Gần 150 Phật tử tối 10/1 đã vân tập về Pháp đường Chánh Niệm – tu viện Khánh An (Q.12, TP.HCM), tham gia khóa lễ sám hối định kỳ và thính pháp.
Tại đây, thầy Thích Trí Chơn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An nhắc đại chúng hãy nhìn lại để thấy năm qua đã tu tập như thế nào, cuộc sống biến chuyển ra sao, cô đọng qua việc “được – mất”, “thành – bại”, “có – không” những gì.
Thầy chỉ ra cuộc sống luôn luẩn quẩn trong những cụm từ trên, tuỳ mỗi người mà có mỗi nghiệp, mỗi phước báu.
“Dù thành tựu, có được hay không có được gì, điểm chung là đều có phiền và khổ. Tu để thấy được cái phiền – khổ và không bị phiền – khổ chi phối”, Thượng tọa Trí Chơn nói.
Theo Thầy, con người có khuynh hướng sở hữu nên khi không được sở hữu sẽ buồn khổ. Tuy nhiên, đến khi sở hữu rồi cũng thấy phiền khổ và rắc rối.
“Suy cho cùng, chúng ta hoán đổi vị trí khổ từ có sang không, và ngược lại từ không sang có. Vì vậy, mỗi người chúng ta tu tập nên nhớ: Khi “có” – không dính mắc, lúc “không” cũng chẳng mong cầu”, thầy chia sẻ chìa khóa thực tập.
Thầy khẳng định, chính cái muốn và cái không muốn làm cho chúng ta khổ. Cái gì tiện nghi, thích thú, dễ chịu: ta mong muốn; cái gì khó chịu, thử thách, cam go: ta không muốn. Từ cái muốn và cái không muốn, ta thấy được: mình khổ đau khi những điều mình không mong muốn cứ xảy đến và hạnh phúc khi những điều không mong muốn mình tránh né được.
Thực chất tự thân sự vật hiện tượng không phải tốt – xấu hay thích – chán mà tất cả đều do cảm thọ của ta nhìn nhận về nó. Cái thích, dễ chịu làm cho lòng tham khởi lên; cái không thích, khó chịu làm cho lòng sân khởi lên; cái mình muốn – không muốn mà đến – đi bất như ý, mình mơ mộng tơ tưởng làm cho lòng si khởi lên.
Từ nhận định trên, thầy khuyên mỗi người cần thay đổi nhận thức, ý thức được bản chất của sự vật hiện tượng: cái thích không đắm nhiễm – vô tham, cái ghét không cay cú – vô sân, sống chánh niệm mỗi phút giây, tâm không mong cầu – vô si.
“Chính cái bản ngã, cái tôi làm cho mình tham, sân, si. Tu là để đoạn trừ bản ngã, thấy được vô ngã, giảm thiểu để không còn cái tôi. Con người ta khổ vì bản ngã, cái tôi và cái của tôi. Khi có cái tôi, mình thường sống với phép so sánh: thua – bằng – hơn người. Khi thua người lại nảy sinh tự ti, mặc cảm; khi bằng người lại tật đố, ganh ghét vì khuynh hướng phải có cái mà người khác không có; khi hơn người lại cao ngạo. Tất cả những yếu tố đó đều đem lại phiền não cho chúng ta. Vậy nên người sống khôn ngoan là người biết nhìn lại chính mình và thấy được mình”, thầy Viện chủ nhắn nhủ.
Thầy đề nghị mỗi Phật tử cần chiêm nghiệm lại xem mỗi ngày mình đã đoạn trừ bản ngã, tâm đã rộng mở, chấp nhận tha thứ và bao dung với những người xung quanh hay chưa. “Mỗi người tu tập cần nhìn lại để thấy cho mình tâm từ bi mỗi ngày mỗi lớn, bản ngã mỗi ngày một nhỏ, sống đời vị tha mỗi ngày một lan tỏa, sự vị kỷ mỗi ngày mỗi thu hẹp lại”.
Theo thầy, chân lý của cuộc đời là vô ngã, cái ngã được hình thành bởi những cái không phải ngã, cái ta cũng được hình thành bởi những cái không phải ta. Thế nên để có được cuộc sống an nhàn, tĩnh tại, mỗi người cần an trú, tỉnh thức sâu sắc trong mỗi phút giây, thấy được bản chất của sự vật hiện tượng trong cuộc đời này mà buông bỏ, giảm thiểu ham muốn để tham đừng khởi lên, sống dễ chịu để bớt cái sân và hài lòng với cuộc sống thực tại, rõ biết sống ý thức chánh niệm để giảm thiểu vọng tưởng mà bớt cái si. Tu được như vậy mới đích thực là tu và mới thấy được bình yên, hạnh phúc.
“Mỗi ngày, đại chúng tinh chuyên gột rửa lại thân tâm, lời nói và hành động của mình, cố gắng hoàn thiện nhân cách bởi những điều thiện lành, noi theo ngọn đèn Chánh pháp của Đức Thế Tôn để đạt được giải thoát giác ngộ, đoạn trừ tham, sân, si, phiền não”, Thượng tọa Thích Trí Chơn sách tấn.