Một câu hỏi tưởng như không cần thiết, nhưng thật ra là rất cần thiết cho đời sống có ý nghĩa của con người.
Đa phần con người chúng ta sống một đời bôn ba với danh cùng lợi; quay cuồng với lo toan cơm áo gạo tiền; lao theo ngũ dục như những con thiêu thân cho nên ít có thời gian nhìn lại chính mình.
Hãy dừng lại từ dòng tiêu đề, nếu ta không quan tâm đến câu hỏi này, không muốn tìm lại chính mình, vì ai cũng vậy mà, đâu phải mình ta!
Không ít người trong chúng ta sống hết một đời người khoảng 80 năm, vẫn không biết:
Ta là ai?
Ta từ đâu tới?
Ta được sinh ra để làm gì?
Ta sống là vì cái gì? Để làm gì?
Mục đích sống của ta là gì?
Và ta nên sống thế nào mới thật có ý nghĩa?
Tôi là ai mà yêu quá đời này
Những câu hỏi: Tôi là ai? Ta là ai? Chúng ta là ai? Câu hỏi mới nghe tưởng chừng như rất ngớ ngẩn của con người chúng ta từ xưa đến nay, nhưng thật sự là một câu hỏi trí tuệ và rất cần thiết cho mỗi chúng ta.
Với vòng quay đảo lộn và chóng mặt vì lo cái ăn, cái mặc và cái tham đắm sân si trong đời sống hiện nay, chúng ta, hình như không có thời gian để xem lại: Mình thật sự là ai ? Mình sống một đời người là vì cái gì ? mình hiểu biết về bản thân mình được bao nhiêu, hay chẳng hiểu gì cả ? Ta có thể có được hạnh phúc không? cái gì cần làm và cái gì không cần làm? Cái gì thật sự cần thiết góp phần làm cho đời sống của ta an lạc hạnh phúc.
Ôn Như Hầu từng than:
Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra
Ta từ đâu sinh ra? Ta được sinh ra để làm gì? lớn lên, chịu khó học hành vất vả, tốt nghiệp ra trường, tìm việc làm, mong có việc tốt, mong được thăng quan tiến chức, có địa vị, được tôn trọng. Rồi lập gia đình, mong gặp được người tốt, giàu có…rồi tận tâm tận lực kiếm tiền…đối diện với rất nhiều chướng ngại khổ đau, buồn rầu vì mong cầu mà không được, vì bịnh tật, vì tai nạn…rồi đau khổ, trăn trối rồi cuối cùng là chết đi. Quan trong nhất là khi chết đi, ta cũng không mang theo tài sản danh lợi, chỉ có nghiệp chướng là theo sát bên cạnh ta.
Đến chết vẫn không biết rõ là cuối cùng mình sống vì cái gì, chẳng biết thật sự mình là ai? chết rồi mình sẽ như thế nào? chết rồi đi về đâu? Ta là ai, ta là cái gì, sao tìm mãi vẫn không biết.
Những điều thắc mắc này chỉ có đức Phật biết!
Đức Phật trả lời những câu hỏi đó bằng chính sự trải nghiệm của bản thân.
Khi ta được sinh ra trên thế gian này với một cái thân trần vay mượn từ tinh cha huyết mẹ. Ta vốn không mang theo bất cứ thứ gì lại thế gian này. Ta không biết mình từ đâu đến, cũng không chọn lựa được cha mẹ, lớn lên khi nào buồn, khi nào vui mình cũng không làm chủ được, bản thân muốn vui vẻ cũng không được, không muốn buồn, nhưng vẫn phải buồn; không muốn bịnh nhưng vẫn bịnh vẫn đeo đẳng không dứt, không muốn gặp người thù nghịch nhưng lại thường gặp; khi nào bịnh, mình không biết, khi nào chết mình không hay…Mình tự an ủi, ai cũng sống như vậy mà, đâu phải một mình mình.
Cuối cùng, ta là ai ? câu hỏi này, chúng ta hãy chiêm nghiệm, quán chiếu. Ai quán chiếu rõ ràng và thấu đáo điều này, sẽ nhận ra được con người thật của chính ta,
Nhiều người miệng luôn nói rằng: tôi muốn sống thật với chính mình, nhưng họ lại sống theo tập nghiệp, thói quen, cảm xúc nhất thời vốn luôn thay đổi.
Nếu ta sống chỉ vì miếng cơm manh áo, có nhà đẹp có xe sang, có tiền gửi ngân hàng, thì con chim nó cũng đan được cái tổ rất đẹp, nó có thể bay đi tự tại, nó cũng sinh con đẻ cái, nuôi dạy lớn khôn, nó cũng biết tích trữ thức ăn…
Con người có phẩm chất phải có lý tưởng cao đẹp hơn chứ?
Muốn sống thật với chính mình, thì ta phải biết rõ con người thật của mình.
Thông thường đa phần chúng ta sống trong sự lệ thuộc, ràng buộc trong vòng lẫn quẩn cơm áo gạo tiền, sân si ganh ghét hơn thua, so sánh, thù hận…được ta tự lý giải bao biện là: mục đích sinh tồn!
Rồi ta bôn ba tất bật tìm cầu nhiều thứ, rốt cuộc chỉ là phù vân ảo mộng…
Không biết ai đó đã nhắn gửi rằng:
Trăm năm trước thân ta chưa có
Trăm năm sau biết có hay chăng
Cuộc đời sắc sắc không không
Chi bằng hãy sống hết lòng với nhau
Con người thật là con người không bị quy luật vô thường chi phối, không phải là con người do tứ đại hòa hợp có thể bịnh, chết bất cứ lúc nào.
Con người thật chính là Phật tính của chúng ta.
Ai thấu rõ chân tâm, Phật tính, nhận lại con người thật của ta, mới trả lời được câu hỏi: ta, thật ra là ai?
Đúc Phật giác ngộ chân lý, thấu rõ Phật tính trong mỗi người nên nói: tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật, vượt thoát mọi khổ đau trong sáu nẻo luân hồi
Tông chỉ của thiền tông là minh tâm kiến tánh thành Phật. Tức ai thấu rõ Phật tính sẽ thành Phật.Nhận lại Phật tính của ta, sống với tính Phật trong ta, tức là sống chánh niệm, tỉnh giác, trí tuệ, từ bi, tinh tấn, hỷ xả, lương thiện, tử tế, độ lượng, vô ngã vị tha….thì cuộc sống ta mới thật sự có ý nghĩa.
Câu hỏi này, không phải để trả lời, ta là…mà là mỗi người hãy tự tỉnh giác, quay về sống thật với Phật tính của chính mình, hiểu rõ mình hơn, tỉnh giác ngay trong đời sống hàng ngày, phát huy được các đức tính tốt đẹp trong mỗi chúng ta, để tâm ta rộng mở và sáng suốt, mạnh mẽ, giúp đời sống ngày càng tốt hơn, ý nghĩa hơn.
Những người có tuệ căn, thì lý trí để suy luận, chiêm nghiệm, quán chiếu, thiền định để thấu rõ Phật tính, nhận lại con người thật của mình, sống thuận hướng giải thoát từ bi. Ngoài ra, đối với những người chất phác thì một đời người chuyên tụng một bài kinh, một bộ kinh; một đời người chuyên trì một câu chú hoặc một đời người chuyên niệm một danh hiệu Phật, chú tâm chuyên nhất cũng sẽ trả lời được câu hỏi về cuộc đời mình.
Được sinh ra
Già, bịnh, chết
Không biết rõ mình
Ta thật là ai
Hãy tìm nhé.