26.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Tự quán sát mình để được an lạc

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Bài kinh cuối cùng mà Nhà Sư muốn chia sẻ với quý vị trong đề tài này là bài kinh Tôn giả Ananda:

Một thời Thế Tôn ở Kosambi, tại vườn Ghosita, Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, chúng Tỳ kheo tăng sống an ổn trú?

– Này Ananda, khi nào vị Tỳ kheo tự mình đầy đủ giới, và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới.

– Bạch Thế Tôn, có pháp môn nào khác, nhờ vậy mà chúng Tỳ kheo tăng sống an ổn trú?

– Có thể có, này Ananda. Này Ananda, khi nào các Tỳ kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, không quát sát người chưa trở thành có danh tiếng, và không cảm thấy buồn phiền vì không được có danh tiếng, cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỳ kheo được an ổn.

sen

Này Ananda, khi nào Tỳ kheo đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với tăng thượng giới, tự quán sát mình, không quán sát người khác, chưa trở thành có danh tiếng, không cảm thấy bị buồn phiền vì không có danh tiếng, đối với bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức, cho đến như vậy, này Ananda chúng Tỳ kheo tăng sống an lạc trú. Tăng thượng giới tức là làm cho các giới pháp mà mình đã thọ ngày càng tăng trưởng, thân tâm mình ngày càng vui hơn, thân mình nó nhẹ hơn, miệng mình nó yên tịnh hơn, và tâm ý của mình được thanh thoát hơn, cởi mở hơn, như thế là đã được tăng thượng giới.

Một vấn đề khác được Đức Phật đề cập đến trong đoạn kinh trên là “tự mình đầy đủ giới, và không làm phiền hà người khác”, có nghĩa là tự mình tu tập và không vì sự tu tập của mình mà gây phiền hà đến người khác.

Cùng với đó, Đức Phật dạy chúng ta phải “tự quán sát mình, không quán sát người khác”. Theo tinh thần này thì tu tập là tự quan sát mình, tự soi sáng chính mình, tự nhìn vào tâm ý của mình để rồi tự hoàn thiện chính mình, không để ý đến người khác, không quản việc của người khác.

Trong thực tế, chúng ta hay để ý đến những sai quấy, lỗi lầm của người khác rồi chỉ trích, soi mói, nói xấu, thêu dệt đủ điều, làm cho người không yên mà mình cũng không yên. Những người hay tò mò, tọc mạch chuyện của người khác thì bị xem là người nhiều chuyện, và người ta thường tìm cách tránh xa những người đó. Do vậy, vâng theo lời Phật dạy, chúng ta cố gắng dừng lại thói quen quán sát người khác, thay vào đó là tập thói quen quán sát bản thân, quán sát tâm ý của mình để sửa mình, để tu tập. Được như thế thì chúng ta dần dần sẽ có được an vui, sẽ được sống an ổn.

Nhà Sư xin chia sẻ với quý vị mấy câu thơ sau:

Lỗi người dễ thấy, dễ buồn,

Lỗi mình khó thấy lại thường dễ quên,

Lỗi người cố bươi móc tìm,

Lỗi mình cố giấu như ghìm bài gian

Đây là những câu thơ rất ý nghĩa! Mọi người cố gắng ghi nhớ và vận dụng vào trong cuộc sống để có thể gặt hái được những thành quả tốt đẹp của sự tu tập.

Hơn nữa, trong cuộc sống, kể cả người tại gia lẫn xuất gia đều thích được nổi tiếng, thích có danh tiếng. Nếu mình chưa có danh tiếng, chưa được nổi tiếng thì mình hay sinh phiền muộn.

Đôi khi cùng tu học trong một đạo tràng, thấy có người kia được khen tặng, mình thấy mình giỏi hơn người kia, mình làm nhiều hơn người kia mà lại không được ca ngợi, không được khen thì cảm thấy không vui. Cho nên Đức Phật đã chỉ rõ tâm ý này cho chúng ta thấy, dù mình không có danh tiếng thì cũng không cảm thấy buồn phiền vì điều đó. Và khi mọi người tu tập dần dần như thế thì sự an lạc, giải thoát sẽ đến với chúng ta một cách tự nhiên ngay trong đời sống hiện tại, chứ không đợi đến tương lai xa xôi nào cả.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo