Hôm nay chúng tôi sẽ nói về những yếu tố để tạo hạnh phúc trong cuộc sống. Phật tử với tâm hướng về Phật pháp, chắc rằng ai cũng mong muốn được an ổn, xây dựng cho mình và gia đình một đời sống thực sự hạnh phúc.
Trong kinh A-hàm kể về một số cư sĩ tại gia có đời sống gia đình tương đối tốt, nên họ nghĩ muốn xây dựng cho gia đình những cư sĩ khác một đời sống hạnh phúc. Do đó họ đến thưa với Phật thế này: “Kính bạch đức Thế Tôn! Kể từ ngày chúng con có duyên học đạo, áp dụng những giáo lý Ngài dạy, chúng con đã gầy dựng được gia đình tương đối êm ấm hạnh phúc. Tuy nhiên bây giờ làm sao để chúng con giữ gìn hạnh phúc lâu dài, đồng thời hướng dẫn những người chung quanh cũng được như thế. Cúi xin đức Thế Tôn rủ lòng từ bi chỉ dạy chúng con phương pháp gầy dựng hạnh phúc ấy”.
Những cư sĩ này hiện đang sống trong điều kiện thuận lợi của thế gian. Bây giờ muốn tu hành, đây không phải là chuyện dễ. Bởi lẽ nhiều công việc, đòi hỏi phải giao tế, tính toan… Do đó nói đến tu e rằng không có thì giờ. Tuy nhiên các vị này cũng biết nếu không tu, không chuẩn bị thì hạnh phúc khó giữ, nên mới trình với đức Phật như thế.
Đức Phật đưa ra bốn điều cho người cư sĩ tu tập để giữ gìn hạnh phúc gia đình lâu dài.
Điều thứ nhất, một Phật tử phải có tinh thần bén nhạy, sáng suốt, có nghề nghiệp vững vàng. Nghề vững thì mới tạo được uy tín, tạo được tài chánh bảo đảm kinh tế cho gia đình. Nếu các vị không có tay nghề hoặc tay nghề không vững, chắc chắn nguồn kinh tế thu thập của gia đình sẽ khó khăn. Nguồn kinh tế khó khăn là bước đầu khiến cho gia đình không được êm ấm hạnh phúc. Bởi kinh tế thiếu thì kéo theo sự thiếu thốn của các nhu cầu khác, tự dưng trong gia đình có những khoảng trống tạo nên sự bất ổn.
Vì vậy điều đầu tiên Phật dạy người Phật tử tại gia muốn bảo đảm được hạnh phúc gia đình, trước nhất phải có trách nhiệm trong gia đình, phải có tinh thần sáng suốt, tháo vát, tay nghề vững vàng. Điều này cũng rất cần thiết cho những Phật tử chuẩn bị lập gia đình. Quí vị phải suy nghĩ gầy dựng sự nghiệp ổn định trước khi lập gia đình, để sau này có gia đình rồi đời sống thoải mái, không bị lúng túng. Có thế cuộc sống mới phấn khởi, hạnh phúc.
Tinh thần bén nhạy nghĩa là tinh nhuệ, lúc nào cũng sáng suốt. Nhờ có tinh thần này nên việc sắp đặt luôn bảo đảm thành công, bảo đảm nguồn kinh tế, bảo đảm được tổ chức gia đình tương đối hòa thuận, trên dưới vui vẻ. Như vậy yếu tố đầu tiên để giữ được hạnh phúc gia đình là tinh thần bén nhạy sáng suốt, các Phật tử không thể thiếu.
Về điểm này, chẳng những đức Phật dạy cho giới cư sĩ tại gia, mà còn dạy luôn cả hàng tu sĩ chúng tôi “Người xuất gia cũng phải tránh tình trạng thiếu bén nhạy và tháo vát”. Đó là tình trạng nghi ngờ, ngủ gục, nóng nảy, tham muốn v.v… Đây là những tâm bệnh, khiến cho việc tu tập không đạt được kết quả, không có niềm vui trong cuộc sống tu hành.
Một việc làm nào dù chỉ tầm thường thôi, cũng đòi hỏi sự khéo léo, sắp đặt tương đối ổn thì mới đạt được kết quả tốt. Như nấu một bữa ăn, nếu không đủ sự kiên nhẫn, không khéo léo dùng thức gia vị thì nồi canh hay nồi kho không lạt cũng sẽ mặn như muối, nồi cơm không sống thì cũng khê. Bởi vì với tinh thần bộp chộp, nóng nảy, làm mà không có sự sắp đặt chu đáo, không chánh niệm thì kết quả như vậy đó.
Người tu càng khó khăn hơn nữa. Trên bước đường hành đạo có rất nhiều trở lực, phần lớn phát xuất từ nội tâm không vững. Khi đối duyên xúc cảnh, gặp những trở lực bên ngoài làm chướng ngại, cộng thêm niềm tin bên trong không vững, không kiên nhẫn thì những trở lực đó sẽ càng lớn hơn, nhất định làm chùn bước chúng ta. Thế nên trong công phu tu hành đòi hỏi mỗi người phải có kinh nghiệm, phải nỗ lực trong sự khéo léo sáng suốt bình tĩnh.
Danh từ “đảm đang” người ta thường dùng cũng rất hay. Ví dụ tu hành như chúng tôi, nếu không tự đảm đang thì hành trình từ lúc phát tâm cho đến ngày thành Phật sẽ gặp nhiều trở lực, người không đủ kiên nhẫn e rằng sẽ bỏ dở nửa chừng. Cho nên trong nhà thiền thường nói, một “việc này” nếu không phải là bậc đại trượng phu e khó đảm đang nổi. Tức muốn nói hành giả chuyên tâm nhất ý vào một việc phát minh tâm địa của mình, thì mới mong thực hiện đến kết quả viên mãn.
Chúng ta còn là phàm phu chưa phải Thánh nhân, nên chưa thể nói hoàn toàn không tham sân si. Nhưng đã biết tu rồi thì có nóng nảy cũng vừa phải thôi, có ham thích cũng vừa phải thôi. Những gì trong tầm tay, mình có thể thực hiện được hãy ham thích. Đừng ham thích quá, không đạt được sở nguyện rồi sanh ra nóng nảy. Người nóng nảy sẽ có những ngôn ngữ, những hành động thô lỗ, không hợp với tư cách của người Phật tử. Vì vậy chúng ta hãy cố gắng điều hòa thân tâm của mình.
Ngoài tinh thần bén nhạy, tháo vát Phật tử còn phải gan dạ nữa. Gan dạ thế nào? Gan dạ chịu đựng, kham nhẫn. Có những điều phải nói, nói rất lớn nhưng ta nhẫn không nói. Điều này khó chứ không dễ đâu. Muốn thế cần phải có công phu tu hành, gan dạ nhận chịu phần thua thiệt cho mình. Cái gan dạ hy sinh cho mình khó lắm. Đôi khi ta hy sinh cho người này người kia được, mà tới hy sinh cho mình lại không được.
Tại sao phải hy sinh cho mình? Tại vì nếu nói một hồi thì mình mệt, không kiểm soát được nữa nên sẽ nói bậy. Nói bậy thì tạo nghiệp không tốt, bị người khinh khi. Bây giờ thương mình, hy sinh cho mình thì đừng nói như vậy nữa. Hơn nữa đang lúc nóng giận rất kỵ nói nhiều. Chờ cho dịu đi, tự nhiên mình nói câu nào nghe cũng êm hết, vì lúc đó tâm đã định trí đã sáng. Còn khi đang nóng thì lửa sân thiêu đốt, tâm trí cháy đen còn thấy biết gì nữa mà sáng, cho nên phát ra lời nói gút mắc, cụt ngủn khiến người nghe có sẵn lửa là lửa bùng lên liền. Giống như đống lửa đang cháy, có người đổ thêm ca xăng vào, tức nhiên nó bùng lên mạnh hơn.
Những điều chúng tôi đã trình bày ở trên là yếu tố thứ nhất để bảo đảm hạnh phúc trong gia đình. Quí Phật tử phải nhớ thực hành.
Người tu không đủ sáng suốt, lúc nào cũng ở trong tình trạng ngầy ngật buồn ngủ. Đây nếu không phải thân bệnh thì cũng là tâm bệnh, khiến cho tinh thần mờ mịt, không đủ sự sáng suốt. Không đủ sự sáng suốt thì không có tinh thần phấn đấu, làm sao đạt được kết quả trong việc tu hành? Vì vậy người tu phải thông minh trí tuệ, bình tĩnh gan dạ mới đủ sức phấn đấu, vượt qua những khó khăn, tiến đến thành công.
