Theo lời Phật dạy, tâm chúng ta thay đổi liên tục, do đó muốn hiểu chính bản thân mình, chúng ta cần chăm sóc tâm mình luôn luôn. Chỉ cần theo dõi tâm mình mỗi khi có một tâm niệm nào đó khởi lên, ta có thể chủ động giám sát đường đi của tâm.
Kỹ năng này gọi là chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác được nhắc đến rất nhiều lần trong kinh. Đây là yếu tố luôn đồng hành người thực hành pháp. Mục đích của chánh niệm tỉnh giác là luôn ý thức và nuôi dưỡng tâm trong pháp thiện, rằng, “hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người trí chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ sở, tâm ưu phiền, hành động như vậy là hành động bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không có hại cho cả hai, được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm an lạc, tâm hoan hỷ. Hành động như vậy là hành động thiện và chúng ta phải thực hành” (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65:Các vị ở Kesaputta).
Phương pháp mà Đức Phật thực hành và dạy chư đệ tử là đừng đè nén tâm, không triệt tiêu các ý tưởng, cũng chẳng cần tác động phản ứng gì cả, thuần túy là theo dõi, quán sát tâm một cách có ý thức. Một niệm lành khởi lên, chúng ta biết, ta đang có một niệm lành. Khi một niệm xấu ác sinh khởi, ta liền nhận ra, ta đang có một niệm ác. Chắc có người thắc mắc, tại sao chỉ cần ý thức về các tâm niệm mình thôi mà các hạt giống tích cực thiện lành được nuôi dưỡng?
Thật ra, khi các tâm niệm xấu ác và tiêu cực vừa sinh khởi, chỉ cần tỉnh thức nhận diện rõ ràng về nó, nó liền tự mất. Tâm niệm tiêu cực không thể sống trong môi trường tỉnh thức, sáng suốt của trí tuệ. Điều này chỉ có thể cảm nhận đầy đủ khi thực hành. Thế nhưng vấn đề là giữ cho được sự chú tâm liên tục. Đây là một điều cực kỳ khó nên chúng ta cần luyện tập dần dần, càng liên tục và bền bỉ càng tốt, vì mức độ lợi ích mình đạt được luôn tương ứng với nỗ lực của bản thân qua phép thử của thời gian.