19.1 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Thiện pháp và cuộc sống thiện lành

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Tất cả các tôn giáo đều khuyến khích mọi người không làm điều ác, hãy làm điều thiện và sống một cuộc sống thiện lành. Vậy Giáo lý Đức Phật khác với những tôn giáo khác ở điểm gì?

Cái gì là thiện là thiện, và cái gì là bất thiện là bất thiện, bất kể tạo bởi ai, theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, Phật giáo khác so với các Giáo lý khác ở cách giải thích nguồn gốc của thiện: chính tâm thực hiện thiện pháp. Đức Phật giảng chi tiết những loại tâm khác nhau cùng các tâm sở sinh kèm với chúng, cũng như các duyên cho sự sinh khởi của chúng. Ngài giúp mọi người biết được đặc tính của thiện và bất thiện. Bằng cách đó các tâm sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày có thể được tìm hiểu, và các mức độ khác nhau của thiện và bất thiện có thể được tự mình kinh nghiệm. Khi chúng ta suy nghĩ về thiện pháp như bố thí hay giúp đỡ, chúng ta thường nhìn vào vẻ bề ngoài, chúng ta nghĩ về người làm việc thiện. Tuy nhiên, bề ngoài của sự việc có thể gây hiểu lầm. Liệu có thiện pháp được tạo hay không lại tùy thuộc vào tính chất của tâm. Chỉ chúng ta mới có thể biết tính chất tâm của mình. Biết được khi nào tâm là thiện và khi nào là bất thiện là thiết yếu.

Thực hành thiện pháp không chỉ bao gồm hành động bố thí, mà còn có giữ giới và phát triển tâm trí. Việc hiểu thêm chi tiết về các hình thái thiện pháp khác nhau là điều quan trọng. Trong Giáo lý Đức Phật, thiện pháp có thể chia làm ba loại, đó là bố thí, trì giới và phát triển tâm trí. Việc tìm hiểu về các hình thái thiện pháp cũng chính là duyên cho sự phát triển thiện pháp trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Bố thí thuộc loại đầu tiên trong ba phân loại thiện pháp, tuy nhiên việc cho đi hay bố thí không phải lúc nào cũng là nghiệp thiện. Có thể có những khoảnh khắc buông bỏ thực sự, nhưng có thể bị đan xen bởi những tâm bất thiện. Chúng ta có thể mong đợi một sự đáp trả, và lúc đó có tâm bất thiện với nhân tham. Hoặc chúng ta có thể thấy rằng món quà cho đi quá đắt tiền và thấy hối tiếc về điều đó. Lúc đó thì có tâm bất thiện với bỏn xẻn bắt nguồn từ sân (căn sân). Người nhận món quà của chúng ta có thể không biết ơn, nên chúng ta có thể buồn hoặc khó chịu. Chúng ta thường quá chú ý đến ảnh hưởng của hành động của mình lên người khác. Để phát triển những gì là thiện, ta không nên bận tâm đến phản ứng của người khác đối với những việc làm tốt của mình.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thông qua Giáo lý Phật giáo, người ta học được cách tìm hiểu những khoảnh khắc khác nhau của tâm thúc đẩy hành động của mình. Sự quảng đại phát sinh với tâm thiện, nó không phụ thuộc vào sự biết ơn của người khác. Một người có ý định phát triển thiện pháp sẽ không bị xáo trộn bởi các phản ứng của người khác. Liệu luôn bận rộn với các tâm của mình có phải là một thái độ ích kỷ? Thực ra là ngược lại, khi ta biết khi nào tâm là thiện và khi nào tâm là bất thiện thì có khả năng phát triển nhiều thiện pháp, và điều này là có lợi cho mình và cho người. Chúng ta đã tích lũy vô số phiền não và do đó, tâm thiện rất hiếm khi sinh khởi. Khi có duyên cho sự rộng lượng bố thí, ở khoảnh khắc ấy không có keo kiệt, bỏn xẻn hay dính mắc vào của cải. Sự phát triển của thiện pháp thúc đẩy một xã hội an hòa. Quảng đại là một thực tại bên trong chúng ta, nó sinh khởi với thiện tâm. Ngay cả khi không có cơ hội bố thí của cải vật chất thì có những cách khác phát triển sự quảng đại. Tán thán những việc làm tốt của người khác thể hiện bằng lời khen ngợi và đồng tình cũng là một hính thái bố thí.

Tôi đã học được cách hành thiện này ở Thái Lan và cách này được thực hành khắp nơi. Người ta cúi đầu với bàn tay chắp lại và nói: “anumodana”, một thuật ngữ Pāli có nghĩa là tạ ơn hay tùy hỷ. Bằng cách này họ thể hiện sự trân quý thiện pháp của người khác. Tại khoảnh khắc đó, tâm thanh tịnh, không có ghen tỵ hay bỏn xẻn. Một người có thể keo kiệt, bỏn xẻn không chỉ đối với tài sản, vật sở hữu, mà còn đối với cả lời khen. Tùy hỷ với thiện pháp của người khác là một cách để loại bỏ tính bỏn xẻn. Khi người ta học cách hành thiện này thì sẽ có nhiều duyên hơn cho việc nói về người khác một cách thiện lành. Chúng ta có xu hướng nói về bất thiện của người khác, nhưng khi tin vào lợi ích của thiện pháp thì chúng ta có thể thay đổi thói quen. Chúng ta có thể học nói năng một cách thiện lành. Một hình thái bố thí nữa là cho người khác cơ hội để hoan hỷ với những việc làm tốt của mình. Liệu đó có là duyên cho tự hào hay không? Khi một người cố gắng gây ấn tượng với người khác thì có tâm bất thiện sinh khởi.

