19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Nơi tình thương ở lại

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Người đàn ông da mồi, người đàn ông tóc trắng màu mây, người đàn ông thờ thẫn gửi ánh nhìn vào thăm thẳm khi dòng đời tiến đến thời khắc năm cùng tháng tận, khi đất trời tĩnh lặng phút giao mùa.

Audio

Gần 90 năm xóa trắng trong hồi ức của ông hầu hết những mảnh màu tối sáng của một thoáng nhân gian, nhưng hình bóng của một người đàn bà nhỏ bé mà ông tha thiết gọi là “người vợ tào khang” thì chưa từng hiện một nét mờ giữa chập chùng quên lãng.

Chặng cuối của cuộc hành trình chỉ duy nhất có tình thương ở lại. Ảnh: Diệu Ngọc

Chặng cuối của cuộc hành trình chỉ duy nhất có tình thương ở lại. Ảnh: Diệu Ngọc

Ly loạn chiến tranh đã đưa họ biệt mù xứ lạ. Bôn ba mưu sinh ở chốn không thuộc về mình đã bao năm thổi mòn những ước mơ hạnh phúc thuở trung niên. Rồi bàn tay dịu dàng của số phận lại dắt họ về với nhau khi trời chiều ngả bóng bên đất Phật. Sau này ông cứ mãi nhắc lại khoảnh khắc tỉnh thức dưới cội bồ-đề, một nữ khách hành hương ngã vào cánh tay ông dang vội khi bà vấp phải chiếc rễ cây. Đức Phật từ bi thấu hiểu những giá lạnh mênh mông của cõi giới loài người. Đức Phật bao dung đã đưa ông bà đến bên nhau một quãng đời ấm áp.

Mấy chục năm bỏ hết những lấp lánh nơi xứ lạ, ông bà đưa nhau về một xóm núi hiền hòa, nâng niu cỏ rau, đạm bạc cơm chay thay dần sắc thanh hương vị của cõi đời phiền lụy. Mỗi sáng ông ngồi viết sách bên bụi nguyệt quế ngan ngát hương đưa, hát lại những bài hát thấp thoáng hương từ bi mà mình từng sáng tác cho gia đình Phật giáo của nước nhà. Bà ngồi bên cạnh rót trà, nhẹ nhàng xin ông vì bà mà bớt lại mỗi ngày một điếu thuốc. Rồi ông bà cùng đọc thơ, những câu thơ phát nguyện vì nhau mà tu học, cho một kiếp lai sinh được cùng nhau nhẹ bước ta bà.

Rồi một hôm chặng dừng thứ 3 trong hành trình tử sinh không mời mà tự đến. Gã thời gian cau có khắc nghiệt đã níu bà ngã quỵ rồi mang bà đi đến một nơi xa. Ông bơ vơ. Ông thẫn thờ. Ông mong nhớ. Sáng ngả trưa, chiều qua tối, đêm chìm sâu, giữa điệp trùng mù sương ký ức, chỉ còn mỗi tên bà là ông gọi mãi không thôi. Những lần hiếm hoi ông được vào viện thăm người thương quá đỗi là thương ấy, bàn tay gầy khô nhăn nheo như que củi mục của ông run run vén từng sợi tóc bà ngả màu sương gió, để đặt lên đôi mắt mỏi mệt ấy trọn vẹn một hơi thở ấm tình thương.

Tình thương khiến bà kiên cường vật lộn trong cuộc chiến chống chọi với vô thường để mong ngày về lại bên ông. Tình thương khiến ông cứ mỗi lần mở miệng là mỗi bận gọi tên bà, trong khi tụi con cháu mỗi ngày có lúc quen lúc lạ.

Tình thương ấy khiến con cháu ông lặng yên nhìn mà suy ngẫm, rằng ông và bà đã làm gì cho nhau, rằng mình đã, đang và nên làm gì cho ai, để chặng cuối của cuộc hành trình chỉ duy nhất có tình thương ở lại.

______

(*) Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Tư duy biện luận tại Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo