Trần Thái Tông (1218-1277) là hoàng đế khai quốc triều Trần, đồng thời cũng là một nhà thơ. Thơ Trần Thái Tông để lại không nhiều nhưng lại chứa đựng một giá trị sâu sắc, thể hiện được vẻ đẹp của tinh thần thời đại, khiến người đời sau không thể nào quên.
Tiêu biểu là hai bài kệ vô thường: “Sơ nhật vô thường kệ” và “Thử thời vô thường kệ”.
1. Sơ nhật vô thường kệ (Kệ “vô thường” đọc lúc sáng sớm)
Phiên âm:
Dạ sắc sơ phân hiểu,
Thần quang tiệm xuất không.
Ám thôi tân phát bạch,
Tiệm cải cựu nhan hồng.
Bất giác niên hoa xúc,
Do tranh nghiệp quả hùng.
Thân như băng kiến hiện,
Mệnh tự chúc đương phong.
Mạc tác trường niên khách,
Chung quy tảo chiếu công.
Dịch nghĩa:
Sắc đêm mới vừa hửng sáng,
Ánh ban mai hiện dần trên bầu trời.
Ngầm giục mái tóc xanh điểm trắng,
Dần thay vẻ hồng của dung nhan xưa.
Chẳng biết tuổi xuân ngắn ngủi,
Còn tranh nghiệp quả mạnh hùng.
Thân như băng gặp nắng trời,
Mệnh tựa ngọn đèn trước gió.
Chớ làm người khách trọ mãi mãi,
Cuối cùng hãy quay về với công soi rọi sớm (1)
2. Thử thời vô thường kệ (Kệ “vô thường” lúc bấy giờ)
Phiên âm
Miết nhãn ô luân tài xuất chán,
Hồi đầu hy ngự hựu dương ly.
Tận tham hủ mộc thẩm vưu thục,
Na tỉnh cao hòa ảnh dị di.
Thúc hốt hoa âm trùng phục đảo
Tuấn tuần khuẩn mệnh thịnh hoàn suy.
Chư nhân hạp tảo hồi quang chiếu,
Tự khổ khu trì lược lộ kỳ.
Dịch nghĩa:
Chớp mắt vừng ô vừa ra khỏi phương đông,
Ngoảnh đầu mặt trời lại đã đứng bóng
Hết thảy đều như cây gỗ mục quá ham giấc ngủ say sưa,
Nào biết bóng cây hòe đã chuyển dời.
Phút chốc bóng hòa lại nghiêng đổ,
Mệnh (như cây) nấm tuần tự thịnh rồi suy
Mọi người sao chẳng sớm đem ánh hồi quang soi lại mình
Mà tự khổ rong ruổi khắp mọi ngả đường (2)
Thả hồn trong thế giới nghệ thuật của hai bài kệ, ta nhìn thấy hình ảnh một con người thông tuệ, có cái nhìn thấu suốt về cuộc đời để nhận thức sâu sắc về sự chảy trôi vô tình của thời gian, về sự ngắn ngủi, chóng vánh, tạm bợ của kiếp người. Cảm quan nhân thế vô thường của Phật giáo giúp nhà thơ nhận ra khoảng trăm năm của đời người vụt trôi trong thoáng chốc, ranh giới giữa sinh – diệt, tồn – vong mỏng manh như “thân cỏ hèn mọc đầy núi non” (3).
Sự mẫn tiệp trong tư duy và sự nhạy cảm của một trái tim nghệ sĩ đã giúp nhà thơ cảm nhận thật tinh tế sự đổi thay, biến dịch không ngừng của ngoại vật diễn ra trong từng khoảnh khắc của ngày “Sắc đêm mới vừa hửng sáng/ ánh ban mai hiện dần trên bầu trời”, “Chớp mắt vừng ô vừa ra khỏi phương đông/ Ngoảnh đầu mặt trời lại đã đứng bóng”. Người ngồi đó, tĩnh tại, an nhiên đếm thời gian trôi trong từng “sắc đêm”, từng “ánh ban mai” hay “mặt trời đứng bóng” để rồi cảm nghiệm sâu sắc rằng mỗi thời khắc trôi qua là quỹ đời ngắn lại, “tóc xanh rồi sẽ trắng”, trẻ rồi sẽ già, dung nhan xưa theo thời gian sẽ dần đổi khác. Tuổi xuân của đời người ngắn ngủi, chóng vánh làm sao.
Quy luật “sinh – trụ – dị – diệt” của tự nhiên, “sinh – lão – bệnh – tử” của đời người được Trần Thái Tông thể hiện một cách độc đáo qua những liên tưởng, so sánh sinh động và rất đỗi tài hoa “Thân như băng gặp nắng trời/ Mệnh tựa ngọn đèn trước gió”, “Phút chốc bóng hòa lại nghiêng đổ/ Mệnh (như cây) nấm tuần tự thịnh rồi suy”. Kiếp người mong manh như “băng gặp nắng trời”, ngay lập tức sẽ tiêu tan. Thời gian của đời người qua mau như “ngọn đèn trước gió”, ngay lập tức sẽ tắt. Có sinh sẽ có diệt, có nổi sẽ có chìm, có tồn ắt có vong, đó là lẽ tất yếu mà ai cũng phải trải qua, là quy luật muôn đời của tạo vật, hiển nhiên như “cây nấm tuần tự thịnh rồi suy”. Chiều sâu của lý trí giúp nhà thơ nhìn thấy nơi “thân” – tức sự tồn tại của kiếp người cái tạm bợ, thoáng chốc, có đấy rồi lại không đấy, tất cả chỉ là phù du, hư huyễn.
Với Trần Thái Tông, sự ý thức quy luật nhân thế vô thường không đem đến cảm giác lo lắng, hoảng sợ trước những tàn phai, biến ảo của cuộc đời; không khiến ông mang nặng nỗi buồn “quán trọ trần gian” hay phải thở dài tuyệt vọng trước “tuồng ảo hóa” của cuộc đời. Trái lại, thấu hiểu quy luật là để bình thản đón nhận quy luật, vượt lên trên quy luật, luyện được “đóa sen vàng trong lò lửa” mà an nhiên, tự tại trước mọi biến dịch từ ngoại cảnh, hoàn toàn thanh thản trước mọi chuyện được – mất, thịnh – suy. Ý thơ khiến ta nhớ đến thiền sư Mãn Giác thời Lý, một bậc chân tu dù ý thức được “Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai” (Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi) (4) mà vẫn ung dung thả hồn theo một nhành mai bung nở giữa cảnh xuân tàn “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một nhành mai) (5).
Hiểu được cái lẽ “Thân như hơi thở qua buồng phổi/ Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa” (6), “ba sinh như ngọn đuốc trước gió” (7), tâm hồn nhà thơ bỗng dậy lên bao nhiêu xót xa, day dứt cho những con người mê muội, u tối, đang lãng phí thời gian của đời mình trong tất tả ngược xuôi, bon chen giành giật. Đó là những con người “Chẳng biết tuổi xuân ngắn ngủi/ Còn tranh nghiệp quả mạnh hùng”. Họ như “cây gỗ mục quá ham giấc ngủ say sưa” mà tự chuốc lấy phiền não, phải “rong ruổi khắp mọi ngả đường”.
Tuy nhiên, điều đáng quý là cái tâm trong sáng của nhà thơ không chỉ dừng lại ở những lời cảm khái mà được nâng lên thành những hành động rất đỗi nhân văn. Ông nhắn nhủ mọi người nên “sớm đem ánh hồi quang soi lại mình”, “quay về với công soi rọi sớm” từ đó tự phản tỉnh, tự nhận thức, sống một cuộc đời đầy ý nghĩa để không phải “làm người khách trọ mãi mãi”, không phải “rong ruổi khắp mọi ngả đường”. Như thế cũng có nghĩa là ông đã mở ra một con đường để mỗi người tự giác ngộ mà tìm thấy sự an lạc trong cõi đời.
Có thể nói, với những giá trị đặc sắc cả về tư tưởng lẫn nghệ thuật, hai bài kệ vô thường của Trần Thái Tông xứng đáng được xem là những tuyệt tác trong văn học thời Trần nói riêng và văn học dân tộc nói chung. Từ hai bài kệ ấy, ta nhìn thấy một Trần Thái Tông thấu suốt lẽ huyền vi của tạo vật, tự hình thành cho mình một quan niệm sống, một lối sống minh triết và nhân văn theo đúng tinh thần thời đại.
Chú thích:
1. Sơ nhật vô thường kệ – Trần Thái Tông, Tổng tập văn học Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học xã hội, HN, 2000.
2. Thử thời vô thường kệ – Trần Thái Tông, Sđd.
3. Lời bài hát “Giọt lệ thiên thu” của Trịnh Công Sơn.
4. Thơ Mãn Giác.
5. Thơ Mãn Giác.
6. Thơ Trần Nhân Tông.
7. Thơ Tuệ Trung