Tuy nhiên, khi ai đó chân thành muốn giúp người khác có tâm thiện, thì đó là một hình thái bố thí gọi là “chia phước”. Có hình thái thiện pháp này hay không là phụ thuộc vào tâm. Chia phước không có nghĩa là người khác có thể nhận được quả của nghiệp thiện mà chúng ta đã tạo. Mỗi chúng sinh thọ nhận quả của nghiệp do mình tạo ra. Chia phước có nghĩa là giúp người khác có tâm thiện đối với thiện pháp của chúng ta. Bằng cách này, chúng ta cũng có thể giúp được chúng sinh ở những cảnh giới khác, miễn là họ ở cảnh giới có thể thấy được những việc làm tốt của chúng ta và có thể hoan hỷ về điều đó.

Ở các nước Phật giáo, việc hồi hướng thiện pháp của mình bằng lời nói hay cử chỉ tới người đã khuất là một mỹ tục. Khi cúng dường trai tăng hoặc y áo cho các vị tăng, người ta rót nước vào tay của một người trong khi các nhà sư tụng kinh chúc phúc. Đây là cách thể hiện ý định hồi hướng thiện pháp của mình đến các chúng sinh khác. Có những cách khác để thực hành bố thí. Tránh sát sinh, tránh nói dối và tránh các hành động tà ác khác có thể được xem như là một khía cạnh của bố thí. Trong việc tiết chế, không làm điều ác tổn hại chúng sinh khác, ta cho chúng một cơ hội sống an hòa. Ví dụ, khi tránh giết hại côn trùng, chúng ta tặng món quà cuộc sống. Một khía cạnh khác của bố thí là tha thứ cho những việc làm sai trái của người khác. Khi người khác nói những lời xúc phạm, chúng ta thường sân hận và ngã mạn. Khi chúng ta nghĩ, “Tại sao anh ta làm điều đó với tôi”, chúng ta suy nghĩ về “anh” và “tôi”, như vậy là có sự so sánh với ngã mạn. Có thể có ngã mạn không chỉ khi chúng ta nghĩ mình hơn người khác, mà còn khi chúng ta nghĩ mình kém hoặc bằng người khác. Ngã mạn ngăn cản chúng ta tha thứ. Khi chúng ta bướng bỉnh và tự phụ, tâm rất thô cứng. Khi thấy lợi ích của thiện pháp thì chúng ta có thể tha thứ. Lúc đó tâm nhẹ nhàng, không có sân hận hoặc ngã mạn. Ta muốn người khác được hạnh phúc. Cách thể hiện sự bố thí như thế này không cần phải có của cải vật chất gì mới thực hiện được và luôn có thể thực hiện ngay. Khi biết rằng tha thứ là một hành động bố thí, thì có cảm hứng cho chúng ta tha thứ một cách dễ dàng hơn. Một khía cạnh khác của bố thí (loại thứ nhất trong phân loại ba thiện pháp) là thuyết Pháp. Khi một người giải thích lời Phật dạy cho người khác là đang giúp họ phát triển hiểu biết đúng về các thực tại của đời sống. Đây là con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ và do đó, món quà Pháp (pháp thí) là quà bố thí cao thượng nhất. Không chỉ có bố thí mà giữ giới cũng là một cách thực hành thiện pháp. Đây là loại thứ hai trong phân loại ba thiện pháp. Giữ giới có nhiều khía cạnh. Không làm điều ác, làm điều thiện qua thân và khẩu cũng thuộc cách hành thiện này.

Chúng ta có thể tin rằng mình đang sống một cuộc sống thiện khi không làm hại bất cứ ai. Tuy nhiên, chúng ta nên xem xét liệu các tâm sinh khởi là tâm thiện hay tâm bất thiện. Và rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng mình có nhiều phiền não đến mức nào. Đức Phật dạy chi tiết về tất cả các tâm sở thiện và bất thiện sinh kèm với tâm trong các kết hợp khác nhau. Ngài giải thích tất cả các mức độ khác nhau của bất thiện và thiện. Biết được liệu tâm thiện hay tâm bất thiện thúc đẩy hành động và lời nói của chúng ta là điều cần thiết bởi vì bề ngoài của hành động và lời nói rất dễ gây hiểu lầm. Chúng ta có thể nói lời dễ nghe nhưng chúng ta làm như vậy với động cơ ích kỷ. Chúng ta có thể tâng bốc người khác để có được một đặc ân nào đó hoặc để lấy lòng người ta.

Như vậy lời nói là không thiện và bị thúc đẩy bởi tham. Chúng ta cần phải biết tham, sân, ganh tị và ngã mạn của mình, chúng ta phải biết tất cả phiền não của mình. Tránh làm điều ác là giữ giới. Có ba hành động bất thiện qua thân: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Có bốn hành động bất thiện qua khẩu: nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời thô ác, nói lời vô ích. Nói đến sát sinh thì đây là giết hại có chủ ý bất kỳ chúng sinh nào, kể cả côn trùng. Ngoài ra, sai khiến người khác giết hại cũng nằm trong loại bất thiện nghiệp này.

