19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Sài Gòn có vị “từ bi”

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Tôi thích ăn chay. Ngoài yếu tố thực hành theo nhà thiền – ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi – vì chúng sinh khác cũng có sự sống, sợ chết, thì còn vì sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Audio

Tôi chọn ăn chay nhiều hơn ăn mặn. Nếu có ăn mặn, cố nhiên, tôi cũng chọn những thực phẩm đã được chế biến chứ không sát sanh, không thích những loại thịt của những động vật lớn.

Ở Sài Gòn, để tìm một quán chay không quá khó. Ở con đường nào bạn cũng có thể search (tìm kiếm) quán chay trên Google. Tiệm chay tôi hay ăn thường là những tiệm bình dân. Ví dụ như mấy tiệm trên đường Nguyễn Hữu Hào, quận Tư, gần nơi tôi sống.

Tôi ghé quán, trong hẻm có tên là Thiện Tâm, cô chủ bảo sống bằng nghề bán quán chay mấy chục năm nay. Cô bán tại chỗ và cả mang đi. “Người Sài Gòn ăn chay nhiều lắm, nhứt là vào những ngày rằm, mùng một. Những ngày này cô phải chuẩn bị sớm và nhiều hơn, bán xong hai ngày chay đó thì mùng 2 và 16 âm lịch phải nghỉ để lấy lại sức bán tiếp”.

Bún đậu nước tương

Bún đậu nước tương

Món chay ở Sài Gòn thực sự đa dạng. Có nơi đặt tên món chay khá giống món mặn, như thịt heo quay (làm từ bột, bánh mì), rồi cá kèo, cá lóc kho nhưng thực chất chỉ từ rong biển, đậu nành… Cũng có những tiệm chay đặt tên nghe rất hay, như món “an nhiên”, “thanh tịnh”… để nhắc người ăn không chỉ “tu” mỗi chỗ ăn uống mà quan trọng hơn là bên trong: ăn chay để sửa mình.

Quả thực, giữa thành phố đông dân nhứt nước, người dân tứ xứ về đây mưu sinh, ăn chay ăn mặn gì cũng đủ thứ món, đủ phong cách. Có quán chay đậm vị Huế, có tiệm đậm vị Quảng, có chỗ thì ăn vào biết ngay cô chủ miền Tây vì nêm nếm… ngọt ngây. Mà cô chủ quán miền Tây không chỉ nêm ngọt, ăn nói cũng mát lòng mát dạ người nghe. “Tao quý nhứt mấy đứa con trai mà chịu ăn chay. Biết bây thanh niên nên tao bán rẻ, để bây ăn cho no đặng có sức làm việc”, cô chủ ở quán chay Thiện Tâm hay nói vậy với tôi và mấy khách trẻ khác. Không có sự thiên vị, chỉ là thấy con trai không nhậu nhẹt, ăn chay cái thương ngang thương ngửa.

Người ta vẫn quan niệm, người biết ăn chay là… biết tu, nghĩa là đã biết quay về nhìn ngó chính mình nhiều hơn, tập tành sửa mình mỗi ngày thêm chút, ít nhứt là trong những ngày ăn chay. “Nay ăn chay nên không nói bậy, không nghĩ điều xấu, không làm điều quấy”, cứ vậy mà nhắc mình.

Ăn chay, tôi thích mấy món nhẹ nhàng, không có ưa giả mặn. Đã quyết tâm ăn “lạt” mà còn giả gà giả cá mần chi. Có mấy chỗ nấu món hủ tiếu, bún Huế, cứ cắt chả có mùi bằng hương liệu, trông như miếng chả cá thật, tôi sợ. Đến những quán đó tôi thường sẽ dặn, “đừng bỏ chả cho con nghen, bò viên cũng không luôn”. Hễ ăn vài lần, cô chủ quen mặt khách cũng nhớ cái gu, chỉ bỏ rau củ, tàu hũ đơn sơ.

Sài Gòn có vị “từ bi”, thấy người người ăn chay, chắc họ cũng muốn hướng đến cái gì đó nhẹ nhàng, buông bỏ bớt.

Cuộc sống đầy những khó khăn, ăn chay cũng tiết kiệm ít nhiều. Tự nấu thì chế biến món chay cũng dễ vì toàn rau củ quả, nấm, không có gì tanh hôi nên từ sơ chế đến nấu nướng đều gọn gàng.

Món chay ở Sài Gòn phong phú, đa dạng

Món chay ở Sài Gòn phong phú, đa dạng

Thi thoảng thèm món quê thì ghé vào một quán chay nào đó người đồng hương, kêu cô chủ nấu vị như Bến Tre nghen, con ăn để đỡ nhớ quê nhớ mẹ.

Những đứa con đi xa như tôi, sống giữa Sài Gòn lạ xa, có người đồng hương nấu hợp vị thì mừng phải biết. Mỗi lần đi ăn chay gặp phải đồng hương lại gọi điện về kể mẹ nghe, bảo thèm món mẹ nấu. Cứ vậy, lớn rồi vẫn thấy bình yên nhứt là về nhà và ăn cơm mẹ nấu.

Món chay ở Sài Gòn đa sắc, bún, phở, hủ tiếu, mì Quảng, và giờ có cả những món Thái, món Nhật. Bữa có bạn đồng nghiệp rủ đi ăn chay. Tới quán thấy bất ngờ với thực đơn hơi Nhật, có mì Quảng và Pad Thái, có cả mì xào kiểu Singapore, Hàn Quốc… Người nước ngoài cũng chọn chay như một cách thanh lọc cơ thể, lẫn tinh thần.

Ăn uống là để nuôi thân và dưỡng tâm. Nếu có thể, đến Sài Gòn bạn sẽ nếm vị “từ bi” từ những quán chay đa dạng: bình dân đến sang trọng, đủ vị từ miền Tây đến miền Trung. Đến để thấy Sài Gòn thật bao dung, một gánh hủ tiếu chay nho nhỏ cũng có thể nuôi được cả nhà, gieo duyên lành cho bao người ăn thanh đạm bằng cách chăm chút món chay thật ngon và lành.

Thương Sài Gòn từ những điều giản dị và bình an như thế!

Lê Trường An
(giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM)

Nguồn: tcdulichtphcm.vn

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo