back to top
28.8 C
Chư Sê
Thứ Ba, 14 Tháng Năm, 2024

Dáng vẻ của hạnh phúc

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Trên một đoạn đường ngắn mà hạnh phúc cũng có nhiều dáng vẻ.

Audio
thoi-diem-nao-ban-se-dat-hanh-phuc-1

Nắng chiều nhạt dần trên ngọn cây, dịu mát dần một quãng đường im vắng. Một đôi vợ chồng trẻ có vẻ khá lam lũ dừng chân vay tạm chút bình yên để nghỉ mệt và cho bé con có chút không gian xanh mát để chơi đùa. Hạnh phúc của họ bồng bềnh trên mái đầu bù xù của anh thỉnh thoảng ngả vào vai chị, sóng sánh trong những lời âu yếm chị thỉnh thoảng cất lên nhắc nhở con trai đang hồn nhiên chạy nhảy vui đùa ngay trên miệng cống.

Cách đó khoảng vài chục mét, một đôi bạn trẻ mặc quần áo công nhân đang ngồi tựa lưng vào gốc cây, ly trà sữa cắm một ống hút cứ đổi tay đẩy qua nhường lại. Phía sau lưng họ là chiếc xe máy cũ mòn tơi tả. Phía trước họ là dòng sông đang lững lờ trôi và bên kia sông là khu căn hộ cao cấp của giới trung lưu. Ánh mắt họ không cần ngoái ra sau cũng chẳng cần nhìn về phía trước. Họ nhìn nhau, tin cậy, yêu thương.

Không giãn tĩnh đến mức có thể nghe được tiếng cước võ như một nhát kiếm chém nhẹ vào không khí của một người ngoại quốc tầm tuổi trung niên. Người đàn ông ấy đến từ miền đất xa xôi nào đó, có vẻ như ông không có người bạn đời nào đang đồng hành bởi ngày nào cũng chỉ thấy một mình ông ra vỉa hè trước nhà múa võ. Nét mặt ông an tĩnh, không vướng bận. Sự bằng an tỏa ra từ nội tâm vững chãi, dù ông chỉ có một mình ở một nơi xa lạ.

Ba thế hệ đang sánh bước cùng nhau đi tiễn mặt trời. Người cha trẻ bế trên tay bé trai tầm một tuổi, vừa nựng con vừa nhìn sang trông chừng người cha già đang bước từng bước khoan thai. Ba chiếc bóng đổ dài ngắn, nhanh chậm khác nhau trên con đường nhạt nắng, nhưng niềm vui của họ thì có vẻ giống nhau. Tiếng ông nội chậm rãi, tiếng người cha trầm ấm, tiếng con trai trong trẻo tan vào gió nhẹ, mát lành.

Trên một đoạn đường ngắn mà hạnh phúc cũng có nhiều dáng vẻ. Hạnh phúc hiện hữu trong đơn sơ, khi tĩnh lặng, cho dù người ta chỉ có một, có đôi hay có ba.

______

(*) Tác giả là giảng viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh và Tư duy biện luận tại Đại học Quốc tế và Viện Đào tạo Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn