Trong chuyến hoằng pháp tại Việt Nam lần này, ngài H.E Drukpa Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ) sẽ dành ba ngày (15-17/3/2024) trong lịch trình để viếng thăm và cử hành Pháp hội Cầu an Dược Sư Hoàng Tài Bảo Thiên tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).
Trong Pháp Hội này, nhiều hoạt động văn hóa, nghi lễ tâm linh theo truyền thống Phật giáo Kim Cương thừa sẽ được ngài Drukpa Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Truyền thừa cử hành như: Lễ Cầu an, ban gia trì may mắn cát tường cho năm mới Giáp Thìn, lễ Quán đỉnh (nghi lễ hướng dẫn và cho phép thực hành pháp tu Phật Bản tôn) Tám Đức Phật Dược Sư (bộ Phật chủ về chữa lành, khiển trừ chướng ngại và viên mãn tâm nguyện), Quan Âm Ngũ Bộ Tài Bảo Thiên (bộ Phật chủ về tăng trưởng tình yêu thương, lòng bi mẫn và tài bảo thịnh vượng), Đàn cầu siêu độ chư hương linh (cầu nguyện gia trì cho đời sống bình an, âm siêu dương thái và lợi ích giải thoát cho các hương linh).
Các điểm nhấn văn hóa và tâm linh quan trọng trong Pháp hội:
Lễ an vị Bảo tháp Cổ mật Ushnisha Vijaya (Phật Đỉnh Tôn Thắng Phật Mẫu) thuộc truyền thống dòng họ Đức Phật Thích Ca trên đỉnh Đại Bảo tháp Tôn Thắng Phật Mẫu Trường Thọ; Gia trì an vị Tám Như Lai Bảo Tháp nêu biểu các công hạnh cuộc đời Đức Phật Thích Ca; Gia trì khai quang tháp Đại Hồng chung Quan Âm Đại Bi Thập Nhất Diện (sáng 15/5). Đây là các công trình tâm linh linh thiêng mới được kiến lập trong khuôn viên Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên.
Lễ Gia trì khai quang điểm nhãn Tôn tượng Đức Phật tại Vườn Đại Phật Lịch Sử (sáng 15/3) thuộc cụm vườn Tam Chuyển Pháp Luân đang hình thành trong khuôn viên Đại Bảo Tháp. Nơi đây an vị Tôn tượng Đức Phật kết ấn Chuyển Pháp luân bằng đá trắng nguyên khối với tổng chiều cao thân tượng và tòa đài sen Liên Hoa Hóa Phật là 7m vừa được hoàn thành sau hơn hai năm công phu tạc tượng.
Trên thân Tôn tượng khắc chạm toàn bộ cuộc đời Đức Phật, bao gồm các tướng thị hiện từ nhập mẫu thai, đản sinh, thành đạo của Đức Phật, với đường nét tinh tế theo họa tiết truyền thống điêu khắc dòng họ Thích Ca Nepal. Chiêm bái, đỉnh lễ tôn tượng quý này giúp tích lũy công đức tương ứng với lễ toàn bộ công hạnh cuộc đời cũng như các thánh tích của Đức Phật!
Lễ gia trì cầu nguyện khai mở Tranh Mandala Bát Liên Đàn Quan Âm Tài Bảo Thiên – Ngọc Đá Quý (sáng 16/3) với đường kính 9m, được an vị hướng Đông Nam của Đại Bảo Tháp (phương của Đức Phật Bảo Sinh, chủ về Tăng ích). Pháp Bảo mới được kiến lập này được tin có năng lực gia trì “Kiến tức giải thoát” (Giải thoát qua chiêm ngưỡng) giúp viên mãn các tâm nguyện sở cầu về trường thọ, tài bảo, thịnh vượng và tích lũy công đức cho Phật tử và du khách hành hương có phúc duyên chiêm bái.
Chương trình vi nhiễu Tam Bộ Nhất Bái cùng các Phật tử thành viên CLB Tuổi trẻ Thăng Long YDA (7h30 sáng 16/3): Đây là phương pháp yoga đỉnh lễ giúp khai thông toàn bộ hệ thống kinh mạch, rèn luyện thân tâm được khỏe mạnh, cân bằng, trưởng dưỡng lòng chí thành tín tâm và tích lũy công đức trong thực hành Phật pháp…
Được biết trước đó vào chiều ngày 8/3, ngài H.E Drukpa Thuksey Rinpoche và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đã viếng thăm và có buổi Pháp thoại ấm tình đạo vị cùng Thượng tọa Thích Đức Thiện tại chùa Phật tích (Bắc Ninh). Đây cũng là hoạt động mở đầu trong lịch trình giảng Pháp của Ngài tại Việt Nam.
Thông tin chi tiết Pháp Hội:
I. CHƯƠNG TRÌNH PHÁP HỘI CẦU AN DƯỢC SƯ HOÀNG TÀI BẢO THIÊN TẠI ĐẠI BẢO THÁP MANDALA TÂY THIÊN
Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche & Tăng đoàn Phật giáo Truyền thừa Drukpa, từ Thứ 6 ngày 15/3 (tức mùng 6/2 ÂL) đến hết Thứ 7 ngày 16/3 (tức mùng 7/2 ÂL)
Thứ 6, ngày 15/3 (tức mùng 6/2 Â.L):
Sáng: Khóa lễ cúng dàng Hỏa Tịnh cầu an, tiêu trừ chướng ngại, tăng phúc trường thọ, Lễ Vi nhiễu cúng dàng Mandala Đại Bảo Tháp, Lễ an vị Bảo tháp Cổ mật truyền thống dòng họ Phật Thích Ca trên đỉnh Đại Bảo tháp Tôn Thắng Phật Mẫu Trường Thọ; Gia trì an vị Tám Như Lai Bảo Tháp nêu biểu các công hạnh cuộc đời Đức Phật Thích Ca; Gia trì khai quang điểm nhãn Tôn tượng Đức Phật tại Vườn Đại Phật Lịch Sử; Gia trì khai quang tháp Đại Hồng chung Quan Âm Đại Bi Thập Nhất Diện. Pháp hội cầu an và quán đỉnh, khẩu truyền Tám Đức Phật Dược Sư (Bát Phật Dược sư).
Chiều: Đàn Quy y dành cho Phật tử có tâm nguyện Quy y Tam Bảo, Pháp hội cầu an và quán đỉnh Đức Phật Bản tôn Quan Âm Thập Nhất Diện và Đức Phật Bản tôn Quan Âm Tứ Thủ. Cúng dàng Liên Hoa Đăng vi nhiễu 13 vòng Đại Bảo Tháp.
Thứ 7 ngày 16/3 (tức mùng 7/2 Â.L):
Sáng: Khóa lễ cúng dàng Hỏa Tịnh cầu an, tiêu trừ chướng ngại, tăng phúc trường thọ, Chương trình vi nhiễu Tam Bộ Nhất Bái (vào lúc 7h30, theo đăng ký), Lễ gia trì cầu nguyện khai mở Đại Mandala Ngọc Đá Quý Bát Liên Đàn Quan Âm Tài Bảo Thiên, Pháp hội cầu an và quán đỉnh Năm Bộ Phật Bản tôn Tài Bảo Thiên. Chiều: Lễ quán đỉnh cầu siêu Jangwa chuyển di tâm thức, siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ, cửu huyền thất tổ, nạn nhân thảm họa, thiên tai dịch bệnh…
II. ĐÀN CẦU AN PHÁP HỘI PHẬT DƯỢC SƯ THÁNG 3
Chủ nhật ngày 17/3 (tức mùng 8/2 Â.L): Đàn cầu an Pháp hội Phật Dược sư tại Đại Bảo Tháp. Đây là Pháp hội “Hiển Mật song tu” định kỳ hàng tháng được chư Ni Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên tổ chức nhằm ngày vía Đức Phật Dược sư (mùng 8 lịch Kim Cương Thừa), bao gồm các hoạt động khai thị giáo pháp, tu tập trọn vẹn một ngày từ cung rước toàn bộ Hải hội Mandala Phật Dược sư, tụng kinh Phật Dược sư, thực hành Nghi quỹ Thất Phật Dược sư, trì tụng chân ngôn Phật Dược sư, dâng sớ Bồ đề cầu an, Pháp hội cúng dàng Ganachakra, cúng dàng Liên Hoa Đăng, thực tập Kinh hành và vi nhiễu Đại Bảo Tháp… mang lại lợi ích tâm linh và giúp kích hoạt năng lực chữa lành thân tâm, khiển trừ chướng ngại, viên mãn tâm nguyện cho đại chúng có phúc duyên tham dự.
