Quí vị có khi nào nghĩ mình là cái gì không? Chắc không! Cứ hài lòng với con người như vậy, sự sống như vầy là đủ rồi.
Thêm nữa là sự ăn mặc, nhà cửa, xe cộ, lo bấy nhiêu đó mà quên nghĩ mình là cái gì.
Mình là gì không biết mà cái gì cũng lo cho mình.
Sắm máy thu thanh hỏi sắm cho ai, sắm cho mình. Mua chiếc nệm để làm gì? Để cho mình nằm. Cái gì cũng mình hết.
Nhưng thử hỏi mình là cái gì thì không biết! Đó là điểm chính yếu mà tất cả chúng ta quên, chúng ta lơ là.
Đạo Phật không cho phép người Phật tử như vậy mà chúng ta phải biết mình cho rành rẽ, tường tận.
Vật bên ngoài chỉ phụ thuộc, nghĩa là biết được bao nhiêu hay bấy nhiêu, trọng yếu là phải biết mình, vì con người là trọng tâm của vũ trụ.
Biết tất cả mà không biết mình thì cái biết đó chưa thật biết.
Tất cả tài sản mình được mà hỏi mình là cái gì cũng không biết.
Như vậy, tất cả cái được đó đều không giải quyết tận cội gốc của con người.
Sống mà không biết mình là gì thì cuộc sống hết sức rỗng, vô giá trị.
Nếu chúng ta chỉ lo ăn mặc cho sung sướng, nhà lầu xe hơi, tức là chỉ lo thụ hưởng sung túc, mà mình là gì không biết thì ai hưởng thụ đây ?
Đó là vấn đề mà Đức Phật hay người tu hy sinh cả cuộc đời, phăng tìm cho ra manh mối để giải quyết thân phận con người.
Ngày nay chúng ta tu theo đạo Phật cần phải hiểu vấn đề đó, không thể xem thường.
Cứ lo ăn lo mặc, lo sống để chờ tới ngày chết, cuối cùng là tan rã.
Ví như chúng ta cất cái nhà thật đẹp nhưng biết mai mốt nó sẽ tan nát thì còn quí nó không?
Cái không bền, không lâu dài, chúng ta đâu có quí.
Vậy thì thân này không lâu dài, tại sao mình lại quí, đó là mê hay giác ?
Đó là mê.
Vì vậy đạo Phật dạy chúng ta phải giác, chớ không cho mê.
Người mê thì không sáng suốt, không có trí tuệ.
Mà không sáng suốt, không trí tuệ thì sống như chết, không có giá trị gì hết!
Ý nghĩa quan trọng là phải biết được mình thì cuộc sống mới có giá trị.
Dù sống nghèo hay sống thiếu thốn vẫn có ý nghĩa như thường. Còn không biết mình là gì thì cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa.
Nhưng muốn biết mình là gì phải làm sao?
Chính điểm này tôi muốn hướng dẫn cho quí Phật tử ứng dụng tu tập để tìm lại xem mình là cái gì?
Bao nhiêu người dù trí thức hay bình dân đều nghĩ mình luôn luôn hiện tiền, nhưng hỏi mình là cái gì thì không trả lời được.
Như vậy, cái hiện tiền đó cũng chỉ là ảo tưởng thôi.
Chúng ta phải tìm ra được lẽ thật mình là gì chớ không thể tưởng tượng được.
Chúng ta tu không phải để tìm cái gì xa xôi ở bên ngoài mà phải xoay lại soi sáng chính mình để tìm xem mình là cái gì?
Cái gì là thật mình?
Nếu tìm ra cái thật mình thì ngộ đạo.
Đừng tưởng ngộ đạo là chạy lên non, lên núi; lên mây, lên trời, mà ngộ đạo là tìm ra được cái thật mình.
Tìm được cái thật mình rồi thì ngang đó giải quyết xong dòng sinh tử.
Không tìm ra được cái thật mình thì luôn sống trong cái dao động, biến chuyển.
Mà dao động biến chuyển là tướng sinh diệt vô thường.
Nếu chấp giữ tất cả hình tướng tâm niệm vô thường là mình thì mình là một dòng biến chuyển.
Chuyển biến nơi này tới nơi kia không dừng.
Phật gọi đó là luân hồi. Đã luân hồi thì chỉ có giải thoát luân hồi mới là vui.
Tôi thường nói thân này không phải thiệt mình.
Nhưng ai cũng bám vào nó, cũng nghĩ nó là mình.
Nếu thân này thật mình thì nó nguyên vẹn, nhưng nếu ở trong da thịt chúng ta chỗ nào bị ung nhọt thì có mủ hôi hám.
Mủ hôi hám đó là mình chăng?
Đã từ da thịt mình loại ra thì nó đâu phải mình.
Nếu là mình thì chúng ta phải mến nó chứ, ngược lại mình rất gớm nó.
Như nước bọt ở trong miệng có phải là mình không?
Nếu là mình thì khi nhổ ra rồi, mình lấy lại được; nhưng chúng ta có làm như vậy không?
Kể cả máu huyết là thiết yếu của sự sống, nhưng chúng ta trích ra chừng một chung máu, rồi bảo uống lại có dám uống không?
Nếu thật mình thì đâu nỡ bỏ; đằng này buông ra rồi, chúng ta gớm nó thì làm sao nói mình được.
Nếu thân này là mình thì khi thiếu máu, mua máu của người khác đem vô, máu người khác thì đâu phải của mình, nhưng khi đem vô rồi lại nói máu mình.
Lạ chưa!
Từ bản thân mình loại ra thì chúng ta gớm, còn của người khác đem vô thì nhận là mình.
Thật vô lý!
Cho nên từ đó mới thấy rõ ràng thân này không thật là mình.
Tôi là ai, đích thực là ai đây…