Điều thứ hai, Phật dạy người Phật tử tại gia phải biết phòng hộ tài sản gia đình một cách đúng pháp. Vì sao phải phòng hộ đúng pháp? Vì của cải vật chất thế gian Phật thường ví như của năm nhà, đó là của giặc cướp, của nước, của lửa, của vua quan, của con cái phá hoại, rất khó giữ gìn. Vì vậy Phật dạy người Phật tử phải có đủ sáng suốt để bảo hộ, giữ gìn tài sản đúng chánh pháp. Như vậy phải giữ gìn sao đây?
Trước nhất là đối với giặc cướp. Không lẽ của cải gầy dựng bao nhiêu năm, bây giờ cứ mở cửa cho giặc cướp muốn vào lấy gì thì lấy, không thể như vậy được. Cho nên trong gia đình, từ lớn tới nhỏ phải khéo léo gìn giữ. Đã học hiểu Phật pháp nên ta không lệ thuộc tài sản đến nỗi mất ăn mất ngủ nhưng cũng phải biết cách bảo quản để cuộc sống tương đối được yên ổn. Do đó đối với giặc cướp ta nên cẩn thận, tốt nhất là tự giữ gìn, đừng khoe khoang làm dấy khởi lòng tham của chúng.
Kế đến là nước và lửa. Ngoại trừ thiên tai không thể giữ được thì đành chịu, còn thì chúng ta phải dè dặt phòng hộ đối với nước và lửa. Giữ làm sao đừng bị lửa cháy hoặc nước cuốn trôi. Đó là nạn thứ hai, thứ ba.
Thứ tư là giữ đừng cho con cái làm tiêu tan sự nghiệp của mình. Điều này khó lắm, bởi gia đình nào cũng có những đứa con ngỗ nghịch, không xì ke ma túy thì cũng cờ bạc rượu chè… nó phá hoại tài sản của mình tan hoang. Nhiều bậc cha mẹ khổ sở vô cùng mới gầy dựng được chút ít tài sản trong gia đình. Như vừa sắm được chiếc xe cúp không dám đi đâu, vậy mà mấy đứa con lấy xe đi chừng một tuần lễ rồi mất tiêu luôn, không biết thế chấp hay bán quách rồi, lại còn về nhà làm khổ cha mẹ nữa chứ. Bây giờ Phật tử muốn giữ cuộc sống gia đình êm ấm phải khéo giáo dục con cái ngay từ nhỏ. Biết thương yêu, lo lắng, dạy bảo cho chúng theo con đường tốt, có thế sau này lớn lên chúng mới không phá hoại tài sản, làm khổ cha mẹ.
Trong đạo Phật, điều quan trọng Phật dạy là chúng ta phải tự nỗ lực khắc phục, gạn lọc bản thân mình, chính tâm, chính ý để ngôn ngữ và hành động không phạm sai lầm. Như vậy mới bảo đảm được hạnh phúc gia đình. Hàng xuất gia tu hành nhắm thẳng vào một việc này nên mới vào thiền viện, khép mình trong khuôn khổ, để lo gạn lọc thân tâm. Thế nên Phật chế Tam quy Ngũ giới là để tạo điều kiện cho quí Phật tử tu tập, rèn luyện nhân cách con người xứng đáng. Quí vị giữ gìn cấm giới là bước lên những nấc thang để thành tựu nhân cách của mình, giữ đúng tinh thần, phong độ của một người Phật tử tại gia.
Muốn thành Phật, Bồ-tát, trước nhất chúng ta phải hoàn thành nhân cách con người. Cho nên điều cần thiết cho Phật tử tại gia là nhân cách. Quí vị phải khéo léo bảo hộ nhân cách của mình bằng cách thực hành năm giới của Phật dạy. Ví dụ một người thầy giáo mà không có phong thái của một thầy giáo thì làm sao có thể hướng dẫn học trò và dạy dỗ con cái nên người. Như quí vị đến đây nghe pháp, nếu thấy chúng tôi không ra gì thì dù chúng tôi có nói hay tới trời mưa hoa, đá gật đầu, quí vị cũng không tin, có phải không ? Do thấy Tăng Ni là những vị tu hành chân chánh, dám bỏ tất cả mọi thú vui trong cuộc đời, giữ tâm hồn trong sạch tốt đẹp, quí vị mới vững niềm tin nghe theo sự hướng dẫn ấy.