Như vậy thì Phật tử có nên ăn chay hay không? Đức Phật không dạy mọi người kiêng thịt. Các tu sĩ phải thọ nhận bất kỳ thực phẩm nào do phật tử dâng cúng. Đức Phật giải thích cho các tỳ kheo rằng họ có thể ăn thịt, trừ phi họ nhìn thấy, nghe thấy hoặc nghi ngờ rằng một con vật bị giết dành cho họ. Chúng ta đọc trong Tạng Luật (Phần Bốn IV, Đại Phẩm VI, Về Thuốc, 237) kể về tướng quân Siha, người đã chứng đắc ngay sau khi nghe Phật thuyết. Ông ta đã cúng dường trai tăng trong đó có thịt lên Đức Phật và tăng đoàn. Nigaṇṭhas, kẻ theo giáo lý khác (ngoại đạo) thì cảm thấy tội lỗi khi cúng dường thịt. Trong bài kinh chúng ta thấy, sau bữa trai tăng Đức Phật đã giải thích cho các tỳ kheo như sau:

“Này các tỳ kheo, không nên thọ dụng thịt của con vật bị giết có chủ đích cho mình. Ai sử dụng thịt này là phạm giới tác ác (dukkhata). Ta cho phép các vị, này các tỳ kheo, cá và thịt là tinh khiết trong ba khía cạnh (tam tịnh nhục): nếu các vị không nhìn thấy, nghe thấy, nghi ngờ con vật (bị giết có chủ đích cho một tu sĩ).” Câu trả lời này có thể không làm hài lòng tất cả mọi người. Người ta có thể băn khoăn liệu mình có gián tiếp thúc đẩy việc giết mổ động vật bằng cách mua thịt. Sẽ tốt nếu không có giết mổ gì cả, không có bạo lực. Tuy nhiên, thế giới này không phải là một thế giới viễn tưởng. Động vật bị giết mổ và thịt được bán ra. Nếu một người mua thịt đã giết mổ rồi về ăn thì không thực hiện một hành vi bạo lực nào. Trong khi một người thực hiện hành vi giết chóc thì có tâm bất thiện bắt nguồn từ sân; giết chóc là một hành động bạo lực. Trong khi ăn thịt, người ta có thể khởi tâm tham hay sân đối với món thịt đó, nhưng không có hành vi bạo lực đối với một chúng sinh. Giữ giới thuộc về thiện pháp trì giới. Khi một người thọ giới, người ấy có quyết tâm rèn mình không làm điều bất thiện. Có giới cho tỳ kheo, sa di, tu nữ và cũng có giới cho cư sĩ.

Hiện nay ni đoàn không tồn tại nữa nhưng chúng ta vẫn thấy ở một số nước theo Phật giáo có những phụ nữ xuất gia và sống cuộc sống của một tu nữ. Như chúng ta thấy, các vị tỳ kheo có nghĩa vụ chấp hành rất nhiều quy định của giới luật. Còn cư sĩ thì giữ năm giới, trong một số dịp đặc biệt họ có thể giữ bát quan trai giới (tám giới). Giới không được diễn đạt dưới hình thức răn đe, cấm đoán mọi người không được làm điều bất thiện, mà đó là những điều học có thể vâng giữ nhằm mục đích giảm đi bất thiện pháp. Cư sĩ có thể thọ ngũ giới làm nền tảng cho thiện pháp trì giới. Khi một người thọ giới, có sự quyết tâm răn mình không theo bất thiện pháp như: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng chất say, trong đó có uống rượu. Khi ai đó trong tình huống có thể dẫn đến hành động bất thiện qua thân và khẩu nhưng họ đã tiết chế điều đó với tâm thiện thì đó là trì giới. Tránh nói lời đâm thọc, nói lời nói thô ác và nói chuyện phiếm không thuộc năm giới cư sĩ. Tuy nhiên tiết chế được là thiện nghiệp. Chúng ta có thể ở trong tình huống bị thúc đẩy nói lời thô ác, nhưng khi tiết chế được điều đó với tâm thiện thì là trì giới. Khi người khác mắng mình, chúng ta có thể tránh việc cãi lại. Tuy nhiên, nếu chúng ta giữ im lặng với sân hận thì không phải là giữ giới. Chúng ta phải xem xét tâm để biết liệu có hành vi giữ giới hay không. Rất khó tránh khỏi nói lời vô ích hay chuyện phiếm. Hầu hết thời gian chúng ta tham gia vào các câu chuyện phiếm về các đối tượng dễ chịu, chẳng hạn như các món ăn ngon, thời tiết đẹp hoặc những chuyến du lịch. Chúng ta có thể nghĩ rằng những cuộc đối thoại như vậy là tốt vì không làm hại người khác.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thông qua Giáo lý Đức Phật, chúng ta học để tìm hiểu tâm nào thúc đẩy những câu chuyện như vậy. Chúng ta có thể thấy rằng hầu như mình chỉ nói với sự dính mắc về các đối tượng dễ chịu, và như vậy sẽ ngày càng tích lũy thêm dính mắc. Chúng ta không phải tránh các cuộc trò chuyện như vậy, nhưng biết được bản chất của tâm thúc đẩy lời nói của mình là điều rất lợi ích. Khi có duyên cho tâm thiện, chúng ta có thể nói chuyện về các chủ đề thú vị với từ ái và sự quan tâm đến người khác. Chỉ có những người đã giác ngộ hoàn toàn mới không còn nhân duyên cho việc nói lời vô ích. Vị ấy đã tận diệt tất cả các loại bất thiện pháp, kể cả bất thiện pháp ở mức độ vi tế. Hành ác thông qua thân hoặc khẩu vì lợi ích sinh nhai của mình là tà mạng. Khi một người tránh hành ác vì kế sinh nhai thì được gọi là chánh mạng. Ví dụ, người ta có thể bị thúc đẩy, bị cám dỗ dẫn đến nói dối để trục lợi nhiều hơn trong làm ăn, kinh doanh. Nếu không dùng lời nói theo cách đó thì đã có chánh mạng. Thật khó có thể giữ giới trọn vẹn trong mọi hoàn cảnh. Nếu một người có lòng tin vào lợi ích của thiện pháp thì dần dần có thể rèn mình trong việc giữ giới. Thông thường người ta có thể không muốn diệt côn trùng, nhưng khi ngôi nhà họ có đầy bọ chét thì dễ bị thúc đẩy đến việc tiêu diệt chúng. Giết chóc đôi khi có vẻ là cách nhanh chóng và dễ dàng giải quyết vấn đề. Người ta cần nỗ lực nhiều hơn để tránh sát sinh, nhưng khi có niềm tin vào thiện pháp, người ta sẽ tìm cách khác để giải quyết vấn đề của mình và tránh sát sinh.

Tuy nhiên, chỉ những vị đã đạt được giác ngộ mới không bao giờ phạm ngũ giới, dù sức khỏe hay cuộc sống của họ có bị tổn hại. Phát triển hiểu biết về các thực tại của đời sống dẫn đến việc giữ giới một cách trọn vẹn. Bày tỏ lòng kính trọng đối với những người đáng được tôn kính thuộc về giữ giới. Ở các nước Phật giáo, có truyền thống kính trọng cha mẹ, thầy giáo, người già, các chư tăng và sadi. Khi đó, ta có cơ hội để biểu lộ sự trân quý của mình đối với phẩm hạnh, trí tuệ, sự dẫn dắt và hỗ trợ của họ. Chúng ta thấy các cư sĩ bày tỏ sự tôn kính với các chư tăng bằng cách chắp tay và cúi đầu, hoặc đảnh lễ năm vóc sát đất. Với người không sống trong một nước Phật giáo có thể tự hỏi tại sao người ta lại bày tỏ lòng tôn kính các nhà sư theo cách hạ mình như vậy. Các nhà sư đã rời bỏ cuộc sống trần tục để sống đời sống phạm hạnh, xả ly.

Ngay cả khi họ không hoàn hảo đi chăng nữa, họ vẫn có thể nhắc nhở chúng ta về những bậc đã đạt đến sự hoàn hảo, tức là sự giác ngộ hoàn toàn. Ở các nước Phật giáo, người ta có thể nhìn thấy ai đó lễ lạy trước một bức tượng Phật. Đó không phải là một hình thức thờ cúng thần linh hay cầu khấn Đức Phật. Người ta không thể cầu khấn Đức Phật vì Ngài không ở cảnh trời hay bất kỳ cảnh giới nào trong tam giới. Ngài đã tịch diệt hoàn toàn và không còn tái sinh trở lại. Người ta có thể nhớ đến ân đức Phật, đến trí tuệ, lòng từ bi và sự thanh cao của Ngài, và bày tỏ lòng tôn kính đối với những phẩm hạnh cao thượng đó bằng cử chỉ và lời nói. Cách biểu lộ sự tôn kính như thế nào phụ thuộc vào căn tính của mỗi người. Có người cung kính một ai đó với động cơ ích kỷ, chẳng hạn như mong muốn một đặc ân nào đó, nhưng khi ấy, tâm là bất thiện. Khi ai đó bày tỏ sự tôn trọng hay lịch thiệp với lòng chân thành thì đó là tâm thiện. Tại khoảnh khắc ấy không có dính mắc hay kiêu mạn.

Một cách khác cũng là thiện nghiệp thuộc về trì giới là giúp người khác bằng lời nói và hành động. Để biết liệu có thiện hay không thì chúng ta phải xem xét cái tâm thúc đẩy sự giúp đỡ. Người ta có thể giúp đỡ một người nào đó với động cơ ích kỷ hoặc với sự miễn cưỡng, và đó không phải là nghiệp thiện. Giúp với lòng vị tha là giữ giới. Tại thời điểm đó có sự xả ly. Chúng ta có xu hướng lười biếng và dính mắc với sự thoải mái của mình, nhưng để giúp một người nào đó, chúng ta có thể phải từ bỏ sự thoải mái ấy và nỗ lực cho điều thiện. Khi tâm thiện phát sinh, chúng ta nghĩ đến lợi ích của người khác. Ngoài ra, việc lắng nghe, chú ý quan tâm đến người khác khi họ chia sẻ các vấn đề cũng là cách giúp đỡ họ. Kinh điển Phật giáo có kể về những câu chuyện tiền thân của Đức Phật, trong đó có rất nhiều hướng dẫn thiết thực để có một cuộc sống thiện trí và nhân từ trong quan hệ xã hội của con người. Có những chỉ dẫn cho các vị vua để trị vì với công bằng và nhân từ, những chỉ dẫn ấy có thể được áp dụng cho tất cả các dịch vụ công ngày nay.

