Theo tuệ giác của Thế Tôn, mong ước xây dựng đời sống hạnh phúc bình thường vốn rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là thiết lập nền tảng đạo đức để tịnh hóa thân tâm, thăng hoa cuộc sống, hướng đến giải thoát và giác ngộ.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika, dạy các Tỷ kheo:
Này các Tỷ kheo, có hai sự tầm cầu này: Thánh cầu và phi Thánh cầu.
Thế nào là phi Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm.
Này các Tỷ kheo, cái gì gọi là bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm? Đó là vợ con, tôi tớ, gia súc, vàng bạc. Chấp thủ, nắm giữ, tham đắm và say mê chúng gọi là tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm. Này các Tỷ kheo, như vậy gọi là phi Thánh cầu.
Và này các Tỷ kheo, thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người tự mình bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm; sau khi biết rõ sự nguy hại của chúng, tìm cầu cái vô sanh, không già, không bệnh, bất tử, không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Này các Tỷ kheo như vậy gọi là Thánh cầu.
(ĐTKVN, Trung Bộ I, kinh Thánh cầu [trích], VNCPHVN ấn hành, 1992, tr.361)
Cách chắp tay, ngồi, quỳ, lễ Phật đúng mà Phật tử nên biết
Lời bàn:
Đi chùa, lễ Phật, cầu nguyện an lành, cát tường và thịnh vượng là nét văn hóa tâm linh của những người con Phật. Sự cầu nguyện, mong ước sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai là điều cần thiết đối với mọi người.
Đa phần chúng ta thường mong cầu, tìm kiếm những yếu tố hạnh phúc bình thường như sức khỏe, phát tài, bình an gia đạo…nói chung là mong rằng vạn sự như ý. Những mong cầu này là chính đáng, hợp lý và thực tiễn. Tuy vậy, Thế Tôn vẫn răn nhắc rằng đó chưa phải là mong ước, sự tìm cầu cao thượng, Thánh cầu. Bởi đó chỉ là vòng lẩn quẩn của “người tự mình bị sanh, già, bệnh, chết và ô nhiễm lại tìm cầu cái bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị ô nhiễm”.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, mong ước xây dựng đời sống hạnh phúc bình thường vốn rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là thiết lập nền tảng đạo đức để tịnh hóa thân tâm, thăng hoa cuộc sống, hướng đến giải thoát và giác ngộ. Ở đây, sự mong cầu được nâng lên một tầm cao mới, tìm kiếm sự hoàn thiện nhân cách hơn là sung mãn những nhu cầu vật chất, danh tiếng theo dục vọng tầm thường.
Như vậy, Thánh cầu là mong cầu tối thượng, không thể thiếu trong lộ trình tu học. Do đó, ngoài những mong cầu tốt đẹp bình thường, người tu Phật cần hướng đến những mong cầu cao thượng là tự tại, giải thoát, bằng cách thực hành tự giác và giác tha đến viên mãn.