Thân hình không đoan chánh nghĩa là ngoại hình có vấn đề không như ý. Như lùn quá hay cao quá, đen quá hay trắng quá, mập quá hay ốm quá, khiếm khuyết hay tật nguyền chỗ này hoặc chỗ kia,… Ngược lại, thân hình đoan chánh là người có hình thể cân đối, vẻ ngoài dễ nhìn, nhiều người có thiện cảm.
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào lúc trời vừa sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào nước Xá-vệ. …
Đức Phật nói:
– Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình không đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ mà tánh nóng nảy, hay bực dọc, vừa nghe chút ít đã nổi cơn giận dữ, nổi ganh ghét mà sanh lo buồn, nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ lấy nghiệp này, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đưa đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục. Mãn kiếp địa ngục, lại sanh vào nhân gian, hình thể không đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể không đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh nóng nảy, hay bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy.
– Này Ma-nạp, do nhân gì, duyên gì mà kẻ nam hay người nữ có thân hình đoan chánh? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không hay bực dọc, người ấy nghe lời nói êm ái hay thô bỉ cục cằn không nổi cơn giận dữ, không ganh ghét sanh ra buồn rầu, không nổi thịnh nộ tranh chấp. Người ấy thọ nghiệp, tác thành đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn tiến lên chỗ lành, sanh vào trong cõi trời. Mãn kiếp ở cõi trời lại sanh vào nhân gian, hình thể đoan chánh. Vì sao vậy? Vì con đường này đưa đến thọ báo hình thể đoan chánh, nghĩa là kẻ nam hay người nữ nào tánh không nóng nảy, không nhiều bực dọc. Ma-nạp nên biết, nghiệp này có quả báo như vậy”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Căn bổn phân biệt, kinh Anh vũ, số 170 [trích])
Thân hình không đoan chánh nghĩa là ngoại hình có vấn đề không như ý. Như lùn quá hay cao quá, đen quá hay trắng quá, mập quá hay ốm quá, khiếm khuyết hay tật nguyền chỗ này hoặc chỗ kia, bản thân thường tự ti mặc cảm, bị người xa lánh. Ngược lại, thân hình đoan chánh là người có hình thể cân đối, vẻ ngoài dễ nhìn, nhiều người có thiện cảm.
Có người mới sinh ra thân thể và diện mạo đã bị khiếm khuyết rồi. Có người lớn lên, do bệnh tật hoặc tai nạn phải mang nhiều thương tích, thậm chí tật nguyền. Chẳng ai muốn mình như vậy cả nhưng cũng không nhiều người biết nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ đâu. Ông trời trừng phạt chăng? Số mệnh an bài định sẵn chăng?
Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân do quá khứ tạo nghiệp tánh tình nóng nảy, bực bội, thường hay sân hận, ganh ghét, tranh chấp. Chính việc tạo ra ác nghiệp nóng giận nên khi chết sinh vào cõi dữ, chịu nhiều đau khổ. Khi trả hết nghiệp ở nơi địa ngục tái sinh làm người, do dư báo của ác nghiệp vẫn còn nên chịu ngoại hình không như ý. Con đường đưa đến ngoại hình thô xấu chính là nhiều nóng giận.
Nếu người nào tánh tình không nóng nảy, chẳng bực bội, dù thực tế thế nào cũng không khởi tâm sân hận, chẳng tranh chấp đấu đá với người, sống vui vẻ, hòa đồng, yêu thương thì được phước sinh về các cõi trời. Đến khi hết phước cõi trời sinh làm người, do dư báo thiện nghiệp hoan hỷ vẫn còn nên được phước ngoại hình đẹp đẽ.
Ngay trong hiện tại, người nổi cơn thịnh nộ và hay tranh chấp đấu đá là đã không đẹp rồi. Cả thân lẫn tâm đều xấu xí vì lửa nóng giận và đấu tranh thiêu đốt. Vì thế thường tu tập từ bi và hoan hỷ, nguyện yêu thương và vui vẻ với bất cứ hoàn cảnh nào để cho mình luôn dễ thương và đoan chính ngay hiện đời và những đời sau.