chơi lễ hội. Ta sẽ đi dự hội. Cho đến khi ta về các bạn có thể tưới nước giúp các cây non trong vườn này không?
– Lành thay, chúng tôi sẽ tưới.
– Vậy các bạn hãy cẩn thận.
Ðể chúng có thể tưới nước, người giữ vườn đưa cho chúng những bao da chứa nước và các thùng gỗ, rồi ra đi. Các con khỉ cầm bao da chứa nước và các thùng gỗ, bắt đầu tưới nước cho các cây non. Con khỉ chúa nói với chúng:
– Này các bạn khỉ, hãy gìn giữ nước. Khi các bạn tưới nước trên các cây non, trước hết hãy kéo những cây ấy lên, xem rễ của chúng như thế nào. Những rễ nào đâm sâu thì tưới nhiều nước vào rễ. Rễ nào không đâm sâu, hãy tưới ít nước. Nếu tưới nhiều nước, chúng ta thật khó tìm thêm nước.
Chúng vâng theo và làm đúng như vậy. Lúc bấy giờ, một người hiền trí thấy các con khỉ ấy làm như vậy trong vườn của vua, liền hỏi:
– Này các bạn khỉ, sao các bạn lại kéo các cây non lên và tươùi nước tùy theo lượng của rễ?
Chúng trả lời:
– Chúa khỉ đầu đàn của chúng tôi khuyên như vậy!
Nghe chúng nói, người hiền trí ấy suy nghĩ: “Ôi! Những kẻ ngu si vô trí, dầu muốn làm điều tốt, lại làm điều có hại!”
Rồi vị ấy đọc bài kệ này:
Bậc thiện không làm hại,
Làm lành đem đến lạc;
Người ngu hại điều lành,
Như khi giết hại trong vườn.
Người hiền trí ấy chỉ trích con khỉ đầu đàn như vậy rồi đem đoàn tùy tùng của mình ra đi.
Bậc Ðạo Sư nói:
– Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ở làng không phải chỉ nay mới là kẻ làm hại vườn. Thuở trước nó cũng đã là kẻ làm hại vườn.
Sau khi bậc Ðạo Sư kể pháp thoại này, Ngài kết hợp hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Khi ấy, con khỉ đầu đàn là đứa trẻ ở làng làm hại vườn. Con người hiền trí là Ta vậy!
Việt dịch: HT. Thích Minh Châu