Thứ năm là giữ tài sản không bị nhà nước tịch thu. Muốn thế, Phật tử làm ăn phải chân chánh. Trong Bát chánh đạo có Chánh mạng nghĩa là dùng nghề nghiệp tốt để nuôi mạng sống. Chúng ta thấy ngày nay nhiều người đã vì lòng tham mà đi vào tội lỗi, cuối cùng tài sản bị tịch biên, vợ con khốn đốn mà bản thân chịu cảnh tù đày khổ sở, có khi mất mạng nữa. Đó cũng do lòng tham không đáy mà ra. Cho nên Phật dạy muốn giữ hạnh phúc gia đình phải tránh nạn vua quan tịch thu tài sản, tức là đừng tham lạm chiếm đoạt tài sản của người, hoặc làm các việc phi pháp đến nỗi phải chịu tù tội.
Yếu tố thứ hai của phòng hộ là giữ gìn các căn của mình, tức phòng hộ mắt tai mũi lưỡi thân cho được trang nghiêm thanh tịnh. Phòng hộ tài sản gây dựng được, phòng hộ tình giao hữu bạn bè láng giềng, phòng hộ tâm ý các căn trong sạch, người đó chắc chắn sẽ thành công, sẽ tạo được hạnh phúc đầy đủ ý vị trong đời sống của người Phật tử tại gia. Điều này tôi tin quí Phật tử có thể làm được, bởi vì nó cũng rất bình thường, không phải vượt quá khả năng của mình. Chỉ cần chúng ta bớt tham, bớt sân, bớt si là có thể thực hành dễ dàng.
Ở đây chúng tôi không bảo quí vị phải đến chùa, phải lạy Phật, ăn chay… mà đi thẳng vào nhân cách, việc làm của Phật tử trong đời sống hằng ngày. Thành ra điều kiện thứ hai để gầy dựng hạnh phúc gia đình, quí vị cố gắng suy nghiệm kỹ sẽ thấy rất cần thiết cho bản thân và gia đình, giúp Phật tử cùng nhau thăng hoa trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Điều thứ ba Phật dạy: “Hãy gần gũi với bạn lành, gần gũi với điều thiện”. Điều này nghe bình thường, nhưng cũng khó thực hành cho được trọn vẹn. Nhiều khi trong việc làm ăn giao tế, nếu không khéo mình sẽ bị lợi dụng, hoặc bị thế lực không tốt câu dắt rồi mắc mứu trong đó không ra được. Từ đó về sau mình mất hết tự chủ, hoàn toàn lệ thuộc vào bạn xấu. Điều này Phật tử phải vận dụng đến sự sáng suốt trong giao thiệp, trong quan hệ tình làng nghĩa xóm hoặc ngay trong gia đình bà con ruột thịt cũng vậy, phải có mắt sáng mới được. Nếu không phải là việc tốt, không phải là người tốt, thì chúng ta tránh liên hệ. Bởi vì liên hệ như vậy sẽ làm cho ta trở thành người xấu.
Con người có bệnh yếu đuối, Phật nói chúng sanh sở dĩ bị khổ đau là vì yếu đuối, gây tạo những nghiệp nhân không tốt do không làm chủ được, từ đó phải bị hậu quả khổ đau. Bây giờ muốn đừng yếu đuối, phải làm sao? Phải bình tĩnh, sáng suốt, để đừng bị lung lay bởi bất cứ một tư tưởng hay thế lực nào bên ngoài. Có nhiều vị học rất giỏi, gia đình đủ điều kiện nhưng khi hòa nhập vào xã hội, vào tổ chức thì không tự chủ được. Bởi không tự chủ nên bị bạn bè hay các thế lực khác làm chao đảo điêu đứng, không thành công gì trong sự nghiệp cả. Như vậy là mất hạnh phúc rồi.