Chúng ta đọc trong kinh “Kutadanta” (Trường Bộ Kinh, số kể rằng Đức Phật đã kể với Bà la môn Kūtadanta về một vị vua muốn chủ trì một lễ tế lớn, và xin tư vấn từ vị chủ tế của mình. Vị chủ tế đã khuyên vua làm một tế đàn trong đó không cần tới sự tổn hại các sinh linh. Ông nói với nhà vua rằng, thay vì trừng phạt những tên cướp ở nước mình, nhà vua có thể cải thiện tình hình kinh tế, là cách có thể đem lại hiệu quả hơn trong việc giảm bớt tội phạm. Vua nên cung cấp hạt giống cho nông dân, cấp vốn cho thương nhân, cấp tiền lương và lương thực cho những người phục vụ trong triều đình. Như thế thì ách nạn sẽ được giải quyết và loạn lạc được chấm dứt. Vua nghe theo lời khuyên của chủ tế và thực hiện công cuộc đại bố thí cho người dân.

Đức Phật giải thích cho Kūtadanta rằng tế đàn không nhất thiết phải là sự bố thí của cải vật chất, mà có thể thiên về tinh thần, cụ thể là có đức tin trong sạch nơi Phật, Pháp và “Tăng” – cộng đồng các môn đệ giác ngộ – cũng như phát triển tâm trí, bao gồm cả sự phát triển trí tuệ dẫn đến giác ngộ hoàn toàn. “Kinh Sigālovāda” (Trường Bộ Kinh, số 31) gồm có các quy tắc đạo đức xã hội dành cho cư sĩ. Đức Phật giải thích cho Sigala rằng cần phải có tình yêu thương và thiện chí trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò, vợ và chồng, chủ và tớ, cư sĩ và những vị đã xuất gia. Đức Phật đã cảnh báo Sigala về tất cả hậu quả của tà nghiệp và sự nguy hại khi giao du với bạn xấu. Một người bạn xấu có thể chiếm đoạt tài sản của bạn mình, đãi bôi và nịnh bợ. Trong khi đó, một người bạn tốt cho lời khuyên đúng, đồng cảm và không từ bỏ bạn mình trong khó khăn, họ thậm chí còn sẵn sàng hy sinh mạng sống bản thân cho bạn hữu. Một người bạn tốt luôn vì lợi ích tinh thần của bạn mình. Chúng ta đọc: Bạn kiềm chế điều ác, Bạn khuyến khích điều tốt, Bạn nói điều chưa biết, Bạn chỉ tới cảnh trời.

Những nguyên lý của Phật giáo về thiện chí và vị tha có thể áp dụng được trong thế giới ngày nay ở mỗi cộng đồng, từ cấp quốc gia cho đến quốc tế, kể cả trong hợp tác phát triển. Người ta có thể áp dụng các nguyên lý này một cách hiệu quả nếu đồng thời phát triển hiểu biết về các tâm khác nhau khi chúng sinh khởi, các thiện tâm hay bất thiện tâm. Hiểu biết này sẽ tránh việc hiểu lầm, coi bất thiện là thiện. Rất cần thiết biết được các động cơ vị kỷ thúc đẩy hành động, lời nói của chúng ta, biết được các phiền não của mình. Nếu không thì việc làm và lời nói của chúng ta sẽ không chân thực. Đối với cư sĩ thì khó có thể giữ giới trong mọi tình huống. Người ta có thể ở trong hoàn cảnh khó tiết chế bất thiện nghiệp, ví dụ như sát sinh. Người có tích lũy cho đời sống tu sỹ xuất gia để có thể giữ giới trọn vẹn hơn. Có giới cư sĩ và giới tỳ kheo. Giới tỳ kheo thì ở tầm cao hơn. Vị đó sống một cuộc sống hiền thiện và thiểu dục tri túc. Vị ấy từ bỏ cuộc sống thế gian để dành trọn cho việc học và thực hành Pháp, cũng như giảng dạy lại cho những người cư sĩ.

Chúng ta đọc trong Bộ Phân Tích (Vi Diệu Pháp, 12, Phân Tích Định) về cuộc sống của một vị tỳ kheo: đây, một vị tỳ kheo sống trong phạm hạnh và hành trì giới bổn, cư xử đúng mực và sử dụng đồ khất thực phù hợp, thấy được sự nguy hại trong từng lỗi lầm nhỏ nhất, nghiêm trì giới luật, thu thúc lục căn, tiết độ trong ăn uống, trong canh đầu và canh cuối của đêm, thực hành tỉnh giác, tinh cần và thấu triệt, thực hành minh sát để phát triển tới các trạng thái giác ngộ.

Mục tiêu của đời sống tu hành là loại bỏ cấu uế, phiền não thông qua phát triển trí tuệ, đạt đến trạng thái giác ngộ hoàn toàn. Các tỳ kheo có nghĩa vụ nghiêm trì hai trăm hai mươi bảy giới. Các giới này thuộc Tạng Luật, Giới luật dành cho tỳ kheo.

Chúng ta đọc thấy rằng mỗi khi một tỳ kheo không hành xử xứng đáng với cuộc đời phạm hạnh thì Đức Phật lại chế ra một giới để giúp vị ấy. Giới Luật không nên tách rời với phát triển tâm trí, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ về các hiện tượng danh và sắc trong cuộc sống.

Nếu không sẽ chỉ có sự giữ giới mang tính hình thức mà không có sự thanh lọc tâm. Làm thế nào người ta có thể “nhìn thấy sự nguy hại trong những lỗi lầm nhỏ” nếu không có hiểu biết đúng về các thực tại trong cuộc sống của mình, trong đó có cả các loại tâm khác nhau sinh khởi?

