Là một người Phật tử, khi đến chùa, đứng trước tôn tượng Quán Thế Âm, chúng ta không chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp thanh thoát, trang nghiêm nơi Ngài, hay lễ lạy Ngài chỉ vì một niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, mà hơn cả chính là nhớ nghĩ đến hạnh nguyện mà Ngài muốn trao gởi cho nhân loại.
Quán Thế Âm là một vị Bồ-tát được biết đến nhiều nhất trong các truyền thống Đại thừa. Theo Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Đức Phật có nhắc đến Bồ Tát Quán Thế Âm với công hạnh hiện thân ra nhiều tướng trạng khác nhau từ thân Phật cho đến thân các loài A-tu-la, phi nhơn, quỷ thần…để cứu giúp những chúng sanh đang gặp khổ nạn:
“Tâm bi như sấm động,
Lòng từ như mây hiền
Pháp cam lộ mưa xuống
Dập trừ lửa phiền não”
(Kinh Quán Âm, Thầy Nhất Hạnh dịch).
Bồ tát Quán Thế Âm: Hiện thân của lòng từ bi
Chính bởi lòng từ bi rộng lớn không giới hạn nên Ngài đã lắng nghe những nỗi khổ của tất cả chúng sanh. Do đó, sự kính ngưỡng và tôn thờ Ngài không phải chỉ có các Phật tử, mà ở cả những người không theo đạo Phật.
Lắng nghe không chỉ là một kỹ năng sống cần có của tất cả mọi người để thiết lập và duy trì các mối quan hệ giữa người với người mà còn là một phương pháp thực tập quan trọng trong Phật giáo để thấu hiểu và chuyển hóa những nổi khổ niềm đau của tha nhân. Nhắc đến hạnh lắng nghe, chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến Bồ Tát Quán Thế Âm, bởi tên gọi của Ngài đã thể hiện ý nghĩa đó.
Quán Thế Âm có nghĩa là lắng nghe những âm thanh của cuộc đời. Chữ Quán ở đây nghĩa là để ý tới, nhìn sâu, nhìn kỹ để có thể hiểu. Hiểu là bản chất của thương yêu, có hiểu mới có thương. Kinh Lăng Nghiêm có nói, nhờ tu tập và phát 12 đại nguyện mà Bồ Tát Quán Thế Âm chứng đắc được “nhĩ căn viên thông” nên có thể lắng nghe và thấu cảm tất cả những tiếng oán thán, khổ đau khắp cùng. Chính 12 nguyện lớn này cho chúng ta thấy tâm từ bi cao cả, rộng lớn của Ngài. Nếu không có lòng đại từ đại bi thì khó có thể lắng nghe hết thảy chúng sanh.
Muốn phát khởi lòng từ bi, chúng ta phải biết cách tưới tẩm những hạt giống thương yêu trong tâm. Đây là một quá trình tu tập, nuôi dưỡng tâm bằng cách mở rộng lòng mình, học cách không phán xét, không phê bình, không chỉ trích mà phải biết lắng nghe để hiểu, để thương. Lắng nghe là nền tảng để có thể thấu hiểu. Người xuất gia cần thực tập, trau dồi hạnh lắng nghe và thấu hiểu theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để đi vào cuộc đời, làm lợi ích cho cuộc đời. Đây cũng là những nguyên tắc ứng dụng trong đối nhân xử thế, kiến tạo niềm an lạc, hạnh phúc bản thân và cho mọi người.
Nếu quan sát những sự kiện diễn ra xung quanh, chúng ta thấy những bất hòa, tranh cãi cho đến biểu tình, xung đột, bạo động, chiến tranh… có thể nói là do con người không biết lắng nghe nhau, thấu hiểu cho nhau. Do đó, để cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, mọi người quan tâm, thông cảm hoàn cảnh của nhau, chúng ta hãy chịu khó lắng nghe. Cha mẹ lắng nghe con cái, vợ chồng lắng nghe nhau, anh lắng nghe em, thầy lắng nghe trò… thấu hiểu nỗi niềm, tâm sự, khó khăn của đối phương, nhằm xoa dịu những bất an tinh thần, những khó khăn trong cuộc sống. Trong một tổ chức hay cộng đồng xã hội, nếu có sự lắng nghe, thông hiểu giữa cấp trên và nhân viên, giữa người đứng đầu và tập thể, dung hòa lợi ích đôi bên, cùng nương tựa, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, thử thách thì tổ chức, cộng đồng đó sẽ ngày một phát triển thịnh vượng trong sự hòa hợp, thuận thảo. Từ một hành động hết sức đơn giản này có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người, một tổ chức, một xã hội theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn.
Là một người Phật tử, khi đến chùa, đứng trước tôn tượng Quán Thế Âm, chúng ta không chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp thanh thoát, trang nghiêm nơi Ngài, hay lễ lạy Ngài chỉ vì một niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, mà hơn cả chính là nhớ nghĩ đến hạnh nguyện mà Ngài muốn trao gởi cho nhân loại.
Trong một nhịp sống hối hả của thời đại vật chất, lắng nghe như một chất liệu, một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần trao dồi để có thể thu hẹp khoảng cách giữa người với người đang ngày càng xa nhau. Mỗi người con Phật nhớ nghĩ và thực hành hạnh lắng nghe, để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc cùng với người thân và những người xung quanh mình. Nguyện cho tất cả mọi người đều là một vị Bồ Tát giữa đời thường thực hành hạnh lắng nghe để thế giới này thêm ngày một tươi đẹp và ý nghĩa.