19.8 C
Chư Sê
Thứ năm, 28 Tháng mười một, 2024

Tập quên để hiểu mình hiểu người

Có thể bạn quan tâm

- Advertisement -spot_img

Càng ý thức chính mình, mình càng biết: Quên là một kỳ diệu của sự sống.

Audio

 Quên, dù muốn hay không, mọi hiện hữu vô thường đều đi qua nó để mới và đi tới. Không thể không quên mà mãn nguyện, đặc biệt là quên mình, quên cái tôi.

Lúc mình biết quên là lúc mình có hạnh phúc nhất. Quá khứ và tương lai sẽ không còn ám ảnh người biết quên nữa. Ký ức sẽ tan vào hiện tại và tương lai sẽ biểu hiện ở tại đây. Ta người, đây kia, được mất, đúng sai, hơn kém, tất cả đều vắng lặng trong tâm biết quên.

Quên sẽ đưa tất cả trở về nơi chính nó. Mình bình thường mà thế giới cũng bình thường. Nhân quả sẽ vận hành. Nhân duyên sẽ tan hợp. Nhưng hoàn toàn và tự nhiên không có ai nhớ gì về nhân quả, nhân duyên.

minhhoa 1

Một người muốn hiểu người, người ấy phải quên mình. Một người muốn hiểu mình, người ấy phải quên người. Nếu còn nhớ mình và của mình, mình sẽ không bao giờ hiểu người. Nếu còn nhớ người và của người, mình sẽ không bao giờ hiểu mình. Lăng kính mình và của mình sẽ không cho phép mình nhìn người như chính nó. Lăng kính người và của người sẽ không cho phép mình nhìn mình như chính mình. Cô đơn và mặc cảm sẽ bỏ tù mình khi mình không biết quên.

Vua Lý Thái Tông, một sáng mùa xuân tìm vào núi viếng thăm Thiền sư Thiền Lão.

Vua hỏi: Thầy đến tu núi này được bao lâu rồi?

Thiền sư đáp: Sống hôm nay biết hôm nay; Ngày tháng trước đã không còn nhớ nữa (quên).[1]

Vua lại hỏi tiếp: Như vậy hằng ngày Thầy làm việc gì?

Thiền sư đáp: Trúc biếc hoa vàng cảnh ở đây; Trăng trong mây bạc người ở đó.[2]

Khi người biết quên và được quên, mọi hiện hữu vẫn sinh động như nó là, nhưng không còn ta người nào hay ngày tháng nào để nhớ nữa. Ngày tháng đã tan vào hôm nay và ta người đã hoá thân mây, trúc. Quên hỏi ta người, quên hỏi được mất, quên hỏi đúng sai, quên hỏi cô đơn và quên hỏi luôn thân phận là những biểu hiện của người ấy. Mỗi phút giây đi qua người ấy đều trở về không. Vắng lặng, bi mẫn và liễu tri là cái còn lại. Thế giới quanh người ấy không còn giới hạn trong đôi mắt. Nhắm mắt, người ấy vẫn thấy. Thấy như là thấy [3]. Thấy trọn vẹn và cũng trọn vẹn quên.

Nhuận Đạt

———–

[1] 《禪苑集英》:「但知今日月; 誰識舊春秋」。

[2] 《禪苑集英》:「翠竹黃花非外境; 白雲明月露全真」。

[3] Kinh Bāhiya, Tiểu Bộ Kinh: “Bāhiya, ông cần thực tập như sau: Trong cái thấy chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong cái cảm giác chỉ là cái cảm giác; trong cái nhận thức chỉ là cái nhận thức. Thực tập như thế, Bāhiya, ông sẽ không “vì điều đó” mà có. Khi ông không “vì điều đó” mà có thì ông sẽ không hiện hữu “trong đó”. Và khi ông không hiện hữu “trong đó” thì ông sẽ không hiện hữu ở bên này, không ở bên kia, cũng không ở giữa. Chỉ như thế là đoạn tận khổ đau”.

Rate this post
- Advertisement -spot_img

Đọc tiếp

- Advertisement -spot_img

Dành cho bạn

MessengerZalo