Trong quá trình tu tập, mỗi chúng ta nên tâm niệm một điều rằng: để đi đến con đường giác ngộ giải thoát, tiến đến quả vị Phật là một nhiệm vụ khó khăn nhất ở thời mạt pháp đối với mỗi con người. Thuận duyên cũng nhiều nhưng nghịch duyên cũng không phải là ít.
Khi gặp thuận duyên, điều kiện tu tập tốt, chúng ta phải cố gắng tinh tiến, không giải đãi, đắm nhiễm vào những lời khen, tán thán mà sinh tâm kiêu mạn, làm mất hết công đức tu tập bấy lâu. Khi tâm đã tiếp nhận những lời khen thì khi gặp những nghịch cảnh: người khác chê bai, bài xích, nói xấu, chúng ta dễ sinh tâm buồn phiền, đau khổ, sống trong vòng đối đãi, đây là đầu mối của sinh tử luân hồi. Cho nên phải biết:
“Nghe chê mà vội giận ngay
Thì lời sàm báng dễ hay lọt vào
Nghe khen lại vội mừng sao
Là mồi kẻ nịnh ngọt ngào đưa hơi”
Người tu hành phải luôn nhìn thẳng vào sự thật, xem lại chính mình khi có lỗi, tu tập không đúng với chính pháp, được người khác nhìn thấy chỉ bày thì không có gì phải buồn phiền, sẵn sàng đón nhận để sửa chữa và chính họ là những bậc thiện hữu tri thức của chúng ta. Còn nếu như lời nói của họ vì tâm ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ thì chúng ta coi đây như là một sự thử thách xem mình tu tập kiên nhẫn đến đâu. Con đường rải đá tuy gồ ghề, khi đi nó làm cho chân chúng ta bị đau, nhưng mỗi bước đi nó sẽ vững chắc hơn, không làm chúng ta bị sa ngã.
Người xưa đã nói:
“Làm nên sự nghiệp lẫy lừng
Phần nhiều trong lúc khốn cùng mà ra
Những kẻ đắc chí kiêu sa
Là cơ thất bại khó mà thành công”
Trong kinh đức Phật cũng dạy rằng: “Người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an vui tự tại thì người đó là một vị Phật trong tương lai”. Đây là ý nghĩa hết sức sâu sắc, vi diệu của đạo Phật.
Sự an lạc giải thoát luôn hiện hữu bên cạnh mỗi chúng ta, nếu như chúng ta hành trì, tu tập đúng theo lời Phật dạy, giữ gìn Giới luật, áp dụng cho mình một pháp môn tu phù hợp với căn cơ, trình độ thì chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc sống an vui, sớm đi đến lộ trình giác ngộ giải thoát.