Ở đây Phật dạy người Phật tử tại gia phải tạo điều kiện như thế nào để giữ được hạnh phúc gia đình của mình. Bởi có hạnh phúc gia đình rồi mới gầy dựng được những thứ khác. Ví dụ như các vị muốn tu, thì trước nhất ngay trong gia đình phải tổ chức tốt đẹp, mọi người đều tán thành cách sắp xếp, việc làm của mình thì mới tu được. Chứ nếu còn lăng nhăng, lem nhem, chạy ngược chạy xuôi thì chắc rằng việc tu không thực hiện được. Cho nên phải đặt hạnh phúc gia đình lên trên, từ đó ta mới có thể thực hiện các việc làm khác, đồng thời chuyển hóa mọi người trong gia đình cùng đi theo đường hướng của mình.
Cho nên sinh hoạt của chúng ta trong đời sống hằng ngày rất quan trọng, nó thể hiện nội tâm, tư cách của người gia chủ, có trách nhiệm trong gia đình sáng suốt hay không sáng suốt. Người chủ trong gia đình sáng suốt mới gầy dựng được chỗ đứng, hạnh phúc cho gia đình. Mỗi một đơn vị Phật tử tại gia gầy dựng được gia đình tốt đẹp, đó là nền tảng vững chắc của sự hạnh phúc đạo đức. Nếu nhìn vào tổ chức gia đình của quí vị, dù đi chùa cúng kiến làm phước nhưng nội tình không tốt, người ta sẽ đánh giá không hay về tôn giáo mà vị ấy đang tin sùng, quy hướng.
Nhiều vị quan niệm suông là làm gì cứ làm, miễn tới rằm tháng giêng hoặc rằm tháng bảy đi chùa ăn chay là được. Thưa, không phải như vậy đâu. Ăn chay, cúng kiến cũng tốt nhưng bản thân không lọc lừa những điểm dở xấu, không gầy dựng gia đình tốt đẹp thì việc đi chùa ăn chay trở thành vô nghĩa hay chỉ mang tính cách giải trí cho vui vậy thôi, hoàn toàn không có lợi ích gì cả. Khi gia đình có hạnh phúc rồi, bạn bè rủ đi chùa dù mình chưa đi được, nhưng ở nhà quí vị nghĩ, nói, làm đều tốt hết thì cũng bằng đi chùa. Nếu Phật tử không gầy dựng được gia đình tốt đẹp thì xã hội cũng như các tôn giáo bạn sẽ đánh giá nền tín ngưỡng của đạo Phật không tốt. Điều này chẳng những có hại cho bản thân mà còn làm phương hại đến đạo giáo nữa.
Phật dạy người Phật tử tại gia, muốn bảo đảm được hạnh phúc gia đình phải luôn gần gũi cái thiện. Làm việc thiện, nghĩ điều thiện, nói lời thiện, giao hảo thiện… có thế chúng ta mới là người Phật tử xứng đáng.
Phật dạy thêm một điểm nữa không thể thiếu trong gia đình, là phải có đời sống thăng bằng điều hòa. Thăng bằng điều hòa về phương diện tổ chức kinh tế gia đình. Đầu thu đầu chi phải thích hợp tương ứng với nhau. Nếu nguồn thu nhập lớn thì phần chi dụng lớn là có thể chấp nhận. Trái lại, nếu nguồn thu thập còn khó khăn, mà chi dụng không khéo thì gia đình sẽ bị lũng đoạn kinh tế, vợ chồng gây gổ, mất hạnh phúc. Hoặc nguồn thu nhập rất lớn mà đóng hẳn cửa chi dụng hoặc chi nhỏ giọt thì con cái sẽ bực bội vì sự mình keo kiết đó, rồi có những thái độ bất kính v.v… cũng làm gia đình mất hạnh phúc. Đức Phật dạy thật quá tỉ mỉ.
Điều này nếu đem áp dụng vào lãnh vực tu hành cũng rất hay. Người tu hành cũng phải điều hòa thân tâm. Điều hòa thân tâm là, ví dụ như sức của mình uống một ly nước nhỏ thôi, mà ta dại dột uống một ly nước lớn thì phát ách dẫn tới thân bệnh. Thân bệnh thì tâm dễ phiền não, đó là ta làm mất hạnh phúc cho bản thân rồi. Cho nên đối với hàng xuất gia, đức Phật dạy người tu ăn vừa phải, ngủ vừa phải, mặc vừa phải để giữ thân tâm được điều hòa. Ví dụ như chúng tôi tu thiền, ban ngày lao tác thì trưa dùng cơm, buổi tối ngồi thiền nên chiều chỉ dùng cháo thôi. Bởi nếu chiều ăn quá no sẽ khiến cho việc tọa thiền khó khăn, dễ buồn ngủ. Vì vậy dùng cháo nhẹ nhàng dễ tiêu, việc tu tập mới được thuận lợi.
Chúng ta đã biết thân vô thường, cảnh vô thường, mạng sống này một hơi thở ra không hít vào là đã qua đời khác, thân này không dùng được nữa. Nếu ta cứ để ngày qua ngày lo ăn, lo ngủ, rồi chạy theo những chuyện bên ngoài thì thật là uổng biết bao nhiêu. Dù quí vị là đại lực sĩ, nặng cả trăm ký thì vô thường cũng chẳng sợ đâu. Đến một lúc nào đó già nua sức khỏe cạn kiệt, cũng bại hoại thôi. Biết vậy nếu chúng ta không lo chuẩn bị cho ngày ra đi, cứ mặc tình mê ăn mê ngủ, không biết điều hòa, đó là tự mình đẩy mình vào con đường hoại diệt sớm hơn. Bản thân không giữ được thì hạnh phúc gia đình làm sao giữ được. Thế nên Phật dạy muốn giữ được hạnh phúc gia đình cần phải sống điều hòa thăng bằng.
Nếu trong phần cơ bản này, mỗi Phật tử thực hiện được, chắc chắn khi bước vào lãnh vực chuyên môn quí vị sẽ thành tựu. Còn bây giờ, ta chưa sắp đặt ổn định phần gia đình, thì việc tu tập để tiến tới trí tuệ giác ngộ giải thoát sẽ khó khăn vô cùng, không khéo ta sẽ bỏ cuộc thì rất uổng cho cuộc đời tu của mình. Hiện tại muốn cho đời sống hằng ngày tốt đẹp, trước tiên chúng ta phải xây dựng ý thức, tâm tư lắng dịu, đừng để loạn tưởng kéo lôi quá nhiều. Soi lại mình qua những hiểu biết của các giác quan là con đường thẳng tắt nhất để có được hạnh phúc chân chánh.
Người biết cách soi lại mình là người biết cách tu hành. Ví dụ như nghe điều gì bất như ý ta muốn la lên, thì liền soi lại xem tại sao mình la? Tại người kia làm ta nóng giận hay tại họ chạm tới tự ngã của mình, ngay khi hỏi là ta đã có câu trả lời. Đó là cách quán chiếu rất hữu hiệu trong nhà Phật. Vì vậy ta thường xuyên, kịp thời soi lại chính minh để lọc lừa những khuyết điểm, những gì dở thì bỏ đi, đừng để nó làm ồn trong tâm. Từng bước từng bước như thế, ta sẽ đạt được hạnh phúc cho chính mình và gầy dựng được hạnh phúc cho gia đình.
Người Phật tử khéo léo vẫn tùy thuận gia đình, nhưng giữ được sinh hoạt tu tập của mình một cách hài hòa. Với một thái độ cởi mở, vui vẻ, thích hợp chắc chắn quí vị sẽ thuyết phục được gia đình. Trước nhất là những người con lớn thấy cha mẹ càng đi chùa càng hài hòa, cởi mở tha thứ cho con cái. Do đó nó phát tín tâm, đó là bước đầu quí vị đã gầy dựng được hạnh phúc gia đình. Anh chị trong nhà đã vui vẻ theo chí hướng tu hành của cha mẹ, thì các em út cũng quy thuận theo. Thế là chúng ta có cả một quyến thuộc cùng nhau tu tập hòa mục hạnh phúc. Gia đình tốt thì ảnh hưởng đến xóm làng, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng từ tốt đẹp cá nhân phát huy dần thành sự tốt đẹp cho tập thể. Chúng ta thấy lợi ích thiết thực của đạo Phật là ở chỗ đó.
Đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu, cho nên trong bất cứ lãnh vực nào chúng ta cũng cần phải xét nét kỹ trước khi hành động. Phật tử dù được sự hướng dẫn của Tăng Ni, nhưng nên nhớ đúng theo tinh thần Phật dạy, trước khi thực hiện điều gì phải đặt lại vấn đề. Ví dụ tại sao Phật tử phải quy y Tam bảo, phải giữ năm giới? Bao giờ quí vị thấy những việc làm đó thật sự thích hợp, bổ ích, tốt đẹp cho mình thì hãy làm. Nếu còn những mắc mứu khó khăn chưa hiểu chưa chấp nhận thì không nên làm. Nhờ quán sát như thế chúng ta sẽ giảm bớt những va vấp đáng tiếc do những người lợi dụng đạo giáo gây nên. Quí vị phải nhớ đừng để mất thì giờ vào những việc không cần thiết.
Cho nên mọi việc không chánh đáng, chưa thích hợp chúng ta hãy mạnh mẽ gạt bỏ. Như vậy tự bản thân mỗi vị có hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc. Và như thế tôn giáo cũng giữ được chân giá trị của mình. Thật ra nhờ giáo lý Phật dạy mà thế gian được chuyển hóa, con người thăng hoa. Đó là điều Phật tử chúng ta phải ý thức để thực hiện đúng đắn và có hiệu quả.
Người Phật tử muốn có hạnh phúc còn phải tập buông bỏ. Hãy cố gắng buông bỏ những gì không thích hợp, không cần thiết trong đời sống của mình. Làm được điều này quí vị sẽ có hạnh phúc trọn vẹn trong gia đình. Ngay trong đời sống hiện tại đây quí vị có hạnh phúc và tới lúc sắp lâm chung quí vị cũng đạt được nhiều lợi ích. Nhưng buông bỏ bằng cách nào?
Theo tinh thần Phật dạy mọi thứ trên thế gian chỉ có giá trị tạm thời, tất cả đều tương đối, không có gì trường cửu. Cho nên thấy việc gì chính đáng chúng ta làm, nhưng thành bại được mất không quan trọng. Nhờ thế lúc nào ta cũng tha thứ những sai lầm của người và sẵn sàng buông bỏ mọi thứ khi không cần. Còn những gì không chính đáng, của phi pháp thì nhất định không làm. Như vậy đời sống ta an lành, không phải lo toan sợ hãi gì cả.
Tôi nhớ câu chuyện thế này. Ngày xưa có hai người bạn rất thân, cùng học một chiếu, cùng thụ huấn một thầy, cùng đi thi một lượt. Kỳ đó họ phải đến Trường An để dự thi, trên đường hai người ghé qua một ngôi chùa viếng cảnh. Đằng sau chùa cây cổ thụ ngã bóng xuống dòng sông, bên cạnh là những hòn dã sơn rất đẹp. Bấy giờ hai vị định đến dòng sông để tắm, bất chợt thấy một gói đồ treo trên cành cây. Thấy thế họ nghĩ chắc có ai đến tắm rửa bỏ quên hành lý lại đây. Hai anh em bàn với nhau nếu không giữ gìn giùm người khách kia, e rằng kẻ xấu sẽ lấy mất, tội nghiệp cho khổ chủ. Vì vậy một trong hai người lên đem gói đồ xuống.
Khi mở ra họ thấy rất nhiều vàng bạc châu báu. Một anh nói: “Với số vàng này, chắc rằng người chủ lo lắng lắm và có lẽ họ đang có trọng trách nhiệm rất lớn đối với gia đình hoặc xã hội, nên chúng ta cần giữ gìn gói đồ này giùm họ”. Nhưng anh kia nói: “Trời cho mình thì mình cứ xài. Tôi với anh đi thi rất cần tiền bạc, dại gì suy nghĩ lăng nhăng mất thì giờ. Bây giờ hai đứa cùng nhau chia của này để dùng”. Anh kia phản đối: “Chúng ta đã từng đọc sách thánh hiền, làm như vậy đâu có hợp. Dù biết rằng tiền bạc mình eo hẹp, nhưng chúng ta có chuẩn bị rồi. Anh biết không! Nhiều khi gói đồ này là cả một sự sản của ai đó, anh nỡ lòng nào lấy của người xài hết cho thỏa”.
Bị bạn phản đối anh kia lép vế, nhưng trong lòng nhất định phải lấy cho bằng được của đó mới thôi. Trong lúc hai người nghĩ cách để giữ gói đồ, anh bạn tốt đề nghị anh kia đem gói đồ đi Trường An trước, anh sẽ ở lại chờ khổ chủ đến tìm rồi dẫn đi sau. Anh kia nghe thế mừng quá cuỗm gói đồ đi liền. Anh bạn tốt ở lại, tối vào chùa xin Hòa thượng nghỉ lại đêm. Hòa thượng nghe trình bày sự việc thấy anh hiền lành nên chấp nhận cho nghỉ một đêm.
Sáng sớm anh xuống bến sông sau chùa, thấy một người mặt mày hốc hác, vất vả tìm kiếm vật gì, anh đến hỏi : “Anh đang tìm gì?” Người kia nói: “Hôm qua, trên đường đi đến Trường An, tôi ghé đây nghỉ, lúc đi để quên gói đồ. Bây giờ quay lại tìm nhưng không thấy, khổ quá”. Anh bạn tốt hỏi: “Gói đồ của anh thế nào, gồm có những gì trong đó?”. Anh kia tình thật nói: “Gói đồ ấy là cả sự sản của tôi, đem đi cứu cha đang gặp nạn ở Trường An”. Nghe vậy, anh liền báo tin sự việc đã diễn ra và cả hai cùng xin phép Hòa thượng đi Trường An tìm người bạn cũ để lấy lại gói đồ.
Khi gặp được người bạn của mình, anh tốt bụng bảo trả gói đồ lại cho chủ của nó. Anh bạn xấu nói: “Tôi có biết gì đâu nè, anh có đưa gì cho tôi đâu”. Hai anh té ngửa, không ngờ tâm lượng người bạn xấu như vậy. Thế là đường ai nấy đi, họ không còn là bạn của nhau nữa. Bấy giờ nhìn thấy hoàn cảnh thương tâm của người mất đồ, anh bạn tốt nói: “Anh đừng buồn nữa, số tiền tôi mang theo để thi cử, tôi sẽ dành hết cho anh đồng thời tôi sẽ liên hệ với những người bạn tại kinh đô này giúp anh phương tiện để lo ông già. Đợi sau khi thi rồi, tôi sẽ tìm cách giúp anh nhiều hơn nữa”. Nghe thế, người mất đồ thấy an ủi phần nào.
Kết quả kỳ thi, anh bạn tốt đỗ trạng nguyên, được nhà vua gả công chúa và trở thành vị quan thanh liêm, giúp ích được rất nhiều người, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân thời đó. Sau khi thi đỗ rồi, anh liền triệu những người đã giúp đở anh bạn mất của đến ban thưởng. Sau này anh trở thành người Phật tử tu hành đúng chánh pháp, gầy dựng hạnh phúc gia đình cho mình và mọi người.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy người phát tâm làm những việc tốt luôn gặt hái những kết quả tốt, trừ khi bị quả xấu trong quá khứ ảnh hưởng thì kết quả có thay đổi chút đỉnh. Còn thì làm việc tốt chắc chắn sẽ có quả tốt. Chúng tôi hy vọng qua những điều cơ bản như vậy, quí Phật tử cố gắng gầy dựng được hạnh phúc cho mình. Người Phật tử đi chùa cầu an vui giải thoát thì trước nhất phải có hạnh phúc. Từ hạnh phúc trong gia đình mình tỏa rộng ra đến hạnh phúc cho xóm làng, xã hội. Đó là thành công của quí vị mà cũng là lợi ích thiết thực của đạo Phật.
Để kết thúc, chúng ta cùng đọc lại những lời nguyện này để lấy đó làm phương châm tiến tu:
– Nguyện thứ nhất xin cho con không sân, không phiền, không ác ý với người khác.
– Nguyện thứ hai xin cho con không luyến ái riêng bất cứ ai, tâm hồn lúc nào cũng rỗng rang sáng suốt.
– Nguyện thứ ba xin cho con không hề ham muốn vật sở hữu của người khác.
– Nguyện thứ tư xin cho con đủ tâm xả, phát ý cúng dường và không có bệnh hoạn.
Qua bốn lời nguyện này, chúng tôi mong rằng các Phật tử vui vẻ phấn đấu được với mọi khó khăn, lúc nào cũng đủ duyên tu tập, làm những việc tốt để mỗi người đều có nguồn hạnh phúc an lạc thực sự.