III. ĐỨC DRUKPA THUKSEY RINPOCHE
Đức Drukpa Thuksey Rinpoche là bậc Thầy lỗi lạc của Truyền thừa Drukpa, và là Đại đệ tử chân truyền của bậc lãnh đạo Truyền thừa, hóa thân Phật Quan Âm – Đức Gyalwang Drukpa. Trong truyền thống Kim Cương thừa, Ngài được ấn chứng là hóa thân chuyển thế đời thứ II của Bậc Hộ trì chúng sinh, Đức Kyabje Thuksey Rinpoche đời thứ I (1916-1983), một Đại Thượng sư Truyền thừa Phật pháp trên vùng Himalaya trong thế kỷ trước.
Trong hiện đời, ngoài trọng trách lãnh đạo hệ thống tự viện Truyền thừa Drukpa tại Ấn Độ và Châu Âu, Đức Drukpa Thuksey Rinpoche từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Drukpa Thường niên (Annual Drukpa Council), đồng thời là Chủ tịch trường Druk Padma Karpo (Trường Bạch Liên Hoa) – ngôi trường xanh nổi tiếng tại Ladakh (Ấn Độ) và lãnh đạo phong trào thiện hạnh YDA, truyền cảm hứng cho giới trẻ qua nhiều hoạt động bảo vệ môi trường và cứu trợ động vật.
Đức Nhiếp Chính Vương từng nhiều lần đến viếng thăm và cử hành các lễ Cầu an, Pháp hội Kim Cương thừa trao truyền quán đỉnh Phật Bản tôn, chia sẻ thông điệp Trí tuệ và Tình yêu thương của Đạo Phật đến người dân Phật tử ba miền đất nước Việt Nam. Những huấn từ dung dị mà sâu sắc, chân thành của Ngài giúp chúng ta tiếp cận Phật pháp một cách dễ dàng, qua đó hiểu được cách thức chuyển hóa lối sống, chuyển hóa tâm để được hạnh phúc an lạc.
TRUYỀN THỪA DRUKPA
Truyền thừa Drukpa được hoằng truyền vào nước ta từ năm 1992 nương công đức của cố Hòa thượng Viện chủ chùa Hương Thích Viên Thành với tâm nguyện đem sự thực hành của truyền thống Kim Cương thừa góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vì lợi ích người dân trong nước.
Truyền thừa Drukpa thuộc truyền thống Phật giáo Đại thừa – Kim Cương thừa có lịch sử khởi nguồn cách đây gần 1.000 năm từ Đức Naropa, một trong 84 Đại Thành tựu giả Ấn Độ. Đức Gyalwang Drukpa chính là hiện thân của Đức Quan Âm và là hóa thân chuyển thế của Đức Naropa quay trở lại nhân gian để phổ độ chúng sinh. Truyền thừa giác ngộ của Ngài bắt nguồn từ Đức Phật Kim Cương Trì và được tiếp nối qua các Đại Thượng sư là các Ngài Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa, Gampopa, Rechungpa, Phagmo Drupa và Lingchen Repa cho tới Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa.
Truyền thừa Drukpa nổi tiếng với sự thanh tịnh, đức chân tu khổ hạnh cùng những pháp tu trì thâm diệu thành tựu Phật quả ngay trong một đời như “Sáu Pháp Yoga của Naropa”, giáo pháp khẩu truyền tâm yếu “Đại Thủ ấn”, những giáo pháp thiền định đặc biệt như “Sáu Pháp Vị Bình Đẳng”, “Bảy Pháp Duyên Khởi”. Qua vô số công hạnh lợi tha từ di sản 1.000 năm, các bậc Thượng sư giác ngộ của Truyền thừa Drukpa luôn hướng cuộc đời mình vì một cuộc sống an bình, từ bi và trí tuệ cho tất cả chúng sinh.
Vào thời của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ I Tsangpa Gyare, bốn nghìn đệ tử của Ngài đạt được giác ngộ đã đem lại lợi ích cho vô số chúng sinh, nhờ đó Truyền thừa phát triển mạnh tại các quốc gia vùng Hymalaya như Nepal, Ladakh, Ấn Độ… và là quốc giáo của Bhutan. Đến ngày nay, tầm ảnh hưởng của Truyền thừa vẫn còn rộng khắp với hệ thống hàng trăm tự viện trên dãy Hymalaya và rất nhiều trung tâm trên toàn thế giới. Ngạn ngữ dân gian vùng núi tuyết còn lưu truyền câu kệ sau:
“Một nửa người dân là đệ tử Truyền thừa Drukpa,
Một nửa đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả Yogi,
Một nửa hành giả Yogi là Đại Thành tựu giả”