Một hôm, nữ cư sĩ thỉnh Đức Phật đến nhà thọ trai, Thế Tôn biết tâm ý của bà nên cố ý hỏi: Bà thiết trai cúng dường Phật, là vì muốn có được phước báo gì? Bà cư sĩ cung kính trả lời: Nếu được phước báo, con xin sinh được bốn đứa con.
Lúc Đức Phật Thích Ca đang thuyết pháp ở thế gian, có một vị nữ cư sĩ tại gia học Phật, rất chí thành tin tưởng va cung kính Như Lai.
Mỗi buổi sáng bà đều đến gặp Đức Phật cung kính lễ bái, chưa bao giờ quên hay lười biếng trễ nãi.
Một hôm, bà thỉnh Đức Phật đến nhà thọ trai, Thế Tôn biết tâm ý của bà nên cố ý hỏi:
– Bà thiết trai cúng dường Phật, là vì muốn có được phước báo gì?
Bà cư sĩ cung kính trả lời:
– Nếu được phước báo, con xin sinh được bốn đứa con.
– Tại sao bà lại muốn có bốn đứa con? Đức Phật từ bi hỏi.
– Bạch Thế Tôn, nếu con có bốn đứa con, thì khi chúng nó khôn lớn, đứa đầu sẽ buôn bán làm ăn, kiếm thật nhiều tiền. Đứa thứ hai sẽ cày ruộng làm rẫy, mỗi năm gặt hái được nhiều thóc lúa. Đứa thứ ba, con sẽ dạy nó cố gắng chăm chỉ, tương lai làm quan vinh hiển tông môn. Và đứa thứ tư thì con sẽ cho nó xuất gia học đạo, tu hành chứng quả để tiếp độ cha mẹ cùng tất cả mọi người. Lúc ấy, con sẽ hoàn toàn mãn nguyện.
Đức Phật nghe bà kể những nguyện ước của mình xong, chấp thuận:
– Được, bà sẽ được như ý.
Bà cư sĩ mừng rỡ cúng dường Đức Phật xong, không bao lâu sau quả nhiên thọ thai, sinh được một cậu con trai. Đứa bé từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, không giống với những đứa bé thường tình khác, nên được cha mẹ thương yêu như ngọc.
Lời Phật dạy về trách nhiệm của cha mẹ với con cái
Đứa bé theo thời gian mà lớn lên, tuy mẹ nó cầu xin có bốn đứa con nhưng không cho nó được đứa em nào hết. Bao nhiêu tình thương đáng lẽ phải chia cho bốn, bà đều đổ dồn hết lên đứa con duy nhất ấy.
Một hôm, người mẹ kể cho con nghe chuyện cúng Phật cùng nguyện ước bốn đứa con của mình, và tại sao mình lại muốn như thế. Người con nghe mẹ kể xong thì khắc ghi lời của mẹ trong lòng. Lớn lên, cậu học làm ăn buôn bán.
Nhờ thông minh lanh lợi nên một thời gian sau, kiếm được vô số tiền bạc tài sản, làm cho cha mẹ rất vui mừng. Sau đó, cậu không buôn bán nữa mà xoay qua làm nghề canh nông. Nhờ cậu chịu khó cày cấy tưới tẩm, thu hoạch mùa màng vô cùng dồi dào, hàng xóm láng giềng ai nấy đều khâm phục.
Trong nhà nay đã có tài sản lại vừa có thóc gạo, họ đã trở thành một nhà đại phú hộ. Lúc ấy, cậu muốn hoàn thành nguyện vọng thứ ba của mẹ, tức là có một đứa con làm quan để rạng rỡ tông môn. Vốn là một người tài hoa nên xin ra làm quan không phải là việc khó, cậu làm quan lớn nên gia đình càng giàu sang thêm. Bây giờ có gì đáng buồn tiếc nữa đâu? Nhưng nguyện vọng lớn nhất của cậu vẫn chưa thành tựu. Sau một năm làm quan, cậu thưa với mẹ rằng:
– Mẹ à, bốn điều mà mẹ cầu nguyện, con đã hoàn thành được ba. Bây giờ chỉ còn lời nguyện cuối cùng, nếu hôm nay con xuất gia thì có phải là mẹ hoàn toàn mãn nguyện không?
Người mẹ biết con mình muốn xin xuất gia, thật ra đây cũng là ý của bà lúc đầu nên bà vui lòng ưng thuận. Người con mừng rỡ từ biệt cha mẹ, đến chỗ Đức Phật xin xuất gia.
Nương nhờ công đức của Phật cùng với duyên lành và sự gia công tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu người con chứng quả, thành một vị A la hán. Đắc đạo xong, vị A la hán về nhà độ hóa cha mẹ cùng tất cả người nhà.Từ đó về sau, vị A la hán miệt mài hoằng dương Chánh pháp, làm lợi lạc chúng sinh.
(Theo Phật giáo cố sự đại toàn)
Bài học đạo lý:
Mới hay “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chỉ một người con mà có đạo đức, tài năng, hiếu thuận…thì còn hạnh phúc nào bằng. Do vậy, nhiều con mà không đủ điều kiện giáo dưỡng thì chẳng bằng ít con mà nuôi nấng tử tế, học hành đàng hoàng, trở thành người tốt, hữu ích cho gia đình và xã hội.