Như chúng ta biết, hầu hết tất cả các mối quan hệ thân thiết giữa những con người chúng ta với nhau khi sống ở trên đời, sở dĩ chúng bền chặt là do hai bên có sự kính trọng, quý mến nhau.
Một khi tâm kính trọng, yêu mến, thương quý nhau không còn nữa thì sự đổ vỡ sẽ xảy ra, đây là điều không sớm thì muộn mà thôi.
Ví dụ:
1. Chồng không quý trọng vợ, vợ xúc phạm xem thường chồng;
2. Cha mẹ không yêu quý con cái, con cái bất hiếu, chửi mắng cha mẹ;
3. Anh em ruột xem thường nhau, xúc phạm nhau;
4. Bạn bè thân hữu chê bai, khinh thường, xúc phạm, không ưa, nói xấu nhau;
5. Đệ tử coi thường Sư Phụ, xúc phạm Sư Phụ vì nghe theo người xấu ác;
……
Và còn vô số các mối quan hệ khác cũng giống như thế.
Do đó, một khi quý vị nhận thấy những người quen thân, gần gũi với mình mà họ đã có tâm không còn thương quý, tôn trọng hay quan tâm đến mình nữa. Thì chúng ta có thể dự đoán được rằng, mối quan hệ này đã gần hết duyên, sắp sửa chắc phải chia tay, đường ai nấy đi rồi. Đây là điều diễn ra hết sức tự nhiên, mà đôi khi chúng ta có muốn níu kéo cũng chẳng được.
Vì vậy, khi hiểu được điều này, với tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống (dù là người thân hay người ngoài) ta đều giữ tâm tôn trọng họ, không ghét hay xúc phạm ai cả, để cho các mối quan hệ được bền lâu hơn.
Hai là, khi không may, hai bên đã hết duyên khiến cả hai không còn gần gũi, không còn ở chung, sống chung hay chơi chung với nhau nữa…thì chúng ta cần bình thản, vui vẻ đón nhận, vì biết rằng duyên nợ với nhau chỉ đến đó, mà không thể nào làm khác đi được.
Người tu nào luôn biết sống với tinh thần kính trọng này là người thực sự biết trân quý các mối nhân duyên trong đời, và cũng là người luôn thanh thản, tự tại trước sự hợp, tan vô thường…của các mối quan hệ.