Nhiệm vụ của một vị tỳ kheo là phát triển hiểu biết về Giáo Pháp và giảng giải Pháp cho những người khác. Nhiệm vụ của vị ấy còn là giữ gìn Giáo pháp của Đức Phật. Công việc xã hội không phải là nhiệm vụ của một vị tỳ kheo mà là của cư sĩ. Quy định Giới Luật có từ thời Đức Phật khoảng hai ngàn năm trăm năm trước vẫn còn hiệu lực tới ngày nay.

Một thời gian ngắn sau khi Đức Phật nhập diệt, đại hội đồng tập kết kinh điển đầu tiên được tổ chức tại thành Vương Xá dưới sự chỉ đạo của một bậc Đại đệ tử của Đức Phật là ngài Đại Ca Diếp (Mahā-Kassapa). Chúng ta đọc trong cuốn chú giải cho Tiểu Tụng và Kinh Tập (cuốn Paramatthajotika) rằng có năm trăm vị tỳ kheo hoàn toàn giác ngộ (A-la-hán) đã thuật lại toàn bộ các bài kinh trong Giáo lý của Đức Phật. Chúng ta đọc thấy rằng khi ngài Mahā-Kassapa hỏi họ là sẽ tụng lại phần nào trước, các vị A-la-hán đã trả lời: “Giới Luật chính là sự sống của Giáo Pháp; chừng nào Giới Luật còn thì Giáo Pháp còn, vì vậy hãy để chúng tôi thuật lại Giới Luật trước.” Một vị tỳ kheo cần rèn luyện mình về thiểu dục. Vị ấy được phép sử dụng tứ vật dụng như: y áo, đồ khất thực, cốc liêu và thuốc men, nhưng các vật dụng này không phải là tài sản cá nhân của họ mà thuộc về Tăng đoàn. Vị ấy phụ thuộc vào các cư sĩ để nhận những vật dụng cần thiết này và nên hài lòng với bất cứ thứ gì nhận được. Tứ vật dụng là đời sống của tu sĩ và vị ấy cần tu tập trong sự thanh tịnh của đời sống. Tìm hiểu thêm về Giới luật tỳ kheo là quan trọng đối với các cư sĩ.

Tu sĩ và cư sĩ có lối sống khác nhau, nhưng cư sĩ có thể được lợi lạc từ việc nghiên cứu Giới luật và áp dụng một số quy tắc trong hoàn cảnh riêng của mình trong cuộc sống hàng ngày. Các quy tắc này cũng có thể giúp các cư sĩ “nhìn thấy nguy hại trong những lỗi lầm nhỏ”, rà soát tâm mình, với tư cách là một cư sĩ, khi ở trong hoàn cảnh tương tự của chư tăng. Cả tu sĩ và cư sĩ đều có thể trì giới trên thân, khẩu, ý. Ví dụ, chúng ta đọc trong Tạng Luật (Phân tích Giới bổn II, Ưng đối trị, phần Thảo mộc, điều học thứ sáu [383]) thấy rằng một số vị tăng đã chiếm những nơi ngủ tốt nhất vốn được dành cho những vị trưởng lão. Đức Phật đã chế một điều luật, quy định rằng đó là một hành vi phạm giới. Sự việc như vậy cũng có thể nhắc nhở một cư sĩ không nên giành vị trí tốt nhất cho mình trong một căn phòng, trong xe buýt hay xe lửa. Người ta có thể nghĩ rằng mình có quyền ở nơi tốt nhất, nhưng đây là ngã mạn. Có thể thấy được rằng tại thời điểm đó, không có từ bi mà là tâm bất thiện.

Khi đọc trong Tạng Luật nói về cuộc sống hàng ngày của các nhà sư và về những tình huống mà vị ấy bị cám dỗ lơ là giới luật, chúng ta được nhắc nhở về những phiền não của mình, điều này có thể giúp chúng ta nhận ra lỗi lầm và những thói xấu bắt rễ sâu dày của chính mình.

Các vị tỳ kheo cần nhớ rằng tứ vật dụng như y áo, thực phẩm, chỗ ở và thuốc men được sử dụng để có thể duy trì sức khỏe và cống hiến đời mình cho nhiệm vụ phát triển hiểu biết về các thực tại. Vị ấy không nên gợi ý cư sĩ dâng loại thực phẩm mà mình thích, và không nên thọ dụng trong sự dính mắc vào vật dụng bằng cách tích trữ thực phẩm hoặc y áo. Vị ấy không nên cố gắng để có được tứ vật dụng bằng các cách không đúng đắn, chẳng hạn như giả vờ có tiến bộ hơn trong phát triển trí tuệ so với thực tế của vị ấy.

Vị ấy có thể có hành vi đạo đức giả như từ chối vật cúng dường để các cư sĩ tin rằng mình là một người thiểu dục tri túc, rồi sau đó thì cúng dường cho vị ấy nhiều thứ hơn. Các vị này có thể cố gây ấn tượng với người khác bằng phong thái của mình. Chúng ta đọc trong Thanh Tịnh Đạo (Chương I, số 70) như sau: đây, một người có ác dục, nạn nhân của tham ái, khát khao được ngưỡng mộ tán thán, tự nhủ: “Mọi người sẽ ngưỡng mộ mình” nên làm bộ tịch khi đi, làm bộ tịch khi nằm; vị ấy bước đi có nghiên cứu, đứng có nghiên cứu, ngồi có nghiên cứu, nằm có nghiên cứu. Vị ấy bước đi làm bộ như rất đăm chiêu, khi đứng, ngồi, nằm dường như rất tập trung quán tưởng. Vị ấy là người toạ thiền chốn đông người.” Thanh Tịnh Đạo giải thích rằng ham muốn tứ vật dụng có thể thúc đẩy lời nói với tâm bất thiện.

Chúng ta đọc (Chương I, số 72) về các loại lời nói bất thiện: Nói tâng bốc là cách nói lấy lòng mọi người được lặp đi lặp lại mà không quan tâm đến liệu có đúng với sự thật và Pháp. Tâng bốc là nói một cách hạ mình, luôn luôn duy trì một thái độ tự ti, thấp kém. Cháo đỗ sượng thì cũng tương tự cháo đỗ, chẳng là do khi nấu, một số hạt chưa chín, số còn lại thì chín, cũng như vậy, kẻ mà trong lời nói chỉ có vài điều đúng sự thật, những điều còn lại thì sai sự thật, được coi như “cháo đỗ”; pháp của anh ta được gọi là “cháo đỗ sượng”.

Không chỉ các nhà sư mà cư sĩ cũng có thể không thành thật trong cách cư xử và lời nói của mình để có được thứ mong muốn. Chúng ta nên kiểm tra xem lời nói của mình có là “cháo đỗ sượng” không. Có thể chúng ta nói những điều đúng một chút và sai một chút. Chúng ta có thể tin rằng không có hại gì trong “cháo đỗ sượng”, nhưng tại thời điểm đó chúng ta tích lũy xu hướng nói dối.

Một vị tỳ kheo cần nhắc nhở mình trong vấn đề liên quan đến tứ vật dụng. Vị ấy nên thọ dụng chúng mà không tham lam và chân chánh quán tưởng khi thọ dụng chúng. Chúng ta đọc trong Thanh Tịnh Đạo (Chương I, số 85) về việc thọ dụng đồ khất thực như sau: Chân chánh quán tưởng, vị tỳ kheo thọ dụng món ăn khất thực, không phải để đùa vui, không phải để đam mê, không phải để làm đẹp, không phải để béo tốt, mà chỉ để duy trì thân mạng, giúp đẩy lui sự khó chịu và để thực hành phạm hạnh.

Chân chánh giác sát, vị ấy thọ dụng món ăn khất thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp, mà chỉ để thân này được sống lâu, được bảo dưỡng, để khỏi bị giày vò, để hỗ trợ phạm hạnh. Thực phẩm thường là một đối tượng của tham và cũng có thể là một đối tượng của sân. Nếu một người chân chánh quán tưởng khi sử dụng chúng thì có tâm thiện. Thích thưởng thức món ngon cũng là điều tự nhiên, nhưng nếu ta nhớ rằng thực phẩm giống như một loại thuốc chocơ thể, thì ít có khuynh hướng ăn quá nhiều – nguyên nhân của sự lười biếng.

Nhiệm vụ của chư tăng là chân chánh quán tưởng khi thọ dụng tứ vật dụng, còn đối với cư sĩ thì có thể có duyên cho việc chân chánh quán tưởng về những thứ mình sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Các vị tỳ kheo cũng không nên tự do thoải mái ngủ nghỉ, giao du với mọi người hay nói chuyện phiếm, chuyện vô ích. Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ kinh (Chương Mười Pháp, Phẩm Song Đôi, IX, Những Đề Tài Câu Chuyện) khi Đức Phật đang ngụ ở gần thành Xá vệ (Sāvatthī) tại Kỳ viên Tịnh xá (Jetavana), một số vị tỳ kheo ham nói chuyện phiếm, cụ thể là nói chuyện về vua chúa, trộm cướp, tướng lĩnh, thực phẩm, bà con, làng xóm và các chủ đề vô ích khác.

Đức Phật hỏi họ đang nói chuyện gì và sau đó Ngài nói rằng những chuyện phiếm, chuyện vô ích như vậy là không phù hợp với họ. Ngài chỉ ra rằng, có mười chủ đề đàm luận mà các vị tỳ kheo nên tham gia vào như: Nói về thiểu dục (muốn ít), về tri túc (biết đủ), ẩn dật, cô độc, nỗ lực tinh cần, đạo đức, định tâm, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Điều này có cũng có lợi cho cư sĩ trong việc thấy được loại tâm nào thúc đẩy việc chuyện trò. Mặc dù người ta chưa thể thay đổi thói quen nhưng biết được loại tâm nào thúc đẩy lời nói và hành động của mình là điều rất có ích.

Các vị tỳ kheo cần phải giữ thanh tịnh trong mọi hành động và lời nói. Có bốn loại thanh tịnh thuộc giới tỳ kheo: hành trì giới luật, thu thúc lục căn, nuôi mạng chân chánh, sử dụng đúng đắn tứ vật dụng. Liên quan đến việc “thu thúc lục căn”, chúng ta đọc thấy trong Trung Bộ Kinh (Kinh Tiểu Dụ Dấu Chân Voi, số 27) như sau: Khi mắt thấy sắc, Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.

Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi và các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không vẩn đục. Khi có sự hiểu biết về đối tượng thị giác, âm thanh và các thực tại khác như chúng là, là vô thường và vô ngã, người ta sẽ bớt bị chúng mê hoặc.

Chúng ta phải hiểu các từ “quán sát” và “chế ngự” theo nghĩa này. Chính là bởi sự hiểu biết, trí tuệ, mà có sự “thu thúc lục căn”. Như chúng ta đọc trong Kinh Pháp Cú (câu 183), Đức Phật đã dạy về tránh điều ác, phát triển thiện pháp và thanh lọc tâm ý. Thông qua phát triển tâm trí, có thể thanh lọc tâm ý, loại bỏ những gì là bất tịnh, bất thiện. Phát triển tâm trí là loại thứ ba trong ba phân loại thiện pháp.

Để phát triển tâm trí thì chánh kiến hay trí tuệ là cần thiết, trong khi hình thái thiện pháp đầu tiên là bố thí và hình thái thứ hai là trì giới có thể thực hiện mà không có chánh kiến. Người ta có thể thực hiện những hành động bố thí, tránh điều ác hay giúp đỡ người khác vì đó là bản tính của họ, mặc dù không có hiểu biết về tâm mình. Khi có hiểu biết đúng về các tâm sinh khởi thì có sự phát triển thiện pháp nhiều hơn.

Thông qua sự phát triển hiểu biết về các tâm của mình, người ta sẽ phát hiện ra tất cả điểm yếu của mình, ngay cả những lỗi nhỏ, và điều này có nghĩa là có ít ảo tưởng về bản thân hơn. Rất lợi lạc khi khám phá ra rằng bất cứ khi nào không hành thiện thì những hành động, lời nói và suy nghĩ là bất thiện. Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương Hai Pháp, Phẩm Tranh Luận, §7) về làm ác và bỏ qua làm thiện.

Chúng ta đọc thấy rằng Bà la môn Jānussoṇi hỏi Đức Phật tại sao một số chúng sinh tái sanh trong địa ngục. Đức Phật giải thích rằng đó là do làm ác và không làm thiện. Ngài nói: đây, này Bà-la-môn, có người thân làm ác, thân không làm thiện, miệng nói ác, miệng không nói thiện, ý nghĩ ác, ý không nghĩ thiện. Như vậy, này Bà-la-môn, do làm và do không làm như vậy, ở đây một số chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Chúng ta đọc thấy rằng Đức Phật sau đó thuyết rằng, do thực hành thiện nghiệp và tránh bất thiện nghiệp mà chúng sinh được tái sinh ở cảnh trời. Bài kinh là một lời nhắc nhở không bỏ qua thiện pháp. Bỏ qua thiện pháp sẽ tạo duyên cho sự hối tiếc và lo lắng sau này. Khi thiện pháp được thực hiện với mục đích tiêu trừ phiền não, sẽ có nhiều động lực để tránh bất thiện pháp, phát triển thiện pháp và thanh lọc tâm ý. Khi phát triển hiểu biết hơn về tâm và các tâm sở đồng sinh thì niềm tin vào lợi ích của thiện pháp sẽ tăng lên. Khi trực nhận được sự thật về vô ngã, người ta sẽ thấy rõ ràng rằng tâm thiện phát sinh do duyên riêng của chúng, rằng không có con người hoặc tự ngã nào làm điều đó. Nhờ đó mà thiện pháp sẽ trong sạch hơn, việc giữ giới sẽ trở nên bền vững hơn.

Tuy nhiên, hiểu biết về sự thật vô ngã là kết quả của một sự phát triển dần dần, nó không thể có được trong thời gian ngắn. Đó là sự phát triển trí tuệ trực nhận được các hiện tượng danh và sắc của đời sống. Đây là hình thái thiện nghiệp thuộc về phát triển tâm trí. Ích kỷ, ghen tị, keo kiệt, giận dữ, kiêu mạn và các phiền não khác làm rối loạn xã hội. Những phiền não ấy thúc đẩy chúng ta nói lời sai trái và hành động sai trái.

Làm như vậy, chúng ta hại cả chính mình và những người khác. Nếu chúng ta rèn luyện bản thân sống theo các nguyên tắc của từ ái, bi mẫn, khoan dung và hiền dịu như Đức Phật đã dạy, thì sẽ đem lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Tại thời điểm thực hành thiện pháp, tâm thanh tịnh, không phiền não; không có tham, sân và si. Chúng ta đọc trong Kinh Pháp Cú (câu 3-5): “Hắn chửi tôi, hắn đánh tôi, hắn đánh bại tôi, hắn cướp tài sản của tôi”, sự thù hận của những kẻ nuôi dưỡng suy nghĩ như vậy không dịu đi. “Hắn chửi tôi, hắn đánh tôi, hắn đánh bại tôi, hắn cướp tài sản của tôi”, sự thù hận của những người không nuôi dưỡng suy nghĩ như vậy được dịu dần. Hận thù không bao giờ chấm dứt bởi lòng thù hận trong thế giới này; chỉ có tình yêu thương mới có thể chấm dứt điều đó. Đây là một nguyên tắc cổ xưa.

Chúng ta không thể sống đúng theo nguyên tắc như vậy trừ phi có sự phát triển trí tuệ dẫn đến chấm dứt phiền não. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu áp dụng thực hành những thiện pháp mà mình có khả năng thực hiện được vào lúc này. Tất cả các loại thiện pháp thuộc bố thí, trì giới và phát triển tâm trí đều vì lợi ích cho bản thân chúng ta và đồng loại.

Nina van Gorkom

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo